Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:37 (GMT +7)
Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Thứ 3, 28/06/2022 | 08:15:38 [GMT +7] A A
Trong nhiều năm trở lại đây, Quảng Ninh luôn chú trọng công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó tạo sức bật cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Để thực hiện, tỉnh ban hành các nghị quyết, văn bản chỉ đạo về công tác này. Tiêu biểu tháng 4/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 19/1/2022 triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022... Mới đây nhất, ngày 24/6/2022, UBND tỉnh có văn bản về việc tăng cường các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hoàn thiện kế hoạch khảo sát DDCI 2022.
Trên cơ sở này, từ đầu năm đến nay, tỉnh tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy, phấn đấu đạt mục tiêu giữ vững vị trí nhóm đầu về chỉ số PCI, PAR INDEX cấp tỉnh. Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 Quảng Ninh đạt 91,14%, xếp thứ 2 sau TP Hải Phòng; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 (SIPAS 2021), Quảng Ninh đạt 94,07%, xếp vị trí thứ nhất. Chất lượng hoạt động của Trung tâm hành chính công các cấp tiếp tục được nâng cao.
Cùng với đó, tỉnh còn đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025. Tính đến hết tháng 5/2022, Quảng Ninh đã kết nối chính thức hệ thống giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm: Dịch vụ xác nhận định danh cá nhân và chứng minh thư nhân dân; dịch vụ xác nhận thông tin hộ gia đình; dịch vụ chia sẻ thông tin. Tỉnh đang chỉ đạo địa phương rà soát thực hiện chuẩn hóa, tái cơ cấu quy trình, đơn giản hóa TTHC theo hướng không yêu cầu công dân phải khai báo lại thông tin đã khai báo.
Từ ngày 1/6/2022, tỉnh đã đưa vào thử nghiệm nền tảng số hóa và bóc tách dữ liệu tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh với ngành Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Thông tin và truyền thông. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 9.327 doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, đạt 100% đơn vị đủ điều kiện đăng ký sử dụng.
Đến ngày 25/5, tỉnh đã cung cấp 1.712 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong tổng số 1.832 TTHC trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và xử lý trực tuyến giải quyết TTHC trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đạt 62%. Tỉnh còn kết nối 1.180 dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Quảng Ninh còn tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp hàng năm để cùng với các doanh nghiệp trao đổi, nhìn nhận đánh giá chất lượng điều hành kinh tế - xã hội của tỉnh, các sở, ngành, địa phương; lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp. Các ngành, địa phương thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các thủ tục về đầu tư. Tỉnh còn thành lập các tổ công tác đặc biệt để giải quyết nhanh chóng các thủ tục đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
Quảng Ninh luôn chú trọng phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư. Đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không trên địa bàn tỉnh rất thuận lợi cho việc thông thương trong tỉnh, trong khu vực và cả với nhiều nước trên thế giới. Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, thu hút lao động để cung cấp nhân lực chất lượng cao, lực lượng lao động cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn.
Nhờ các biện pháp triển khai mà tính đến hết tháng 5/2022, thu hút đầu tư ngoài ngân sách của tỉnh đạt 37.898 tỷ đồng. Tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài với tổng vốn đăng ký tăng thêm 3.975,4 tỷ đồng; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 29 dự án với tổng vốn đăng ký và tăng thêm 33.923 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 1.320 doanh nghiệp thành lập mới, 675 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Hiện toàn tỉnh có 17.142 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc doanh nghiệp hoạt động với tổng số vốn đăng ký 382.510 tỷ đồng. Với tổng điểm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 là 73,02 điểm, Quảng Ninh tiếp tục giữ vững vị trí quán quân, là lần thứ 5 liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng PCI do Liên doàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()