Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:28 (GMT +7)
Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực
Thứ 5, 25/04/2024 | 14:38:46 [GMT +7] A A
Nhất quán quan điểm phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược để thúc đẩy KT-XH phát triển nhanh, bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và triển khai quyết liệt, đồng bộ hàng loạt giải pháp, nhờ đó chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên đáng kể, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi phương thức phát triển của địa phương.
Từ nhiều năm trước, Quảng Ninh đã đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, cơ chế, chính sách, quyết sách quan trọng để định hướng, tìm giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nổi bật trong đó là Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 2704/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 17/11/2014 phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 293/QĐ-UBND ngày 30/1/2015 của UBND tỉnh phê duyệt đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020; Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh…
Thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội, Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh. Thành lập Tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ninh cũng triển khai quyết liệt, có hiệu quả Đề án phát triển nhà ở công nhân, lao động ngành than, KCN, thu hút nguồn nhân lực chất lượng lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại tỉnh; hoàn thiện Dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân và chuyên gia KCN Đông Mai; Dự án nhà ở xã hội cho công nhân KCN Sông Khoai; hoàn thiện các thủ tục khởi công Dự án Làng văn hoá công nhân Vùng mỏ (TP Cẩm Phả), Dự án nhà ở xã hội công nhân, người lao động tại KCN Cảng biển Hải Hà…
Tỉnh cũng xây dựng, triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 2023-2025 và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2023; theo đó, năm 2023 đã phê duyệt 80 lớp đào tạo, bồi dưỡng với tổng số 5.232 học viên.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở giáo dục đại học là Trường Đại học Hạ Long, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh (trực thuộc Bộ Công Thương) và Trường Đại học Ngoại thương cơ sở Quảng Ninh (trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo). Giai đoạn 2015-2023, các trường đã đào tạo trên 21.700 học sinh, sinh viên. Toàn tỉnh còn có 45 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, với quy mô hơn 200 nghề đào tạo được cấp phép. Từ năm 2015 đến nay, bình quân hằng năm các cơ sở đào tạo nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp mới trên 36.000 người, với hơn 120 nghề đào tạo. Tỷ lệ người học có việc làm sau đào tạo đạt 85% tổng số người tốt nghiệp.
Hết năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 86,46%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50%; tuyển sinh, đào tạo nghề đạt 39.200 người, trong đó trình độ đào tạo cao đẳng và trình độ trung cấp là 6.850 người, trình độ đào tạo sơ cấp và đào tạo thường xuyên 32.350 người. Năng suất lao động bình quân năm 2023 đạt 458,5 triệu đồng/người.
Ngay từ những tháng đầu năm 2024, tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; kế hoạch đào tạo và phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên và học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp. Tạo dựng chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp thông qua hội thảo nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng dân tộc miền núi trên địa bàn; ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp.
UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức năm 2024, theo đó đã phê duyệt 76 lớp đào tạo, bồi dưỡng với tổng số 4.819 học viên. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trên cơ sở đánh giá về thực trạng đội ngũ, bám sát định hướng phát triển KT-XH của tỉnh gắn với ngành, lĩnh vực, địa phương.
Với việc quyết liệt triển khai các cơ chế, chính sách, xây dựng giải pháp thực hiện đồng bộ đã góp phần đưa chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh có nhiều bứt phá, ngày càng thu hút nhiều nhân tài, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động theo nhu cầu xã hội.
Theo Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2025, tổng số lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh là 798.280 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 87,5%. Trong đó, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 52%; số lao động cần đào tạo mới cấp chứng chỉ hằng năm là 25.500 người; tỷ lệ sinh viên cao đẳng, đại học là 595 người/vạn dân; tỷ lệ CBCCVC đạt trình độ sau đại học là 16,4%; cơ cấu nguồn nhân lực các ngành khu vực I (nông, lâm nghiệp và thủy sản) giảm còn 22,11%, khu vực II (công nghiệp, xây dựng) giảm còn 28,64%, khu vực III (dịch vụ) tăng lên 49,25%...
Mục tiêu đến hết năm 2030, quy mô nguồn nhân lực của tỉnh đạt khoảng 874.250 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 92,5%; cơ cấu nguồn nhân lực các ngành khu vực I là 16,62%, khu vực II là 27,68%, khu vực III là 55,7%...
Để thực hiện đề án, các nhóm giải pháp được xây dựng, trọng tâm là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, quan tâm của toàn xã hội đối với công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu xây dựng một số cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực của tỉnh; nâng cao năng lực cho các cơ sở đào tạo nghề nghiệp…
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()