Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 07/11/2024 23:31 (GMT +7)
Đầu tư vào nông nghiệp: Doanh nghiệp cần thêm cơ chế
Thứ 4, 12/01/2022 | 07:10:30 [GMT +7] A A
Năm 2016, Quảng Ninh lần đầu tiên tổ chức hội nghị tăng cường đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp. Sau hội nghị, nhiều doanh nghiệp lớn đã đến với Quảng Ninh như: Vingroup, Việt Úc, Phú Lâm… Ngay sau khi triển khai, các dự án của những doanh nghiệp này đã tạo nên sự thay đổi trong cơ cấu, giá trị toàn ngành nông nghiệp tỉnh. Tuy nhiên, từ năm 2018 trở lại đây, toàn tỉnh chưa có thêm một dự án nông nghiệp lớn nào đi vào hoạt động.
Với lợi thế về quỹ đất, nguồn nguyên liệu, đã hình thành được cụm công nghiệp, thời gian qua, không ít doanh nghiệp đã tìm đến huyện Ba Chẽ để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Để thúc đẩy các dự án đầu tư sớm đi vào triển khai, huyện Ba Chẽ đã thành lập Tổ xúc tiến đầu tư cấp huyện để phối hợp với doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư, chỉ đạo các xã, phường rà soát quỹ đất và đồng hành cùng doanh nghiệp trong GPMB… Tuy nhiên, một số chính sách liên quan đến thẩm quyền cấp tỉnh, cấp trung ương do chậm được giải quyết đã khiến cho một số dự án nông nghiệp trọng điểm trên địa bàn huyện chậm được triển khai.
Đơn cử như dự án khu chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung công nghệ cao và nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm tại xã Đồn Đạc, do Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô gần 200ha, giá trị đầu tư trên 400 tỷ đồng nhằm sản xuất 5.000 lợn nái sinh sản, 60.000 lợn thương phẩm, 150.000 con gia cầm. Theo tiến độ đề ra, đến hết tháng 7/2020, dự án phải hoàn thành đầu tư, tháng 8/2021 đi vào hoạt động sản xuất. Nhưng đến cuối năm 2021, dự án đã phải 2 lần gia hạn mà vẫn chưa hoàn thiện quy trình đầu tư. Nguyên nhân của việc này chủ yếu liên quan đến việc các cơ quan chức năng của tỉnh chậm ra quyết định thu hồi đất sử dụng không hiệu quả của dự án trước đó chuyển về quỹ đất địa phương quản lý, dẫn đến khó khăn trong công tác GPMB.
Ông Trần Hòa, Giám đốc Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường, cho biết: Từ năm 2017 đến nay, Công ty đã được Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ thực hiện nuôi giữ đàn lợn giống gốc để phát triển đàn giống chất lượng cao, cung cấp ra thị trường phục vụ tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi. Do đó, Công ty rất mong muốn dự án sớm được triển khai nhưng cho đến thời điểm này, sau gần 3 năm dự án mới có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đang trong quá trình xin gia hạn tiến độ và làm thủ tục thuê đất. Việc dự án chậm triển khai ngày nào là doanh nghiệp đánh mất thêm nhiều cơ hội ngày đó. Trong khi đầu tư vào nông nghiệp mang tính thời điểm và rủi ro rất cao.
Do liên quan đến vướng mắc về chuyển mục đích sử dụng đất rừng nên dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao với quy mô 20.000 con/năm tại xã An Sinh (TX Đông Triều) của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Sinh Lộc cũng đang dậm chân tại chỗ bởi không giải phóng được mặt bằng. Lý do là trong khuôn khổ quy mô dự án 50ha, hiện trạng đều là vùng đồi thấp với rừng sản xuất, cây công nghiệp và cây ăn quả. Tuy nhiên, theo hồ sơ của đơn vị chức năng cung cấp thì có 1ha là rừng tự nhiên khoanh nuôi bảo vệ. Với loại rừng này, theo quy định sẽ phải thực hiện trình tự thủ tục riêng liên quan đến các bộ, ngành trung ương và phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên thời gian để thực hiện thường kéo dài khá lâu.
