Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 06:25 (GMT +7)
Đẩy mạnh thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân
Thứ 4, 27/10/2021 | 21:56:17 [GMT +7] A A
Với hơn 90,85% dân số tham gia bảo hiểm y tế năm 2020, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã vượt 10,85% so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Song vẫn cần thiết phải rà soát, đánh giá đúng thực trạng tình hình thực hiện các chính sách, nhằm tiếp tục hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân còn gặp nhiều khó khăn, hướng tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ hai, chiều 27/10, Quốc hội khóa XV thảo luận trực tuyến về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.
Nâng hỗ trợ, mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số
Theo Báo cáo tóm tắt công tác quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết 68, đến ngày 31/12/2020, số người tham gia bảo hiểm y tế là 87,96 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số, vượt 10,85% so với chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế cao tập trung chủ yếu ở nhóm được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, nhóm người lao động thuộc khối hành chính sự nghiệp hoặc nhóm được quỹ bảo hiểm y tế bảo đảm kinh phí mua thẻ. Nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình chỉ đạt tỷ lệ bao phủ 76,5% tổng số người thuộc diện tham gia.
Ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế năm 2020 cho trên 51 triệu người, chiếm 58%, với tổng số chi từ ngân sách nhà nước là gần 40 nghìn tỷ đồng, bằng 37% tổng số thu tiền đóng bảo hiểm y tế.Từ năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tại một số địa phương bị ảnh hưởng. Một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động, giải thể, dẫn đến xảy ra tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm y tế, cũng như một số người không có điều kiện để tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.
Từ điểm cầu tỉnh Kon Tum, đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum) nêu thực trạng, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021, phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đã khiến số người được hưởng bảo hiểm y tế theo Luật Bảo hiểm y tế giảm với số lượng tương đối lớn. Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến tháng 8/2021, cả nước có 4 triệu người không còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế sau quyết định trên.
Dẫn số liệu từ địa phương, đại biểu Phạm Đình Thanh cho biết, trong số gần 52 nghìn người không còn được hưởng chế độ trên trên địa bàn tỉnh Kon Tum, có tới 49,5 nghìn trường hợp là đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn toàn không có khả năng tự mua bảo hiểm y tế cho cá nhân hoặc hộ gia đình, chiếm tới 95%.
Đồng quan điểm, đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) cho rằng, số người dân tộc thiểu số không có điều kiện tiếp cận bảo hiểm y tế là rất lớn, một phần nguyên nhân là do ảnh hưởng của việc triển khai thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg. Theo đó, các xã đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới chuyển từ vùng III sang vùng II hoặc về vùng I, do đó các đối tượng là người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế không được hưởng chính sách nữa, hoặc bị cắt đột ngột, làm cho người dân khó khăn trong quá trình đi khám chữa bệnh, hoặc không có điều kiện tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, dẫn đến tỷ lệ bao phủ y tế toàn dân giảm, có địa phương giảm từ 95% xuống còn 90%, có địa phương giảm từ 95% xuống còn 89%.
Đối với tỉnh Cao Bằng, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh có trên 41,8 nghìn người dân tộc thiểu số không còn thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế. Qua một thời gian tuyên truyền, vận động, hiện nay mới có 24,6 nghìn người tiếp tục tham gia, còn trên 17 nghìn người dân tộc thiểu số không có điều kiện để tham gia. Đại đa số người dân tộc thiểu số làm nông nghiệp, thu nhập thấp và không ổn định, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Vì vậy, số lượng người dân tộc thiểu số không có điều kiện để tiếp cận và thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế là rất lớn.
Từ thực trạng trên, đai biểu Phạm Đình Thanh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm rà soát, đánh giá đúng thực trạng tình hình các chính sách phù hợp, nhằm tiếp tục hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, không có khả năng tự mua bảo hiểm y tế, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ có điều kiện tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giảm bớt gánh nặng tài chính cá nhân và cũng góp phần tăng tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế, hướng tới đạt tỷ lệ 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2025 theo mục tiêu Nghị quyết 88 của Quốc hội khóa XIV đã đề ra.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An đề nghị Chính phủ nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số, nhất là người dân tộc thiểu số sinh sống ở các khu vực mới ra khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định số 861/QĐ-TTg, Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc, hoặc nghiên cứu nâng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với một số đối tượng.
Cụ thể, đại biểu Đoàn Lê Thị An đề xuất nâng mức hỗ trợ bằng 100% (hiện nay ngân sách nhà nước hỗ trợ 70%) đối với người thuộc hộ nghèo đa chiều theo quy định tại Khoản 2, Điều 4, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP. Nâng mức hỗ trợ bằng 70% (hiện nay ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%) đối với học sinh, sinh viên. Nâng mức hỗ trợ bằng 70% (hiện nay ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%) đối với người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình. Hỗ trợ bằng 30% trên mức đóng đối với người tham gia theo hộ gia đình.
