Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 09:27 (GMT +7)
Tăng cường quản lý hóa chất nguy hiểm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Thứ 7, 23/11/2024 | 23:51:36 [GMT +7] A A
Các loại hóa chất đặc biệt, chất cấm, hóa chất nguy hiểm trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm sản xuất, sử dụng có nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người nếu để xảy ra sự cố, do đó, đại biểu Quốc hội đề nghị cần rà soát, xem xét lại các loại hóa chất này để đưa vào danh mục kiểm soát chặt chẽ.
Cần siết chặt quản lý hóa chất nguy hiểm
Chiều 23/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho biết, một số quy định trong dự thảo luật hiện nay chưa đầy đủ, đặc biệt là vấn đề mua bán các hóa chất nguy hiểm như xyanua.
Mặc dù pháp luật đã yêu cầu phải có phiếu kiểm soát đối với việc mua bán xyanua, nhưng lại thiếu quy định rõ ràng về điều kiện mà cá nhân hay tổ chức cần đáp ứng để được phép sử dụng các hóa chất này.
Theo đại biểu, xyanua và các hợp chất chứa xyanua hiện đang được sử dụng trong các ngành như sản xuất thuốc trừ sâu, chất khử trùng, và khai thác mỏ vàng bạc. Tuy nhiên, theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP, xyanua chỉ được xếp vào danh mục hóa chất nguy hiểm, mà không được coi là hóa chất cấm.
Do đó, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị cần có sự rà soát toàn diện các loại hóa chất và bổ sung các quy định chặt chẽ hơn trong quản lý và sử dụng các hóa chất đặc biệt, nguy hiểm.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý hóa chất để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đại biểu cho rằng nếu không có sự quản lý chặt chẽ, các hóa chất nguy hiểm có thể bị lạm dụng trong sản phẩm tiêu dùng, gây nguy hại cho người dân.
Do đó, cần phải có các quy định rõ ràng về việc cấm xây dựng nhà máy, cơ sở nghiên cứu hay sản xuất hóa chất độc hại gần khu vực dân cư, nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) cho rằng, cần có các quy định rõ ràng hơn về điều kiện tồn trữ hóa chất, đặc biệt là đối với hóa chất nguy hiểm.
Bên cạnh đó, việc vận chuyển hóa chất cần được quy định cụ thể hơn, từ giấy phép vận chuyển đến trách nhiệm xử lý sự cố gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Đặc biệt, cần chú trọng đến việc vận chuyển hóa chất bằng tàu thuyền trên sông, biển.
Theo nữ đại biểu, cần bổ sung các giải pháp cụ thể bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong việc chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn và sử dụng năng lượng tái tạo.
Đồng thời, cơ quan soạn thảo cần rà soát, bổ sung các quy định liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người dân, bảo vệ sức khỏe, và an toàn thực phẩm trong môi trường hóa chất.
Tăng cường quản lý và ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát hóa chất
Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cảm ơn các đại biểu Quốc hội về những ý kiến thẳng thắn và trách nhiệm đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Bộ trưởng khẳng định, dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) sẽ được tiếp thu, chỉnh sửa một cách chặt chẽ, bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý hóa chất hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát các quy định để bảo đảm tính đồng bộ và hợp lý, đồng thời khắc phục những bất cập trong dự thảo.
Về quản lý hoạt động hóa chất, nhất là hóa chất độc hại, cần kiểm soát đặc biệt, để tăng cường quản lý hóa chất độc hại, kiểm soát rủi ro mất an toàn, an ninh từ hóa chất, Bộ trưởng Công thương cho hay, cơ quan soạn thảo đã đề xuất sửa đổi, bổ sung vào dự thảo một số quy định.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung quy định quản lý hóa chất trong toàn bộ vòng đời, từ khi hóa chất được tạo ra hoặc đưa vào lãnh thổ Việt Nam, đến khi lưu thông, sử dụng và xử lý.
Dự thảo luật đã bổ sung các quy định quản lý các hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hóa chất với mức độ chặt chẽ khác nhau, nhằm bảo đảm phù hợp với từng danh mục hóa chất, an toàn trong sản xuất, sử dụng hóa chất, bảo đảm an toàn cho môi trường.
Bên cạnh đó, bổ sung biện pháp tiền kiểm đối với hoạt động nhập khẩu hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, thay vì việc doanh nghiệp chỉ cần thực hiện khai báo hóa chất tự động như hiện nay, đồng thời, đề xuất tăng chế tài xử phạt các vi phạm để nâng cao mức răn đe.
Một điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) là việc tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý hóa chất, từ việc nhập khẩu, sản xuất đến tiêu thụ và xử lý hóa chất.
Bộ trưởng Công thương cho biết, cơ quan soạn thảo đã đề xuất áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong việc kiểm soát các hóa chất nguy hiểm, bảo đảm giám sát toàn bộ quy trình từ sản xuất đến sử dụng.
Theo Bộ trưởng, dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) sẽ tiếp tục hoàn thiện để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hóa chất một cách bền vững, bảo đảm cả mục tiêu kinh tế và bảo vệ môi trường.
Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai các giải pháp hỗ trợ cho ngành công nghiệp hóa chất, nhằm thúc đẩy đầu tư và phát triển các dự án trọng điểm trong lĩnh vực này.
Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) hiện đang được nghiên cứu và chỉnh sửa để hoàn thiện, trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp tới.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()