Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 01:06 (GMT +7)
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa vụ chiêm xuân
Thứ 6, 17/06/2022 | 07:10:47 [GMT +7] A A
Những ngày này, các địa phương trong tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch lúa chiêm xuân. Trong mùa vụ năm nay, do những yếu tố bất thường của thời tiết nên bà con nông dân trong tỉnh đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thu hoạch để đảm bảo năng suất lúa.
Tại TX Đông Triều, vụ chiêm xuân này toàn thị xã gieo cấy trên 4.300ha lúa. Trong đó, 94% diện tích là các giống lúa chất lượng cao, có khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi về thời tiết, sâu bệnh, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ gạo, như: Bắc thơm, Hương thơm số 1, ĐT120, ĐT100, nếp cái hoa vàng... Anh Nguyễn Văn Tuân (thôn Đoàn Xá 1, phường Hồng Phong, TX Đông Triều), cho biết: Diễn biến thời tiết khá thất thường, mưa nhiều, rét muộn, khiến cho việc chăm sóc cây lúa cũng khó khăn hơn. Tuy nhiên, các khâu chăm bón, phòng trừ sâu bệnh được thực hiện thường xuyên, nên hơn 5 sào lúa trồng giống Bắc hương của gia đình đã sinh trưởng phát triển tốt. Hiện gia đình tôi đang tập trung thu hoạch để tránh những diễn biến bất lợi của thời tiết.
Theo ông Đặng Đình Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế TX Đông Triều, thời điểm này thị xã đang tập trung chỉ đạo các địa phương lên phương án, hỗ trợ máy gặt để giúp người dân thu hoạch lúa xuân sớm và xuân trung đảm bảo năng suất, sản lượng trước những diễn biến bất lợi từ thời tiết. Trong vụ chiêm xuân này, toàn bộ diện tích gieo cấy của thị xã đã thực hiện đúng khung thời vụ và đảm bảo tuân thủ các biện pháp chăm sóc cũng như bảo vệ mùa màng nên cây lúa phát triển tốt. Đến nay, trên 30% diện tích lúa chiêm đã được thu hoạch, dự kiến sản lượng lúa trung bình toàn thị xã đạt 63,5 tạ/ha.
Cùng với TX Đông Triều, thời điểm này, các địa phương trong tỉnh cũng tập trung tuyên truyền đến người dân bám sát đồng ruộng, chủ động lên phương án thu hoạch sớm để đảm bảo năng suất mùa vụ. Vụ chiêm xuân 2021-2022, trên địa bàn toàn tỉnh gieo trồng trên 15.400ha lúa. Qua kiểm tra tình hình sản xuất thực tế tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh của Sở NN&PTNT, hiện nay trà lúa xuân sớm đã thu hoạch xong, trà lúa xuân muộn đang giai đoạn đòng già, trỗ, chắc xanh, đỏ đuôi, chuẩn bị thu hoạch; riêng huyện Bình Liêu do đặc thù gieo cấy muộn hơn các địa phương khác nên lúa đang trong giai đoạn đứng cái. Dự kiến năng suất lúa trung bình ước đạt 55,18 tạ/ha.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn, trong thời gian tới, thời tiết Quảng Ninh có diễn biến phức tạp, nhiều khả năng xảy ra giông lốc, mưa lớn trên toàn tỉnh, nguy cơ gây ngập úng và gãy đổ với các diện tích lúa. Theo ông Nguyễn Trung Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), vụ chiêm xuân là vụ sản xuất có diện tích gieo cấy lúa lớn, đa dạng cây trồng, ảnh hưởng lớn đến tổng diện tích, sản lượng cây trồng và tổng giá trị sản xuất của cả năm. Đồng thời, cũng là vụ sản xuất có diễn biến phức tạp do rét, mưa bão, tố lốc bất thường sẽ gây ra nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất. Do đó, để thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất cả năm, ngoài khẩn trương thu hoạch lúa và cây màu vụ chiêm xuân, các địa phương cần xây dựng kế hoạch để chủ động cung ứng đủ số lượng, chủng loại và đảm bảo chất lượng các loại vật tư nông nghiệp, gieo trồng đúng thời vụ cho vụ mùa sắp tới.
Theo đó, thời điểm này, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nông dân thường xuyên kiểm tra theo dõi và phòng trừ kịp thời các đối tượng sinh vật gây hại cuối vụ, đặc biệt chú ý các đối tượng như rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, bệnh khô vằn... Ngoài ra, yêu cầu các địa phương lên phương án chủ động về nhân lực, máy móc, tuyên truyền vận động nông dân khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn những diện tích lúa xuân đã chín với phương châm "xanh nhà hơn già đồng” để tránh thiệt hại do sâu bệnh cuối vụ và thời tiết bất thường gây ra, đồng thời giải phóng đất phục vụ gieo cấy vụ mùa.
Để chuẩn bị cho việc gối vụ tiếp theo, ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân khi thu hoạch nên giữ nước láng mặt ruộng; tăng cường cơ giới hóa, thu hoạch đến đâu làm đất ngay đến đó, kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học phân hủy rơm rạ nhanh để tránh ngộ độc hữu cơ cho lúa mùa và tăng dinh dưỡng cho đất. Đồng thời, triển khai gieo cấy đúng lịch thời vụ, gieo trồng hết diện tích theo kế hoạch đề ra. Các địa phương cũng lên phương án chuẩn bị, cung ứng kịp thời, đảm bảo về số lượng và chất lượng giống lúa, ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày có năng suất, chất lượng, chống chịu tốt với dịch hại và điều kiện ngoại cảnh bất thuận. Theo kế hoạch trong vụ mùa, các địa phương đã bố trí chủ yếu nhóm giống lúa ngắn ngày và cực ngắn, chủ lực là: Khang dân, TH5, HT1, HN6, ĐT100…
Cùng với đó, các đơn vị thủy nông xây dựng kế hoạch điều tiết nước tốt, đảm bảo đủ nước tưới cho gieo cấy; các địa phương tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,… phục vụ sản xuất trồng trọt; kiên quyết xử lý các cơ sở không đảm bảo điều kiện kinh doanh và chất lượng vật tư nông nghiệp, không để hàng giả, hàng kém chất lượng lưu hành làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp…
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()