Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 15:15 (GMT +7)
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Thứ 5, 04/11/2021 | 07:46:01 [GMT +7] A A
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quảng Ninh đã và đang nỗ lực triển khai từng bước công cuộc chuyển đổi số toàn diện. Trong đó, xác định mục tiêu tổng quát về chuyển đổi số của tỉnh trên "3 trục", gồm: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Quảng Ninh được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương có mô hình kiến trúc chính quyền điện tử phù hợp với hướng dẫn của các bộ, ngành chuyên môn và sát với thực tế giai đoạn mới. Chính quyền điện tử Quảng Ninh với những thành phần nổi bật, như: Bộ TTHC được hoàn thiện, chuẩn hóa ở cả 3 cấp; mô hình phòng họp không giấy tờ, thực hiện gửi, nhận tài liệu qua môi trường mạng; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 và dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; văn bản điện tử có chữ ký số... đã và đang được quản trị và hoạt động ổn định, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác chỉ đạo điều hành từ cấp tỉnh đến cấp xã, đồng thời phục vụ, hỗ trợ tốt cho người dân, doanh nghiệp.
Ước tính, sau hơn 5 năm áp dụng Chính quyền điện tử, người dân và doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh đã giảm được trung bình hơn 40% thời gian làm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 70 tỷ đồng/năm.
Từ nền tảng của Chính quyền điện tử, từ năm 2016, tỉnh phê duyệt và bắt tay vào triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh. Đây được xem là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh. Cũng từ đây, những nhiệm vụ, giải pháp để cụ thể hóa các mục tiêu về thành phố thông minh bắt đầu được triển khai quyết liệt trong hệ thống chính trị.
Đến nay, những tiện ích nền tảng của thành phố thông minh đã thành hình và từng bước hoàn thiện, đem lại cho Quảng Ninh nhiều bước tiến mới trong tổng thể KT-XH. Trong đó, đáng chú ý nhất là mô hình Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Quảng Ninh - nơi được coi là "bộ não số" của mô hình thành phố thông minh. Trung tâm cho phép sử dụng thông tin và công nghệ phân tích, để chính quyền tỉnh đưa ra những quyết định kịp thời, giúp quản lý được đa dạng các vấn đề, bao gồm cả những vấn đề đã được dự liệu trước và những vấn đề xảy ra đột xuất, tình huống khẩn cấp. Đồng thời, tăng tính tương tác ngược lại khi người dân có thể gửi ý kiến góp ý, thông báo cho các cơ quan trong tỉnh biết về các sự cố, vấn đề liên quan tới hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh an toàn, môi trường... qua ứng dụng app Smart Quảng Ninh bằng vài thao tác đơn giản trên thiết bị di động. Cùng với đó là hàng loạt các tiện ích số trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm như: Y tế thông minh với mô hình 3 bệnh viện thông minh; giáo dục thông minh với 46 trường - 551 lớp học, phòng học tiên tiến, thông minh...
Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, chuyển đổi số toàn diện để hướng đến chính quyền số được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, trọng tâm là xây dựng Đề án về chuyển đổi số toàn diện dựa trên những thành quả đã đạt được của mô hình chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Theo đó, tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng Đề án Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của đề án là đẩy nhanh chuyển đổi số toàn diện trên cả "3 trục" là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Qua đó, hướng tới xây dựng chính quyền thông minh, quản trị dựa trên dữ liệu số; tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong phát triển KT-XH, từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Đề án xác định rõ việc ưu tiên tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, mang lại các giá trị mới, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển KT-XH. Trong đó, các lĩnh vực tập trung chuyển đổi số sẽ gồm: Y tế, giáo dục, du lịch, giao thông vận tải, logistics, sản xuất công nghiệp, tài chính - ngân hàng, tài nguyên môi trường, năng lượng, nông nghiệp, báo chí truyền thông, an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ, trong quá trình hoàn thiện đề án, Sở đã phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát tổng thể về hệ thống chính quyền điện tử, thành phố thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh, cũng như chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin ở các cấp. Sau khảo sát, mô hình chuyển đổi số hiện đang được thí điểm triển khai tại huyện Cô Tô với một số nội dung cụ thể như: Xây dựng trung tâm giám sát điều hành thông minh, hệ thống camera giám sát và chấm công tự động ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại trụ sở Huyện ủy, UBND và Trung tâm Hành chính công huyện; xây dựng mô hình truyền thanh ứng dụng CNTT và truyền thông, hệ sinh thái du lịch số, dịch vụ khám bệnh chất lượng cao, học tập và dự các kỳ thi trực tuyến, đưa sản vật địa phương lên sàn thương mại điện tử, phổ biến thanh toán không dùng tiền mặt... Dự kiến cuối năm nay, mô hình sẽ được sơ kết, rút kinh nghiệm, làm cơ sở để triển khai chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh.
Hiện Sở Thông tin và Truyền thông cùng các sở, ngành, địa phương cũng đang tích cực tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề để tiếp thu các ý kiến đóng góp, phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành nhằm hoàn thiện đề án, đảm bảo tốt các mục tiêu đề ra, góp phần phát triển tỉnh Quảng Ninh lên tầm cao mới trong tương lai.
Minh Hà
- Nâng cao chất lượng dịch vụ nhờ chuyển đổi số
- Quảng Ninh đứng thứ 4 bảng xếp hạng chuyển đổi số năm 2020
- Chuyển đổi số trong thúc đẩy sản phẩm OCOP
- Chính phủ Việt Nam nỗ lực tăng tốc lộ trình chuyển đổi số quốc gia
- Đầu tư chuyển đổi số để phát triển du lịch nông thôn
- Hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp
- TP Hạ Long: Hội thảo chuyển đổi số tại địa phương, đơn vị, cộng đồng
- Điện lực Quảng Ninh- Quyết tâm chuyển đổi số toàn diện tất cả các lĩnh vực trong những tháng còn lại của năm 2021
Liên kết website
Ý kiến ()