Xem xét kéo dài thời gian thực hiện chính sách bảo hiểm y tế
Tại điểm cầu tỉnh Quảng Nam, đại biểu Lê Văn Dũng (đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) nêu ý kiến, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ năm 2020 đến nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nên việc trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động chậm, để nợ đọng kéo dài. Bên cạnh đó, mức thu nhập của nhân dân còn thấp, không ổn định nên việc vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn gặp khó khăn.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét kéo dài thời gian được hưởng chính sách bảo hiểm y tế từ 3 đến 5 năm đối với người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã được xét ra khỏi vùng hoặc xã đạt chuẩn nông thôn mới, để khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) đề xuất cần tiếp tục kéo dài thời gian thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế đối với một số đối tượng. Đại biểu nêu ý kiến, tại các tỉnh miền núi, một bộ phận không nhỏ người dân chủ yếu là dân tộc thiểu số vẫn còn gặp nhiều khó khăn, gia đình đông người, khi cắt thẻ bảo hiểm y tế đột ngột, khả năng tài chính để mua thẻ 1 lần cho tất cả mọi người trong gia đình là khó thực hiện, khả năng tự tham gia chính sách bảo hiểm y tế rất thấp. Với giá viện phí như hiện nay, một người ốm không có bảo hiểm y tế là gia đình có nguy cơ cao rơi vào “bẫy nghèo”.
Do đó, đại biểu Hoàng Ngọc Định kiến nghị tiếp tục kéo dài thời gian cho người dân thuộc các xã khu vực II, khu vực III (giai đoạn 2016 - 2020) hiện nay chuyển xã khu vực I theo Quyết định 861 (giai đoạn 2021 - 2025) được tiếp tục thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế đến hết ngày 31/12/2021.
Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung chính sách từ năm 2022 trở đi, các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miển núi sau khi được địa phương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tức là chuyển sang xã vùng I) thì được tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện chính sách bảo hiểm y tế ít nhất 1 năm.
Khắc phục bất cập trong quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế
Tổng thu quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 đạt 110.395 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 387 tỷ đồng so với năm 2019; chi bảo hiểm y tế năm 2020 là 104.220 tỷ đồng, trong đó chi cho cho công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 99.730 tỷ đồng. Tổng số thu quỹ bảo hiểm y tế lớn hơn tổng số chi quỹ bảo hiểm y tế là 5.071 tỷ đồng; dự kiến số dư quỹ bảo hiểm y tế lũy kế đến cuối năm 2020 là 32.991 tỷ đồng, trong đó quỹ dự phòng bảo hiểm y tế là 25.745 tỷ đồng, quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 7.246 tỷ đồng.
|
Bên cạnh các đề xuất chính sách hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế cho các đối tượng khó khăn, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, cho ý kiến về việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020.
Từ điểm cầu tỉnh Hoà Bình, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình) nhận định, qua số liệu thống kê và theo dõi tình hình thực tế tại các địa phương, thời gian qua còn nhiều vụ việc việc lập khống hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số lượng người nằm viện giảm, các cơ sở y tế hụt nguồn thu, cho nên nếu không kiểm tra, giám sát tốt sẽ dẫn đến việc chính các cơ sở y tế sẽ làm những hồ sơ khống để chi trả bảo hiểm nhằm trục lợi, gây thất thoát cho quỹ.
Do đó, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với việc thực hiện quỹ bảo hiểm y tế để tránh tình trạng trục lợi bảo hiểm đã diễn ra trong thời gian qua.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, từ điểm cầu trực tuyến tỉnh Ninh Thuận, đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) đã chỉ ra những vấn đề bất cập trong việc thanh toán khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám, chữa bệnh.
Theo đại biểu, hiện nay, quỹ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm Xã hội giữ và thực hiện việc giao dự toán kinh phí khám, chữa bệnh hàng năm cho các cơ sở khám chữa bệnh. Điều này dẫn đến thực tế là các cơ sở khám chữa bệnh phải vừa khám, chữa bệnh, vừa phải tính xem có bị vượt dự toán hay không, gây ảnh hưởng nhất định đến chất lượng khám, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, các khoản chi phí khám, chữa bệnh trong thực tế nhiều hơn mức được giao dự toán hàng năm. Phần vượt này, muốn thanh toán bổ sung phải được Bảo hiểm Xã hội thẩm định và thời gian thanh toán bổ sung kéo dài rất lâu, gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám, chữa bệnh vì thiếu nguồn tài chính chi trả cho các loại thuốc, các trang thiết bị y tế phục vụ cho việc khám, chữa bệnh.
Do vậy, để khắc phục bất cập trong thanh toán khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, đại biểu Chamaléa Thị Thủy đề nghị cần quan tâm nghiên cứu và sớm ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả một cách toàn diện theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, xem đây là phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh thay thế phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo phí dịch vụ.
Gói dịch vụ y tế cơ bản được xây dựng nhằm bảo đảm mọi người dân đều được sử dụng dịch vụ y tế khi có nhu cầu, không phân biệt giữa các nhóm đối tượng, không phụ thuộc vào khả năng chi trả, đáp ứng được khả năng cân đối của quỹ và ngân sách nhà nước, đồng thời khắc phục cơ bản tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ từ phía cơ sở khám, chữa bệnh, người bệnh, chấm dứt được việc giao dự toán chưa sát với thực tế hoặc chậm điều chỉnh dự toán làm cho một số cơ sở khám, chữa bệnh do lo ngại không được thanh toán các chi phí vượt dự toán được giao.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()