Một dự án nông nghiệp khác cũng khá đáng tiếc khi phải nhắc đến là dự án khu chăn nuôi lợn giống, lợn thịt ứng dụng công nghệ cao tại xã Tràng Lương (TX Đông Triều) của Công ty CP Dabaco Quảng Ninh (Liên danh giữa Tập đoàn Dabaco và Công ty CP Nông trường Đông Triều). Trong đó, Tập đoàn Dabaco là một doanh nghiệp đầu ngành trong cả nước về chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất con giống. Theo thiết kế, dự án sẽ xây dựng trang trại chăn nuôi lợn giống, lợn thịt trên diện tích gần 80ha theo hình thức khép kín, ứng dụng công nghệ cao. Với công suất khoảng 3.600 con lợn giống và 36.000 con lợn thịt/lứa, đây hứa hẹn sẽ là dự án chăn nuôi lớn nhất miền Bắc.
Tháng 7/2019, dự án đã được Tỉnh ủy chấp thuận chủ trương đầu tư tại Thông báo số 1433-TB/TU và được xác định là dự án thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp nông thôn. Tháng 8/2019, dự án được UBND tỉnh phê duyệt chấp thuận địa điểm nghiên cứu quy hoạch 1/500; tháng 2/2020, phê duyệt chấp thuận nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Tháng 5/2020, Công ty đã lập hồ sơ trình UBND tỉnh xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. UBND tỉnh cũng đã giao Sở KH&ĐT chủ trì lấy ý kiến các sở, ngành. Trong đó Sở TN&MT sau khi rà soát lại toàn bộ nguồn gốc đất đã đề xuất Nhà nước thu hồi đất, giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý và sau đó sẽ thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Không đồng tình với kết quả này vì Công ty CP Dabaco Quảng Ninh cho rằng, Công ty CP Nông trường Đông Triều trước đây là doanh nghiệp nhà nước, đã được cổ phần hóa cách đây 16 năm. Hiện không còn cổ phần hoặc tài sản nhà nước trong công ty. Toàn bộ tài sản trên đất là của hộ nhận khoán kể từ khi hình thành tài sản, không thuộc tài sản nhà nước, kể cả khi Công ty CP Nông trường Đông Triều chưa cổ phần hóa.
Do những vướng mắc trên nên đến nay tiến độ giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư còn chậm do chưa thống nhất về hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Công ty CP Nông trường Đông Triều, cho biết: Dự án sẽ giúp tăng hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp của Nông trường Đông Triều và kỳ vọng sẽ tạo thêm việc làm cho trên 100 lao động mới tại địa phương. Để chuẩn bị cho dự án, Công ty CP Dabaco Quảng Ninh đã thực hiện ký hợp tác với 6 nhà cung cấp giải pháp toàn diện chăn nuôi của Đan Mạch. Đồng thời, các cổ đông cũng đã góp đủ 100% tiền mặt (100 tỷ đồng), lớn hơn vốn tự có tối thiểu quy định tại vốn đầu tư của dự án. Điều đó cho thấy thiện chí rất lớn của chúng tôi tại Quảng Ninh. Tuy nhiên, Tập đoàn Dabaco đã đầu tư chăn nuôi lợn tại 8 tỉnh miền Bắc nhưng chưa nơi nào phải đấu giá quyền sử dụng đất và theo như chúng tôi được biết, từ trước đến nay, các dự án nông nghiệp được tỉnh phê duyệt cũng chưa có dự án nào phải đấu giá quyền sử dụng đất. Nếu những khó khăn này không sớm được tháo gỡ, chúng tôi sẽ xin rút không thực hiện dự án.
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, thời điểm hiện tại, ở lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh có 65 dự án lớn, nhỏ đang trong quá trình đầu tư. Trong đó chỉ có rất ít dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, còn lại phần lớn là những dự án đang ở những bước chuẩn bị ban đầu. Như vậy, để các dự án nông nghiệp có thể đưa vào sản xuất thì doanh nghiệp cần được các bộ, ngành Trung ương và tỉnh song hành trợ giúp để tháo gỡ những vướng mắc nói trên. Bởi nếu cứ để doanh nghiệp “tự bơi” thì các dự án sẽ chỉ nằm trên giấy, còn ngành Nông nghiệp của tỉnh thì khó có thể tái cơ cấu theo đúng mục tiêu đã đặt ra.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()