Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:30 (GMT +7)
Dạy con thói quen lễ phép bắt đầu từ đâu?
Thứ 3, 20/08/2024 | 08:47:32 [GMT +7] A A
Cha mẹ nên dạy con lễ phép, tôn trọng mọi người ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Theo đó, trẻ biết xin phép người lớn trước khi muốn làm một điều gì đó.
Phụ huynh cần đặt ra một số quy tắc nhất định trong nhà và nhắc nhở trẻ thường xuyên về việc xin phép. Việc nêu rõ quy tắc sẽ giúp trẻ ghi nhớ và tiếp thu tốt hơn.
Từ lời nói đến hành động
Các phụ huynh thường đặc biệt quan tâm đến sức khỏe và học tập của con mình trong từng giai đoạn trẻ trưởng thành. Trong đó, lễ phép là một trong những yếu tố góp phần hình thành nên một đứa trẻ ngoan, có nền tảng giáo dục tốt.
Song thực tế, sự lễ phép ở trẻ không tự có, nếu không có người lớn dạy dỗ. Vì thế, điều quan trọng là cha mẹ cần chú ý giáo dục con để trẻ trở nên tốt hơn mỗi ngày.
Ngay khi còn được bế trên tay, cha mẹ thường nói với con rằng “cười với bà/với ông một cái đi con!”. Đây là cách mà chúng ta muốn trẻ thể hiện lòng yêu thương đối với người khác.
Lớn hơn một chút, khi mới bập bẹ tập nói, chữ duy nhất trẻ được khuyến khích chính là “Ạ”. Mỗi lần gặp người lớn hay muốn xin quà bánh, trẻ “ạ” để thay cho lời xin phép. Như vậy có thể thấy, ngay từ những ngày đầu tiên, các phụ huynh đã muốn con mình có đức tính tốt, kính trọng và lễ phép với người trên. Đây được coi là bài học đầu đời của mỗi đứa trẻ.
Khi trẻ bắt đầu biết nói, các phụ huynh thường chú trọng dạy con “đi thưa, về trình”. Theo các chuyên gia, cha mẹ hướng dẫn trẻ càng chi tiết, thì con sẽ dễ hiểu và thực hành tốt hơn.
Ví dụ, đối với ông bà, trước khi đi học, đi chơi, trẻ đều phải xin phép bằng một câu đơn giản như: “Thưa ông bà, con đi học”. Tương tự, trẻ cũng cần chào hỏi người lớn ngay khi trở về nhà. Trình tự thưa gửi bắt đầu từ những người có vai vế lớn nhất trong nhà trở xuống.
Cảm ơn cũng là một cách để thể hiện một đứa trẻ lễ phép khi nhận được những món quà. Chắc chắn, cha mẹ cũng như người tặng sẽ không vui khi bé nhận quà rồi vụt chạy, không nói lời nào.
Trong giao tiếp hằng ngày giữa người lớn và trẻ nhỏ cũng không thể thiếu sự lễ phép. Dạy trẻ rằng “dạ - thưa” là những từ mở đầu vô cùng êm ái để người nghe cảm thấy vui lòng, đặc biệt là người lớn hơn mình.
Lễ phép không chỉ thể hiện ở câu nói, mà còn trong hành động. Câu chào còn đi kèm với cái khoanh tay và cúi đầu. Vì vậy, các phụ huynh thường dạy trẻ rằng, khi đưa một vật gì đó cho người lớn, cần dùng hai tay. Hoặc, khi người lớn nói chuyện, con không được xen ngang một cách vô lễ.
Tránh để trẻ trở thành người tùy tiện
Biết xin phép được coi là một yếu tố không thể thiếu, góp phần tạo nên sự lễ phép ở trẻ nhỏ. Song, thực tế, không phải phụ huynh nào cũng chú trọng tới việc dạy trẻ biết xin phép người lớn trước khi làm điều gì đó, như lấy đồ, vào phòng, hoặc đi ra ngoài…
Nhiều trẻ có thói quen tò mò, tùy tiện lấy đồ của người khác để nghịch ngợm, khiến các ông bố, bà mẹ rất phiền lòng. Món đồ đó có thể là thỏi son của mẹ, điện thoại của bố, sách vở của anh chị... Tuy nhiên, nếu cứ để như vậy, trẻ sẽ dần hình thành thói quen xấu, ảnh hưởng đến mối quan hệ của bé với những người xung quanh.
Lớn lên, những trẻ tùy tiện sẽ trở thành người không có phép tắc, coi thường kỷ luật, nội quy tập thể.
