Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 13:16 (GMT +7)
ĐB Thích Thanh Quyết tham gia ý kiến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng
Thứ 4, 23/10/2013 | 17:14:17 [GMT +7] A A
Chiều 22-10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật.
Tham gia góp ý vào Dự thảo, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị cần quy định cụ thể đối với các hình thức khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp; khen thưởng đối với những lao động sáng tạo; những quy định cụ thể về tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.
ĐBQH Thích Thanh Quyết tham gia phát biểu tại hội trường. |
Đại biểu cho rằng, việc bỏ các quy định tiêu chuẩn về các hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua đã đạt được đối với khen thưởng cấp Nhà nước nêu trong Dự thảo cơ bản hạn chế được việc “cộng dồn thành tích” và khen thưởng nhiều cho đối tượng là lãnh đạo, quản lý. Những người công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp có nhiều cơ hội hơn để được đề nghị khen thưởng. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn thay thế còn định tính như: lập được thành tích xuất sắc hoặc đột xuất, có phạm vi ảnh hưởng... Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu đưa thêm vào tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước một số quy định có tính định lượng để khi Luật được thông qua thì sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, hạn chế các quy định cần văn bản hướng dẫn thi hành.
Bên cạnh đó, để thực hiện chủ trương tăng cường khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, Luật cần nêu cụ thể hơn theo hướng mở rộng về điều kiện và tiêu chuẩn đối với hai hình thức khen thưởng là Huân chương lao động hạng Ba và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ để các đối tượng trên có cơ hội được khen thưởng.
Về thời điểm xét danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng, đại biểu nhất trí với Dự thảo, nhất là đối với danh hiệu: “Chiến sỹ thi đua toàn quốc” xét 5 năm một lần thay vì hàng năm như hiện nay.
Đối với quy định liên quan đến Hội đồng thi đua – khen thưởng các cấp, đề nghị Ban soạn thảo đưa thêm một Điều quy định về Hội đồng thi đua – khen thưởng các cấp và chức năng nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng này.
Liên quan đến Điều 69: Quy định tặng Kỷ niệm chương hoặc Huy hiệu, đại biểu nêu rõ: Trong thực tế hiện nay, tình trạng Kỷ niệm chương, Huy hiệu được sử dụng tràn lan vả về mẫu mã và cấp quy định. Những tấm Huy hiệu, Kỷ niệm chương gần giống như Huân chương của Nhà nước được sử dụng ở rất nhiều các tổ chức tự nguyện, tự phát, khó phân biệt đâu là giá trị thật, đâu là giá trị ảo. Vì vậy, không nên quy định các tổ chức xã hội cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quyết định Kỷ niệm chương, Huy hiệu.
Về khen thưởng đối với ĐBQH và đại biểu HĐND, Dự thảo bổ sung quy định “Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là đầu mối tập hợp và trình khen thưởng đối với đại biểu chuyên trách ở Trung ương…” đã cơ bản giải quyết được vấn đề tuyến trình khen thưởng đối với ĐBQH chuyên trách. Tuy nhiên, quy định việc xét tặng các danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng đối với ĐBQH và đại biểu dân cử kiêm nhiệm do cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ và quỹ lương của đại biểu này còn bất cập. Nếu chỉ quy định khen thưởng đại biểu chuyên trách ở Trung ương mà không đưa đại biểu chuyên trách ở các địa phương vào quy định khen thưởng tại Điều 83 là chưa hợp lý và không đầy đủ.
Đặng Hưng (Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh)
Liên kết website
Ý kiến ()