Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 07:13 (GMT +7)
Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường truyền thống
Thứ 2, 24/07/2023 | 15:44:08 [GMT +7] A A
Trung Quốc là thị trường truyền thống trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Thế nhưng, hiện nay Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững và tuân thủ hệ thống quy định, tiêu chuẩn mới để tiếp tục giữ vững thị trường này.
Thị trường Trung Quốc đòi hỏi không kém gì Mỹ, Châu Âu
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết, Trung Quốc vẫn luôn là bạn hàng lớn trong xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này đã có sự thay đổi, không còn là thị trường dễ tính như trước đây. Hiện nay, phía Trung Quốc có những đòi hỏi rất cao không kém gì thị trường Mỹ, EU… Trong đó, phía Trung Quốc cũng yêu cầu rau quả nhập khẩu phải có vùng trồng riêng, được kiểm định an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, được kiểm dịch đầy đủ...
“Để có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi tư duy cách làm mới. Theo lộ trình đến năm 2028, Việt Nam và Trung Quốc sẽ siết chặt hình thức xuất khẩu tiểu ngạch. Hình thức này chỉ áp dụng cho một bộ phận nhỏ người dân sống ở 2 bên biên giới. Còn lại với các đơn hàng hàng lớn bắt buộc phải xuất khẩu chính ngạch” - ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Theo Ban chỉ đạo phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), rau quả là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn thứ 3 trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực 6 tháng đầu năm 2023 với giá trị đạt 2,75 tỉ USD, tăng 64,2% so với cùng kỳ. Trung Quốc chiếm thị phần xuất khẩu 63,5% với mức tăng trưởng trên 80% trong 6 tháng đầu năm.
Trong khi xuất khẩu sang Mỹ giảm 32,9%, sang Nhật Bản giảm 5,3%, thì xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp. Hiện nay, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam. Trung Quốc cũng là khách hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng dương trong nhóm các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta thời gian qua.
Thị trường Trung Quốc vẫn rất khả quan
Từ nay tới cuối năm, giới phân tích dự báo xuất khẩu nông sản vào thị trường này sẽ duy trì tăng trưởng nhẹ khi một số nhóm hàng như rau quả, gạo, điều vẫn có thể duy trì tăng trưởng, các mặt hàng suy giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm như gỗ, thủy sản, sắn có thể phục hồi nhẹ trong 3 tháng cuối năm.
Ban chỉ đạo phát triển thị trường nông sản thị trường nhấn mạnh, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, thời gian tới các đơn vị cần rà soát triển khai các kết quả của chuyến thăm chính thức Trung Quốc và Hội nghị diễn đàn kinh tế thế giới của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tập trung rà soát các vấn đề về mở cửa thị trường xuất khẩu, kế hoạch mở cửa thị trường cho các sản phẩm tiềm năng và tiến độ phát triển thị trường cho các sản phẩm đã được mở cửa thời gian qua; vấn đề xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới…
Tập trung triển khai các kết quả đoàn công tác của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sang làm việc với Chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Xúc tiến thành lập “Hiệp hội Doanh nghiệp nông lâm thủy sản Việt Nam - Quảng Tây” và “Hiệp hội Doanh nghiệp nông lân thủy sản Việt Nam - Vân Nam”.
Thúc đẩy kỹ thuật để sớm ký kết Nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về yêu cầu an toàn thực phẩm kiểm dịch và kiểm tra đối với sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()