Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 06:32 (GMT +7)
Đẩy mạnh tuyên truyền văn hoá giao thông trong khu dân cư
Thứ 6, 26/07/2024 | 10:57:25 [GMT +7] A A
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh rất chú trọng việc xây dựng văn hóa giao thông ở khu dân cư, nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông cho người dân. Theo đó, công tác tuyên truyền đều tập trung vào các hành vi cần phải loại bỏ như: Vượt đèn đỏ, dừng đỗ đèn đỏ không đúng quy định, chen lấn làn, bóp còi liên tục, bật đèn pha trong phố, đi ngược chiều...
Để nâng cao ý thức ứng xử có văn hóa, đúng pháp luật khi tham gia giao thông, giúp giảm tai nạn, Quảng Ninh luôn coi trọng vai trò của các tổ chức đoàn thể, hội, đội ở địa phương, bởi đây chính là “cánh tay nối dài” giúp phổ biến luật giao thông đến từng người dân.
Ông Nguyễn Thiên Vương, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Xây dựng văn hóa giao thông, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của người thực thi công vụ về giao thông, việc chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT và hành vi ứng xử có văn hóa của người tham gia giao thông là một trong những nội dung quan trọng, có tính quyết định trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông và TNGT. Chính vì vậy tỉnh rất chú trọng trong việc xây dựng văn hoá giao thông ở khu dân cư, qua đó, giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia giao thông an toàn.
Để hình thành và duy trì nếp giao thông an toàn, xây dựng văn hóa giao thông, chính người dân cần phải có hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Các hành vi ứng xử trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật định, gương mẫu, tôn trọng những người liên quan, bảo đảm an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự công cộng.
Mặc dù vậy, vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông có nhận thức về văn hóa giao thông, nhưng ý thức tự giác chưa cao. Theo thống kê của cơ quan chức năng, 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn Quảng Ninh đã xảy 264 vụ TNGT, làm 113 người chết, 216 người bị thương. Nguyên nhân của các vụ tai nạn chủ yếu tập trung ở những hành vi xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện. Trong đó, đi không đúng phần đường, làn đường, vi phạm quy tắc tránh vượt, chuyển hướng chiếm hơn 30%; lấn trái đường gần 24%; thiếu chú ý quan sát, không đảm bảo khoảng cách an toàn chiếm hơn 29%; vi phạm tốc độ chiếm 3,8%...
Để việc tuyên truyền, xây dựng văn hoá giao thông đem lại hiệu quả cao, các địa phương trong tỉnh đã chủ động gắn với đặc thù của địa phương, đồng thời phân loại các nhóm đối tượng (thanh niên, công nhân, người lao động, công chức...) từ đó có cách thức xây dựng chương trình tuyên truyền phổ biến văn hóa giao thông phù hợp, đưa công tác tuyên truyền văn hóa giao thông đi vào thực chất.
Công tác tuyên truyền đến đối tượng là học sinh, thanh, thiếu niên luôn được chú trọng, tập trung thông qua các hoạt động cụ thể, như chuyên đề thanh niên với văn hóa giao thông; thanh niên, học sinh, sinh viên với vấn đề đội mũ bảo hiểm... Nhiều mô hình thanh niên tự quản bảo đảm ATGT ở các tuyến phố, ngõ, khu dân cư và tham gia chốt cấp cứu trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức, văn hóa giao thông trong nhân dân.
Để xây dựng văn hóa giao thông cho người dân, cơ quan chức năng đã tiến hành phát tờ rơi, phát thanh tuyên truyền về luật giao thông trong khu dân cư để người dân nắm được. Cùng với đó, Ban ATGT các địa phương cũng chủ động phát động nhiều chương trình tuyên truyền có hiệu quả.
Nguyễn Duy
Liên kết website
Ý kiến ()