Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 07:17 (GMT +7)
Đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng
Thứ 5, 03/11/2022 | 15:49:19 [GMT +7] A A
Những năm qua, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa dần phát triển, nhiều vùng sản xuất tập trung được hình thành, tạo ra nguồn nông sản dồi dào không chỉ đáp ứng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh mà còn hướng đến xuất khẩu. Do đó, để tạo thuận lợi cho hàng hóa nông sản, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký mã số vùng trồng và coi đây là “hộ chiếu” để đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ra thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Trung Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), cho biết: Thời gian qua, Chi cục phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương triển khai tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở trồng trọt triển khai đăng ký, xây dựng quy trình sản xuất để được cấp mã số vùng trồng. Đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, đôn đốc bà con ghi chép đầy đủ thông tin, quá trình chăm sóc, thu hoạch vào sổ nông hộ; khuyến cáo người dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng đảm bảo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 25 vùng trồng trọt được cấp mã vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu nông sản và 7 cơ sở đóng gói hoa quả được cấp mã. Trong đó có 7 vùng trồng vải ở Đông Triều, Uông Bí, 4 vùng trồng thanh long ở Uông Bí; 3 vùng trồng thanh long ở Móng Cái; 4 vùng trồng quế và 2 vùng trồng lúa tại huyện Đầm Hà; 1 vùng trồng ba kích, 1 vùng trồng trà hoa vàng ở huyện Ba Chẽ; 2 vùng trồng ổi ở xã Sơn Dương và xã Dân Chủ, 1 mã trồng lan hồ điệp ở xã Lê Lợi, TP Hạ Long.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng quá trình triển khai cấp mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh cũng còn gặp những khó khăn như: Sản xuất trên địa bàn còn nhỏ lẻ, diện tích sản xuất tập trung chưa nhiều trong khi yêu cầu để được cấp mã số vùng trồng là diện tích từ 10ha trở lên. Không những vậy chi phí cho việc cấp mã tương đối lớn cũng là khó khăn đối với quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra một số nguyên nhân khách quan là không phải quốc gia, thị trường nhập khẩu nông sản nào cũng đưa tiêu chuẩn về mã số vùng trồng vào quy định xuất, nhập khẩu, chính vì vậy, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn chưa chú trọng việc xây dựng mã số vùng trồng cho nông sản.
Trước những yêu cầu ngày càng chặt chẽ về quản lý chất lượng nông sản, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn về mã số vùng trồng. Đồng thời tổ chức thực hiện công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo đúng hướng dẫn của Bộ NN&PTNT; phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Cùng với đó, ngành cũng tích cực tổ chức thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tiếp tục hướng dẫn các địa phương rà soát, quy hoạch những vùng sản xuất chuyên canh tập trung, ổn định đối với những loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện từng vùng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất xây dựng các “cánh đồng lớn”, áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GloballGAP và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất để có số lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao...
Nguyễn Thanh
- Triển khai mô hình chuẩn hóa dữ liệu mã số vùng trồng vải chín sớm Phương Nam theo hệ thống/tiêu chuẩn OTAS
- Hội nghị quản lý cấp mã số vùng trồng và kỹ thuật phòng chống lúa cỏ
- Mã số vùng trồng: Giải pháp xây dựng lòng tin cho nông sản
- Quản lý mã số vùng trồng: "Giấy thông hành về chất lượng" cho nông sản
Liên kết website
Ý kiến ()