Chị Vũ Bảo Ngọc (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, gia đình vô cùng phiền lòng khi bé Bơ (7 tuổi) con chị thường xuyên tự tiện nghịch đồ của mọi người mà không xin phép. Dù nhiều lần mắng, quát, thậm chí là đánh vào tay trẻ, nhưng Bơ vẫn “chứng nào tật nấy”.
“Sau nhiều lần thất bại, tôi dần nhận ra rằng, trong trường hợp này, cần phải dạy cho trẻ về quyền sở hữu. Món đồ gì thuộc quyền sở hữu của trẻ thì con hoàn toàn có quyền sử dụng, có thể đem đi cho người khác mà không cần hỏi ý kiến của bố mẹ và chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc món đồ đó bị hư hỏng hay thất lạc.
Khi muốn sử dụng đồ của trẻ thì bố mẹ cũng phải hỏi ý kiến. Ngược lại, những món đồ nào thuộc quyền sở hữu của người khác thì trẻ không được đụng tới khi chưa có sự đồng ý. Vì vậy, thay vì đánh, mắng, tôi đã dạy con mình hiểu rằng, đồ đạc của ai người đó sử dụng và không động chạm vào đồ của người khác”, nữ phụ huynh cho biết.
Bên cạnh đó, vợ chồng chị Ngọc cũng thường xuyên nhắc con rằng, việc tùy tiện dùng đồ của người khác là hành vi xấu. Người lớn trong gia đình chị cũng thường xuyên làm gương. Khi vi phạm, trẻ sẽ phải nhận hình phạt, như: Không được sử dụng tivi trong một thời gian, hoặc không được đi chơi vào cuối tuần…
Thực tế, trẻ nhỏ chưa hiểu chuyện nên đôi khi có những hành động cảm tính, thích là làm mà không cần biết việc đó có ảnh hưởng như thế nào. Trước đó, một câu chuyện tại Trung Quốc được lan truyền trên mạng xã hội đã khiến mọi người ngưỡng mộ cách giáo dục của phụ huynh này.
Cụ thể, khi hai mẹ con ở Quảng Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) đang mua sắm, cậu bé bỗng kêu đói. Trong khi bà mẹ đang loay hoay chọn đồ thì cậu bé đã vô tư lấy nải chuối ở quầy cắt nhỏ, vừa ăn vừa chơi mà không biết mình phải trả tiền trước cho món đồ đó.
Nhìn thấy con mình mắc lỗi, người mẹ rất tức giận. Tuy nhiên, thấy đứa bé sợ hãi nép sau lưng mẹ khi nhận thấy sự khó chịu của nhân viên siêu thị, ngay lập tức, người mẹ ngồi xổm xuống đối mặt rồi nhìn thẳng vào mắt con nói: “Con xin lỗi đi. Chuối này chúng ta chưa mua về nhà, tức vẫn còn là của siêu thị. Con phá đồ của người khác là sai rồi. Ngay cả ở nhà, chuối cũng là để ăn, không phải để phá”. Đứa nhỏ rụt rè cúi đầu xin lỗi nhân viên bán hàng.
Người mẹ nhặt những quả chuối đứa trẻ đã cắt nát bỏ vào giỏ hàng, quay lại và nói với đứa trẻ: “Con đã phạm những lỗi này. Giờ mẹ có thể trả tiền cho hành vi của con, nhưng con phải đền bù bằng cách làm việc nhà”. Sau đó, người mẹ xin lỗi nhân viên siêu thị một lần nữa rồi dắt con tiến đến quầy thanh toán. Người mẹ cũng quay lại cửa hàng mua rất nhiều loại trái cây khác để đền bù.
Sau khi được lan truyền, câu chuyện này đã khiến cư dân mạng bày tỏ sự ngưỡng mộ trước cách xử lý tình huống của người mẹ. Cô đã giúp con mình nhận ra sai lầm rằng, không thể tự ý, tùy tiện động vào đồ vật không phải của mình khi chưa được phép.
Việc trẻ không xin phép người lớn trước khi làm một việc gì đó có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.
Chị Đặng Trà My (quận Cầu Giấy, Hà Nội) kể, cuối tuần vừa rồi, vợ chồng chị lo lắng tìm con quanh khu chung cư. Sau khi tìm suốt cả buổi chiều không thấy con gái đâu, chị vô cùng tuyệt vọng.
Chồng chị My thì không ngừng gọi điện thoại xem con có chơi ở nhà họ hàng hoặc bạn bè nào không. Cả nhà đều căng thẳng và lo lắng, dù trời đã tối nhưng chưa thấy con về.
