Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 02:22 (GMT +7)
ĐBQH tỉnh tham gia đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH
Thứ 6, 31/05/2013 | 10:32:43 [GMT +7] A A
Ngày 30-5, Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì buổi thảo luận.
Đã có 45 đại biểu phát biểu, trong đó có 5 thành viên Chính phủ tham gia báo cáo giải trình. Không khí thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, xây dựng, nội dung trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, ngoại giao, quốc phòng… rất sâu sắc phong phú, đa dạng và toàn diện. Các ĐBQH đa số tán thành với những nhận định, đánh giá tình hình bổ sung năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 và cho rằng trong điều kiện phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức cả trong và ngoài nước thì kết quả đạt được của năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 là rất đáng trân trọng.
Đại biểu Thích Thanh Quyết tham gia phát biểu tại hội trường. |
Thượng tọa Thích Thanh Quyết, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã đóng góp ý kiến về công tác mặt trận ở cơ sở, việc giải quyết chế độ cho các đối tượng chính sách, việc tái định cư cho đối tượng di dân phục vụ xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, giáo dục và đào tạo.
Về công tác mặt trận ở cơ sở: Thời gian qua, cán bộ làm công tác mặt trận ở cơ sở luôn có mặt trong mọi lúc mọi nơi, bất cứ khi có việc gì xảy ra, tham gia giải quyết có hiệu quả. Trong các phong trào do Đảng, Nhà nước, Mặt trận phát động, họ luôn đi đầu và là một trong những lực lượng nòng cốt đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tạo thành sức mạnh tổng hợp tham gia công tác hoà giải cơ sở, giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân… Đặc biệt, đến kỳ bầu cử Quốc hội, HĐND, các kỳ tiếp xúc cử tri, họ đóng vai trò then chốt, thực hiện công tác tổ chức, tuyên truyền, vận động nhân dân. Nhưng họ tâm tư rằng kinh phí Nhà nước hỗ trợ ít quá so với công sức bỏ ra. Vì vậy, ĐB đề nghị Chính phủ có cơ chế phù hợp, hỗ trợ tương xứng cho cán bộ mặt trận cơ sở để họ tiếp tục cống hiến trên các lĩnh vực, góp phần ổn định trật tự xã hội.
Về việc giải quyết chế độ cho các đối tượng chính sách: Cử tri hoan nghênh các ngành LĐTBXH, Y tế đã khởi động có hiệu quả, giải quyết chế độ cho nhiều đối tượng chính sách. Tuy nhiên, cử tri mong muốn phải tăng tiến độ giải quyết và giải quyết triệt để hơn nữa. Hiện nay lại phát sinh thêm một số trường hợp mới: Người bố tham gia chiến trường ở vùng có chất độc da cam, sinh ra con bị nhiễm chất độc da cam, Nhà nước cho con hưởng chế độ chất độc da cam, nhưng bố lại không được hưởng, vì lý do chất độc da cam ở trong bố chưa phát tác. ĐB đề nghị, nếu con bị nhiễm chất độc da cam thì bố đương nhiên được hưởng chế độ này.
Về việc tái định cư cho đối tượng di dân phục vụ xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La: Nhân dân các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên rất vui mừng vì cuối năm 2012 Tập đoàn Điện lực đã khánh thành Nhà máy thuỷ điện Sơn La trước thời hạn 3 năm, tiết kiệm hàng tỉ USD cho Nhà nước. Nhân dân được tái định cư ở nơi ở tốt hơn. Tuy nhiên, đồng bào dân tộc không quen sống ở khu tập thể. Họ mong muốn Chính phủ có cơ chế chính sách để họ tiếp tục được trồng rừng, bảo vệ rừng, sống bằng nghề rừng, tạo nguồn nước cho thuỷ điện, góp phần ổn định kinh tế-xã hội ở địa phương và an ninh năng lượng quốc gia.
Về GD-ĐT: ĐB chia giáo dục và đào tạo thành hai phần là giáo dục tri thức và giáo dục đạo đức. Về giáo dục tri thức, ĐB rằng, thời gian qua tuy còn nhiều việc phải quan tâm, như thêm giờ, bớt giờ, về môn học này, môn học khác, song yên tâm về chất lượng giáo dục, vì học sinh, sinh viên được đào tạo trong môi trường toàn diện, hiện đại, được tiếp thu những tri thức, thông tin mới. Có điều sau khi ra trường thì Nhà nước sử dụng và đãi ngộ ra sao để họ được mang những kiến thức cống hiến cho xã hội. Còn về giáo dục đạo đức, không nên chỉ quy trách nhiệm cho ngành Giáo dục, mà đây là trách nhiệm của toàn xã hội, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để khơi dậy tính thiện, tâm từ bi vốn có của mỗi con người. Đề nghị, trong soạn thảo sách giáo khoa, các môn xã hội học, cần lựa chọn những tinh hoa, những tấm gương nhân nghĩa, anh hùng dân tộc trong lịch sử, khơi dậy lòng yêu nước thương người cho học sinh; kết hợp giáo dục những tư tưởng từ bi, bác ái, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, trung, hiếu của các tôn giáo, vì đây là những chuẩn mực đạo đức lớn nhất của nhân loại. Bộ GD-ĐT tạo nên chuyển môn Giáo dục công dân thành môn Luân lý đạo đức, vì khái niệm luân lý đạo đức rõ nghĩa, dễ hiểu hơn, dù trong môn Giáo dục công dân vẫn có luân lý đạo đức, nhưng hàm lượng ít và khó hiểu hơn. Đồng thời, cần xem xét tăng lương cho giáo viên.
Đại biểu Thích Thanh Quyết cũng đánh giá: Trong những tháng đầu năm 2013, nền kinh tế thế giới vẫn tiếp tục suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế nước ta, nhưng Chính phủ đã kiềm chế được lạm phát, ổn định được kinh tế vĩ mô. Nhân dân tin tưởng vào những quyết sách của Nhà nước về vấn đề tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến mọi mặt đời sống của nhân dân; đặc biệt là ở vùng núi, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, đời sống của nhân dân vẫn được an cư lạc nghiệp, xã hội được bình yên. Các cử tri ở vùng đặc biệt khó khăn đề xuất Chính phủ nên có cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ theo vùng, tạo cho cả vùng có cơ sở hạ tầng tốt để cho họ tự thoát nghèo một cách bền vững.
Nguyễn Mai (Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh)
Liên kết website
Ý kiến ()