Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:37 (GMT +7)
ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, Vũ Chí Thực: "Cần thiết xem xét bổ sung một số luật"
Thứ 4, 05/06/2013 | 17:09:30 [GMT +7] A A
Sáng qua 5-6, các đại biểu thảo luận tại hội trường về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (CTXDL, PL) năm 2014, điều chỉnh CTXDL,PL khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội. ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, Vũ Chí Thực đã có ý kiến tham gia.
Tôi đồng tình với những nhận xét, đánh giá của UBTV Quốc hội về những tiến bộ trong công tác XDL,PL cũng như những hạn chế tồn tại trong triển khai thực hiện CTXDL,PL. Tôi cũng cơ bản đồng tình với Tờ trình của UBTV Quốc hội về dự kiến điều chỉnh CTXDL,PL năm 2013, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và CTXDL,PL 2014.
ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, Vũ Chí Thực thảo luận về Dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014. |
Có ý kiến cho rằng Quốc hội điều chỉnh luật hơi nhiều, nhưng theo tôi trong điều kiện kinh tế, xã hội ở nước ta đang trong thời kỳ chuyển đổi, hội nhập và phát triển, đang trong quá trình hoàn thiện các mối quan hệ chưa ổn định, thì việc lập CTXDL,PL khó theo sát được thực tế là hiển nhiên. Hơn nữa chúng ta đang sửa đổi Hiến pháp, một loạt vấn đề đặt ra trong công tác xây dựng luật đòi hỏi phải phù hợp và đồng bộ với đạo luật cơ bản này. Việc ưu tiên đưa vào CTXDL tới đây nhằm tiếp tục thể chế hóa các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Các dự án luật liên quan trực tiếp đến quy định của Hiến pháp, các dự luật phục vụ cho tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và phục vụ đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan quản lý nhà nước là yêu cầu cấp thiết.
Tuy nhiên trong CTXDL, tôi thấy cần thiết phải xem xét bổ sung một số luật sau đây.
Một là, đề nghị bổ sung dự án luật về tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể là sửa đổi, bổ sung dự luật về HĐND và UBND vào CTXDL năm 2014. Vì theo chương trình kỳ họp thứ 6 hoặc cùng lắm kỳ họp thứ 7 sẽ thông qua Hiến pháp sửa đổi. Việc đưa dự án luật này là yêu cầu cấp bách, tôi hoàn toàn đồng ý với phân tính của đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đã trình bày vấn đề này liên quan đến Luật Bầu cử HĐND. Tôi xin phân tích thêm, trong phiên thảo luận về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, nhiều đại biểu yêu cầu hiến định chính quyền địa phương theo hướng thống nhất về mặt hành chính, nhưng không thống nhất về mặt tổ chức. Mô hình chính quyền địa phương của chúng ta hiện tổ chức thống nhất toàn quốc tồn tại từ rất lâu, từ thời kỳ bao cấp, trong khi đó có rất nhiều vấn đề đã thay đổi về cơ chế quản lý, về sự phát triển, về tốc độ của từng địa phương, đã có sự đòi hỏi chính đáng để nghiên cứu thành lập chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn, càng để chậm vấn đề này càng không có lợi, thậm chí kìm hãm sự phát triển.
Hai là, không nên rút khỏi chương trình dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) trong CTXDL năm 2013. Bởi vì BHYT hiện được đông đảo cử tri quan tâm và đây cũng là vấn đề mà toàn Đảng, Nhà nước chúng ta đang tập trung chỉ đạo với quyết tâm BHYT toàn dân. Trong khi đó Luật BHYT hiện đã bộc lộ nhiều vấn đề cần phải xem xét từ khâu tổ chức đến khâu quản lý, sử dụng, điều hành Quỹ BHYT; hơn nữa cuối năm nay Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề về BHYT. Đây là cơ hội tốt để chúng ta hoàn thiện Bộ luật này.
Ba là, đặc biệt cần thiết là đưa vào CTXDL năm 2013 và 2014 để thông qua là luật về đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt. Hiến pháp năm 1992, Điều 84 đã quy định Quốc hội có quyền thành lập hoặc giải thể đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Tuy nhiên, do chưa được quy định thành luật, nên sau hơn 20 năm chúng ta chưa có khu hành chính kinh tế đặc biệt nào. Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Điều 115 tiếp tục quy định đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, đơn vị hành chính ở hải đảo do luật định. Trong CTXDL,PL cả nhiệm kỳ khóa XIII không đưa vào xây dựng luật này. Đồng nghĩa với nó là chưa thể có hy vọng thành lập được khu hành chính kinh tế đặc biệt trước năm 2016. Khu hành chính kinh tế đặc biệt là một mô hình chính quyền mới đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và thành công. Hiện mô hình này đã có ở 135 quốc gia với hơn 3.500 khu, tạo ra hơn 68 triệu việc làm và đưa ra giá trị gia tăng được trên 500 tỷ USD từ hoạt động thương mại và dịch vụ. Đây là một chính quyền đặc thù, nên tổ chức bộ máy, mối quan hệ giữa T.Ư, địa phương, tính độc lập tương đối và các cơ chế chính sách cũng phải đặc thù và vượt trội so với các quy định của các đạo luật hiện hành.
Trong khi đó cơ chế chính sách của ta đang áp dụng cho khu kinh tế mới chỉ quy định ở Nghị định 95 của Chính phủ, nên tính pháp lý chưa đủ mạnh, vẫn bị các luật khác chi phối. Chưa tạo được môi trường pháp lý đặc biệt cho việc ra đời, hình thành và đầu tư phát triển của khu kinh tế.
Qua rà soát bước đầu những nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy, mối quan hệ T.Ư, địa phương, các cơ chế chính sách liên quan đến rất nhiều luật và pháp lệnh. Tôi đơn cử Luật tổ chức HĐND và UBND, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách, Luật Nhà ở, Luật Thương mại, Luật Quy hoạch đô thị, Pháp lệnh Phí và lệ phí, ... Vì vậy không thể cùng một thời gian mà chúng ta xem xét sửa chữa một loạt các luật như trên, mà rất cần thiết phải có luật riêng cho khu hành chính kinh tế đặc biệt vận hành và tổ chức thực hiện tốt nội dung của mình.
Đến lúc này chúng ta nói đến vấn đề này là hơi chậm. Tuy nhiên chúng ta đã có những khu vực, địa danh, vùng có lợi thế cạnh tranh toàn cầu, như Phú Quốc, Vân Đồn, Vân Phong. Nếu ta có cơ chế chính sách tốt, có tính cạnh tranh toàn cầu, thì chắc chắn sẽ thành công. Tôi cũng xin báo cáo thêm, nếu Quốc hội đã có quyết tâm cao trong việc thành lập các khu hành chính kinh tế đặc biệt, thì sớm ban hành luật và cho làm chính thức, không làm thí điểm. Bởi việc thành lập các đơn vị này nhằm tạo sức hút đầu tư lớn từ trong và ngoài nước, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài, nếu thí điểm rất khó thuyết phục các nhà đầu tư chiến lược.
Liên kết website
Ý kiến ()