Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 00:36 (GMT +7)
Đẩy mạnh sản xuất phục vụ xuất khẩu nông sản
Thứ 4, 30/08/2023 | 15:56:01 [GMT +7] A A
Trong tháng 8/2023, các địa phương trên cả nước vẫn tích cực triển khai các hoạt động sản xuất nông, lâm, thủy sản. Trong điều kiện nhiều mặt hàng nông sản trên thế giới đang có biến động lớn về nhu cầu và giá cả, sản xuất chính là bệ đỡ để bảo đảm nguồn cung phục vụ xuất khẩu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước ước đạt 59,69 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt 33,21 tỷ USD, nhập khẩu 26,48 tỷ USD.
Trồng trọt tiếp tục tăng trưởng
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 15/8/2023, cả nước gieo cấy được 1.387,3 nghìn ha lúa mùa, bằng 98,6% cùng kỳ năm trước. Trong đó, các địa phương phía bắc đạt 1.001 nghìn ha, bằng 97,8% cùng kỳ năm trước; các địa phương phía nam đạt 386,3 nghìn ha, bằng 100,5%.
Cả nước cũng đã thu hoạch được 1.071,6 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 56% diện tích gieo cấy và bằng 96,6% cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năng suất lúa hè thu ước đạt 57,5 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2022; sản lượng ước đạt 11 triệu tấn, tăng 157 nghìn tấn. Ngoài ra, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 391,4 nghìn ha lúa thu đông, bằng 103,2% cùng kỳ năm trước.
Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường cho rằng, kết quả sản xuất này là cơ sở vững chắc để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong thời gian tới, nhất là trong điều kiện Ấn Độ vẫn duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường và nhu cầu gạo trên thế giới vẫn được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên.
Đối với cây hàng năm, cả nước gieo trồng được 767,5 nghìn ha ngô, bằng 98,2% so với cùng kỳ năm trước; 71,6 nghìn ha khoai lang, bằng 94,1%; 26,3 nghìn ha đậu tương, bằng 94%; 132,6 nghìn ha lạc, bằng 95%; 927,4 nghìn ha rau, đậu, bằng 100,5%.
Riêng sản xuất lâm nghiệp thời gian qua gặp bất lợi do thời tiết chuyển hướng nhanh từ nắng nóng sang mưa lũ, sạt lở đất ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng mới ở nhiều địa phương. Tính chung 8 tháng năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 160,6 nghìn ha, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng gỗ khai thác đạt 12,4 triệu m3, tăng 2,9%; diện tích rừng bị thiệt hại là 1.484,9 ha, tăng 90%, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 857,6 ha, tăng 13,3%; diện tích rừng bị cháy là 627,3 ha, gấp 25,6 lần do thời tiết năm nay nắng nóng kéo dài.
Chăn nuôi, thủy sản bảo đảm nguồn cung
Về lĩnh vực chăn nuôi, chăn nuôi lợn và gia cầm bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 8/2023 tăng 3,3% so với cùng thời điểm năm 2022; tổng số bò tăng 0,5%; tổng số trâu giảm 1,9%; tổng số gia cầm tăng 2,3%.
Sản lượng thủy sản tháng 8/2023 ước đạt 837,4 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 485,8 nghìn tấn, tăng 3,8%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 351,6 nghìn tấn, giảm 0,5%. Tính chung 8 tháng năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 5.931 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: cá đạt 4.254,3 nghìn tấn, tăng 1,7%; tôm đạt 812,2 nghìn tấn, tăng 3,6%; thủy sản khác đạt 864,5 nghìn tấn, tăng 1,5%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu thuỷ sản 8 tháng đầu năm 2023 đạt 5,68 tỷ USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, ngành hàng thủy sản đang kỳ vọng từ nay đến cuối năm, xuất khẩu thủy sản sẽ có khởi sắc trở lại. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mặt hàng chủ lực là cá tra đang có mức tăng trưởng tốt tại một số thị trường nhỏ. Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sang thị trường Đức tăng 25%; xuất khẩu sang Phần Lan cao gấp 18 lần so với cùng kỳ năm trước; New Zealand tăng 17%; Thụy Điển tăng 25%... VASEP kỳ vọng thị trường Trung Quốc sẽ hồi phục tốt hơn về nhu cầu trong những tháng cuối năm đối với cá tra nói riêng và các mặt hàng thủy sản nói chung.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()