Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 01:33 (GMT +7)
Xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025
Thứ 5, 16/12/2021 | 14:05:48 [GMT +7] A A
Sáng 16/12, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp trực tuyến nghe báo cáo kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025. Đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp.
Mục tiêu chung cơ cấu lại ngành NN&PTNT Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 trong điều kiện đất đai dần bị thu hẹp sẽ tập trung cho sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản theo hướng lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh, phát triển thị trường, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp trở thành trụ cột trong kinh tế nông thôn, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, có sức cạnh tranh, từ đó tăng thu nhập của nông dân, đóng góp vào mục tiêu chung phát triển nông thôn văn minh, hiện đại, đồng bộ với phát triển đô thị và công nghiệp dịch vụ hiện đại của tỉnh.
Mục tiêu cụ thể phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP toàn ngành khoảng 3,5 - 5,5%. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định 55% và nâng cao chất lượng rừng. Sản lượng lương thực khoảng 230.000 tấn/năm. Tổng sản lượng thuỷ sản đạt khoảng 177.000 tấn. Tổng giá trị sản xuất thủy sản theo giá cố định tăng trưởng khoảng 7,2%/năm, chiếm trên 60% trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp của tỉnh. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt khoảng 5.000 USD/người/năm.
Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới hải đảo; đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; cải thiện rõ rệt và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.
Đến hết năm 2022, tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2025, có ít nhất 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có ít nhất 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2025, ngành Nông nghiệp tập trung phát triển các nhóm sản phẩm lợi thế của tỉnh gồm những sản phẩm chủ lực có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường...
Trong kế hoạch cơ cấu lại ngành giai đoạn 2021-2025, Sở NN&PTNT cũng đề ra 8 nhóm giải pháp để tổ chức thực hiện. Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn hợp pháp khác trong việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu Sở NN& PTNT tiếp thu toàn bộ ý kiến tham gia, đề xuất của các địa phương, sở, ngành để bổ sung hoàn thiện tổng thể kế hoạch cơ cấu lại ngành NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021-2025, để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Đồng chí nhấn mạnh: Phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị, đa mục tiêu và nâng cao giá trị sử dụng đất, trong đó lấy chăn nuôi và thủy sản làm khâu đột phá trong thực hiện và lấy kinh tế rừng, lâm nghiệp làm mục tiêu phát triển bền vững. Ngay sau khi kế hoạch ban hành, ngành Nông nghiệp phải cụ thể hóa để tổ chức thực hiện nhằm hình thành chuỗi bền vững cho các sản phẩm đặc trưng đã xác định. Quá trình thực hiện phải hết sức coi trọng công tác khuyến nông và thú y trong nông nghiệp, có kế hoạch tuyên truyền đồng bộ để tôn vinh những người làm nông nghiệp - nông thôn.
Hải Hà
Liên kết website
Ý kiến ()