Mãi đến tối mịt, gia đình chị My mới thấy con gái và ba cô bạn thân đi chơi công viên về.
“Ngay sau đó, vợ chồng tôi đã mắng con một trận vì đi chơi với bạn mà không xin phép. Sau sự việc đó, tôi cũng chú trọng hơn tới việc dạy con biết xin phép người lớn trước khi muốn làm điều gì đó”, nữ phụ huynh chia sẻ.
Nêu rõ quy tắc
Giáo viên Trịnh Mai Chi - Trường Mầm non Bông Mai 2 (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, phụ huynh cần hướng dẫn trẻ rằng, trước khi ra khỏi cửa, con phải xin phép ông bà hoặc cha mẹ. Trẻ cũng cần nói cho người lớn biết là bé sẽ đi đâu, bao giờ về... để mọi người yên tâm.
Dẫu biết là đi chơi với bạn bè rất vui, nhưng trẻ nên về nhà đúng giờ đã hẹn với cha mẹ. Nếu có chuyện bất chợt không thể về nhà đúng giờ, bé phải gọi điện thoại về xin phép phụ huynh. Sau đó, khi về đến nhà, trẻ nên chào hỏi người lớn, báo cho cha mẹ biết mình đã về.
“Sẽ là rất tốt khi trẻ có thể tự đi mua đồ ăn vặt, bật tivi… Tuy nhiên, phụ huynh không nên cho phép con tự do làm mọi việc nếu chưa dạy trẻ về việc tuân theo những quy tắc nhất định. Các chuyên gia từng cho rằng, việc em bé 2 tuổi đi tới quầy thanh toán và lấy vài chiếc bánh có thể khiến cha mẹ cảm thấy thích thú. Song, hãy đợi tới khi trẻ 8 tuổi, bé sẽ đến chơi với một người bạn ở cách đó 3 tòa nhà mà không xin phép”, nữ giáo viên nêu.
Do đó, phụ huynh cần đặt ra một số quy tắc nhất định trong nhà và nhắc nhở trẻ thường xuyên như: “Con cần phải xin phép nếu muốn ăn kẹo bởi vì đó là quy định”. Nếu trẻ bật tivi mà không xin phép, cha mẹ cần yêu cầu con tắt đi và nói: “Con cần phải xin phép trước khi bật tivi”. Việc nêu rõ quy tắc sẽ giúp trẻ ghi nhớ và tiếp thu tốt hơn.
“Việc áp đặt khuôn phép hay ép buộc trẻ không phải lúc nào cũng tốt, đặc biệt là trong quá trình giáo dục con. Rèn tính kỷ luật cho trẻ từ khi còn nhỏ sẽ giúp bé biết giới hạn những đòi hỏi của bản thân khi trưởng thành. Tuy nhiên, nếu các cha mẹ luôn áp đặt khuôn phép với trẻ mà không cho chúng có một khoảng tự do riêng và tôn trọng sự tự do, điều đó cũng dễ khiến trẻ bực bội, căng thẳng dẫn tới phản ứng bằng cách đối đầu lại với cha mẹ”, giáo viên Mai Chi lưu ý.
Do đó, cha mẹ cũng cần cho con một chút tự do để sống cuộc sống như trẻ mong muốn. Đây là một bước thiết yếu của hành trình nuôi dạy con đúng cách. Khi con được làm điều mình thích, tự do thể hiện cá tính thì trẻ sẽ vô cùng hạnh phúc.
Cha mẹ hãy cho bé không gian tự do vui chơi, thay vì lúc nào cũng kè kè bên cạnh, rồi quát mắng con như: “Học bài đi không chơi nữa”, “Con không được động vào đó”, “Không được trèo lên đó rất nguy hiểm”…
Điều đó không đồng nghĩa với việc cha mẹ phải để trẻ được tự do “bay nhảy” 100%. Mà thay vào đó, phụ huynh cần cho trẻ vui chơi dưới sự kiểm soát của mình. Đồng thời, hãy quan sát nhằm đảm bảo rằng con vẫn đang an toàn. Cách làm này sẽ giúp bé trở nên tự tin và kiên trì hơn, cố gắng theo đuổi mọi thứ chúng muốn.
“Khi trẻ xin phép phụ huynh điều gì đó, trước khi cho phép, cha mẹ hãy đặt ra các quy tắc rõ ràng và hậu quả của việc vượt quy tắc. Điều này sẽ giúp trẻ có trách nhiệm hơn và biết nghe lời cha mẹ”, nữ giáo viên nhấn mạnh.
Theo giaoducthoidai.vn
Liên kết website
Ý kiến ()