Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 01:17 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho ý kiến vào dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản
Thứ 3, 05/11/2024 | 19:03:34 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 5/11, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.
Cho ý kiến vào dự thảo luật, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng tại điểm a, khoản 4, Điều 58 dự thảo Luật quy định, thời hạn khai thác bao gồm thời gian xây dựng cơ bản, thời gian khai thác được xác định theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản nhưng không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần theo đề nghị của tổ chức, cá nhân có giấy phép khai thác khoáng sản, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm, quy định về thời hạn khai thác và gia hạn thời hạn khai thác như dự thảo là chưa phù hợp với chủ trương của Trung ương và Tổng Bí thư, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp và chưa phù hợp với quy định về đầu tư. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu quy định thời gian cấp phép khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản và điều kiện địa chất khoáng sản của dự án, điều chỉnh thời hạn khai thác không quá 50 năm và thời gian gia hạn không quá 15 năm cho phù hợp với thực tiễn và khắc phục những hạn chế, bất cập thời gian qua.
Đối với điểm h, khoản 1, điều 45 dự thảo Luật có quy định nguyên tắc: “Mỗi tổ chức được cấp không quá 5 giấy phép thăm dò đối với một loại khoáng sản, không kể giấy phép thăm dò khoáng sản đã hết hiệu lực”, tại báo cáo tiếp thu giải trình có nêu, tiếp thu, chỉnh lý quy định tại điểm h này theo hướng giao cho Chính phủ quy định đối với trường hợp vượt quá 5 giấy phép thăm dò. Nhưng dự thảo Luật chưa thể hiện nội dung này. Vì vậy cần quy định trong dự thảo Luật và thống nhất giữa dự thảo Luật với Báo cáo tiếp thu giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Với quy định trách nhiệm lập phương án quản lý khoáng sản Điều 14 và điều chỉnh cục bộ phương án quản lý về địa chất khoáng sản theo quy trình thủ tục rút gọn tại Điều 15, đại biểu cho rằng quy định của dự thảo Luật có điểm chưa thực sự phù hợp. Do đó, Quốc hội chỉ quy định phương án quản lý về địa chất khoáng sản trong dự thảo Luật là một hợp phần của quy hoạch tỉnh, như lập các quy hoạch ngành trong tỉnh trước đây để tính hợp vào quy hoạch tỉnh; cần quy định việc hướng dẫn lập phương án quản lý về địa chất khoáng sản như Điều 14, còn trách nhiệm lập phương án về địa chất khoáng sản để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, là trách nhiệm của UBND tỉnh.
Tham gia làm rõ thêm các nội dung dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị đối với quy định về tiền cấp quyền khoáng sản cần hợp nhất 2 loại tiền cấp quyền khoáng sản và thuế tài nguyên. Đồng thời, giao Chính phủ phân công 1 cơ quan đầu mối quản lý, thực hiện. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, lược bỏ một số quy định chung chung, không có nội hàm, không có giá trị gia tăng hoặc giao Chính phủ quy định.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng cần giải thích rõ khoáng sản đi kèm tại Khoản 14, Điều 2. Theo đó, đại biểu đề nghị cần quy định “Khoáng sản đi kèm là khoáng sản (khác) có thể khai thác cùng với khoáng sản chính và có hiệu quả kinh tế (cao)”. Qua đó, đảm bảo có phân loại đối với các loại khoáng sản thông thường (như đất, đá trong khai thác than). Nếu không điều chỉnh, thì đề nghị cần giao cho Chính phủ hướng dẫn hoặc phân cấp quản lý đối với các loại khoáng sản đi kèm. Qua đó, tránh để việc tăng thêm thủ tục xin cấp phép khai thác đối với tất cả các loại khoáng sản đi kèm.
Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung trong Điều 6 phân nhóm khoáng sản, đối với khoáng sản nhóm 4 loại khoáng sản do nguyên nhân bất khả kháng, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, gây sạt lở đất, đường... trên vùng khoáng sản. Phải làm theo quy trình khai thác khoáng sản tư quy hoạch, bãi thải, cấp phép... Đồng thời bổ sung thực hiện theo quy trình thủ tục rút gọn, cấp bách để đảm bảo an toàn đời sống và sản xuất của người dân và doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị giao cho Chủ tịch UBND tỉnh quyết định về quy trình, thủ tục xử lý và đổ thải.
Trong kỳ họp thứ 7, khi thảo luận về dự thảo luật tại điều 54 có nội dung thẩm định, công nhận, điều chỉnh kết quả thăm dò khoáng sản (tuy nhiên nội hàm không có Dự thảo lần này đã bỏ đi Điều chỉnh). Đại biểu đề nghị bổ sung quy định điều chỉnh kết quả thăm dò khoáng sản, vì thực tế trong quá trình khai thác, hầu hết các mỏ đều thăm dò bổ sung do khoảng cách các mũi khoan thăm dò cách xa nhau (từ 150-250m); khi bổ sung các công trình thăm dò sẽ làm chính xác kết quả trữ lượng có thể trữ lượng biến động lớn so với kết quả thăm dò đã được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia phê duyệt. Với những mỏ này cần được tổng hợp tài liệu từ kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng, tài liệu các công trình khoan phục vụ khai thác, cập nhật công trình, hiện trạng khai thác trình cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh kết quả thăm dò; tránh thất thu ngân sách Nhà nước, vướng mắc cho các doanh nghiệp khi có trữ lượng bổ sung.
Tại điểm a, khoản 1, Điều 84, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “được phép khai thác” sửa thành “Đã khai thác hết toàn bộ trữ lượng được phép khai thác”.
Đại biểu cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung việc lập lại Đề án Cải tạo phục hồi môi trường tích hợp trong Đề án đóng cửa mỏ đối với trường hợp thay đổi các hạng mục cải tạo phục hồi môi trường trong quá trình đóng cửa mỏ, có thể xử lý vi phạm hành chính (nếu có) với các trường hợp thay đổi hạng mục cải tạo phục hồi môi trường mà không báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Mặt khác, đề nghị bổ sung nội dung quy định vào Khoản 1 Điều 111 quy định thẩm quyền, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh đối với việc công nhận chỉ tiêu tính trữ lượng nhóm III.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()