Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 21:19 (GMT +7)
Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Đi sau nhưng không về sau
Thứ 6, 18/02/2022 | 06:22:42 [GMT +7] A A
Đối với nông nghiệp Quảng Ninh gần đây đã đặt ra và bước đầu triển khai các hoạt động chuyển đổi số. Sự khởi động này không phải là sớm, tuy nhiên là cần thiết để Quảng Ninh tiến tới mục tiêu về nền nông nghiệp thông minh, giá trị cao.
Tháng 8/2021, TX Đông Triều bước vào vụ thu hoạch na chính vụ với sản lượng ước tính lên đến 6.500 tấn, giá trị tối thiểu hơn 200 tỷ đồng. Thời điểm này đang là cao điểm bùng phát dịch Covid-19, nhiều địa phương thực hiện việc giãn cách, phong tỏa, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi tiêu thụ, đồng nghĩa với hàng ngàn tấn na nói trên có nguy cơ ứ ế, hàng trăm tỷ đồng của người dân có thể “treo” trên cây.
Trong bối cảnh ấy, chính thương mại điện tử đã góp phần cứu cánh cho quả na Đông Triều. Mỗi kênh bán hàng online đều trở thành chợ thương mại điện tử để tiêu thụ na, mỗi chủ vườn na đều có thể trở thành chủ vựa cung ứng na điện tử. Khách hàng dù chỉ ở nhà mình cũng có thể mua được na Đông Triều, thông qua thao tác đặt hàng trên các kênh online này. Nhờ thương mại điện tử, Đông Triều không chỉ giải quyết điểm nghẽn cục bộ về tiêu thụ cho quả na mà còn bước đầu hình thành những nông dân số.
Có nhiều lý do để quả na Đông Triều tiếp cận được thương mại điện tử, phát huy các kênh bán hàng online. Trong đó phải kể đến việc Đông Triều sớm xây dựng thương hiệu, bộ nhãn hiệu nhận diện cho quả na. Nhiều vườn na đã áp dụng và được công nhận tiêu chuẩn VietGAP, được cấp mã vùng trồng. Quả na Đông Triều được cấp mã QR, cấp tem chống hàng giả… Đây chính là những dữ liệu của na Đông Triều để đơn vị chức năng và chính người tiêu dùng có thể tự mình truy xuất được nguồn gốc, nắm được quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch quả na, từ đó yên tâm về chất lượng của quả na.
Thực tế việc chuẩn hóa quy trình sản xuất, quy trình thương mại, mã hóa chúng thành những thông số, đưa các thông số nằm trong khối dữ liệu nông nghiệp chung… như quả na Đông Triều, chính là một phần nội hàm của số hóa nông nghiệp. Ngoài quả na Đông Triều nói trên, hầu như tất cả các sản phẩm nông nghiệp Quảng Ninh nếu như đã có thông số, đã được mã hóa đều có ưu thế trên thị trường. Chúng có thể là nằm trên những kệ hàng của hệ thống phân phối uy tín trong nước hoặc là xuất khẩu vào những thị trường nước ngoài khó tính, giá trị đạt cao hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại. Có thể kể đến như nhóm các sản phẩm rau, quả, hoa trồng thủy canh, trồng trong nhà màng, nhà lưới, sản phẩm từ các vùng nuôi, trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, sản phẩm từ các vùng nuôi, trồng đã được cấp mã số, gỗ rừng trồng đã được cấp chứng chỉ rừng…
Theo giới chuyên môn, điều kiện của số hóa nông nghiệp là phải có hệ thống dữ liệu lớn và cơ sở tri thức về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản…; xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp phục vụ nông nghiệp; chuẩn hóa, cơ giới hóa và tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, quy trình quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm… Người sản xuất nông nghiệp có thể ứng dụng thiết bị cảm biến để số hóa các yếu tố sản xuất, chuyển các dữ liệu này vào thiết bị có kết nối với internet để quản lý mà không cần có mặt trực tiếp tại nơi sản xuất.
Xuất phát từ yêu cầu này, từ nhiều nỗ lực, hiện toàn tỉnh đã có 1.065ha diện tích vùng trồng trọt được chứng nhận VietGAP; 45ha diện tích đất trồng trọt hữu cơ; 28 cơ sở chứng nhận VietGAP lĩnh vực chăn nuôi; 416 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP....); 14 vùng trồng cây ăn quả và 5 cơ sở đóng gói quả tươi, 9 công ty xuất khẩu thủy sản đã được cấp mã, đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 59 loại sản phẩm; cấp phát 265.000 tem truy xuất và tem xác thực chống giả.
Năm 2021, Sở NN&PTNT phối hợp hoàn thiện phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” và bấm nút khởi động tại địa chỉ: https://qn.check.net.vn/. Hệ thống bước đầu cấp tài khoản tham gia quản lý cho 142 cơ sở là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, tiến tới mở rộng đến cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, các vùng sản xuất tập trung của tỉnh và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất nông sản an toàn; đấu nối với “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thực phẩm của thành phố Hà Nội”, liên thông đồng bộ với Bộ NN&PTNT.
Qua các trang điện tử, Sở NN&PTNT đã cung cấp thông tin 456 sản phẩm tham gia chương trình OCOP của 13 địa phương trong tỉnh với các siêu thị, chợ, 27 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, 5 sàn giao dịch thương mại điện tử; phối hợp hỗ trợ đưa thông tin cho 418 cơ sở doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh niêm yết và giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử.
Có thể thấy chuyển đổi số trong nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết, bắt buộc. Các kết quả chuyển đổi số trong nông nghiệp Quảng Ninh hiện nay còn thấp, đồng nghĩa với việc phần việc phải làm trong thời gian tiếp theo còn lớn. Chính bởi vậy, ngành nông nghiệp Quảng Ninh cần phải tăng cường tích cực hơn, có chỉ đạo, thực hiện trúng, đúng, kịp thời, đạt hiệu quả cao, để số hóa trong nông nghiệp đi sau nhưng không về sau.
Bài: Việt Hoa - Trình bày: Hùng Sơn
Ý kiến ()