Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 00:15 (GMT +7)
Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số
Thứ 4, 02/03/2022 | 08:10:59 [GMT +7] A A
Cụ thể hóa Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong toàn tỉnh đã tích cực xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện hiệu quả, phù hợp với từng cơ quan, đơn vị. Qua đó, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng của cả nước, trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh.
Bám sát định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp luôn xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, vừa cấp bách, vừa lâu dài trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, gắn chặt với quá trình phát triển KT-XH, bảo đảm vững chắc QP-AN.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Kế hoạch xác định cụ thể những nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, tập trung thực hiện mục tiêu 100% thủ tục hành chính ban hành mới đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, được trang bị cơ sở vật chất đảm bảo kỹ thuật, an toàn phục vụ chuyển đổi số; tối thiểu 50% doanh nghiệp trong các KCN ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh; 100% người dân có định danh điện tử và mỗi gia đình đều có địa chỉ số; kinh tế số chiếm ít nhất 20% GRDP của tỉnh…
Từ năm 2022, triển khai thực hiện việc xác thực định danh điện tử công dân qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi thực hiện giải quyết thủ tục hành chính các cấp. Phấn đấu hết năm 2023 hoàn thành 8 cơ sở dữ liệu nền tảng quan trọng của tỉnh, gồm: Đất đai; CBCCVC; y tế; giáo dục; quy hoạch; du lịch; đầu tư công; giao thông. Từ năm 2024, 100% hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính ở cả 3 cấp được số hóa. Đến năm 2025, tối thiểu 50% hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý…
Căn cứ vào tình hình thực tiễn, các sở, ban, ngành, địa phương, các doanh nghiệp đã xây dựng, ban hành kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025 và hằng năm của đơn vị để triển khai thực hiện chương trình, đề án, kế hoạch chuyển đổi số của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Châu Hoài Thu, ngành giáo dục hiện đang tập trung vào 2 nội dung chuyển đổi số chủ đạo là quản lý giáo dục và dạy học, kiểm tra đánh giá, nghiên cứu khoa học. Ngành giáo dục đang trong giai đoạn ứng dụng số hóa và đã có những kết quả bước đầu. Đến nay, toàn bộ thông tin của hơn 22.000 giáo viên, cán bộ quản lý trong toàn ngành cùng hơn 352.000 học sinh các cấp trong toàn tỉnh đã và đang được cập nhật thông tin trong phần mềm trực tuyến. Các trường học đã sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử thay thế toàn bộ học bạ giấy. Năm 2022, ngành tiếp tục triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu giáo dục. Trong năm học tới đây, ngành giáo dục sẽ nghiên cứu sớm thí điểm triển khai phần mềm đối với việc tuyển sinh đầu cấp (lớp 1, lớp, 6, lớp 10), trước hết là ở những địa bàn thuận lợi, sau đó nhân rộng ra toàn tỉnh. Đồng thời, tích cực thực hiện số hóa toàn bộ hồ sơ quản lý văn bằng từ năm 1962 đến nay…
Tương tự, thực hiện quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số, ngành nông nghiệp hiện đang tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng quản lý số hóa với các khu nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh số hóa với các trang trại lớn, xây dựng quy hoạch mã vùng trồng. Cùng với đó, xây dựng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên gắn với thương mại điện tử nhằm tăng sự kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, phối hợp với Sở TN&MT đẩy mạnh quản lý số trong xây dựng các khu bảo tồn biển, rừng; phối hợp với Hội Nông dân xây dựng các mô hình thí điểm hợp tác xã, nông dân chuyển đổi số.
Với quan điểm người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số và tham gia trực tiếp vào quá trình chuyển đổi số, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động… góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức, hành động, tạo sự đồng thuận, thống nhất, tập trung cao trong thực hiện.
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu và hành động đồng bộ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân, sẽ góp phần quan trọng đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số trên địa bàn Quảng Ninh.
Trúc Linh
- Ngành Y tế Quảng Ninh đi đầu trong chuyển đổi số
- Quảng Ninh và FPT ký kết hợp tác thực hiện chuyển đổi số toàn diện
- UBND tỉnh nghe báo cáo kế hoạch thực hiện chuyển đổi số toàn diện đến năm 2025
- Chuyển đổi số trong ngành Y tế: Những thành quả bước đầu
- Chuyển đổi số Quảng Ninh: Quyết tâm cao, hành động nhanh
- Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Đi sau nhưng không về sau
Liên kết website
Ý kiến ()