Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 12:28 (GMT +7)
Để các lễ hội xuân an toàn, văn minh
Thứ 4, 15/02/2023 | 10:19:04 [GMT +7] A A
Đầu xuân là thời điểm các lễ hội truyền thống, sự kiện văn hóa được tổ chức ở nhiều nơi trên địa bàn Quảng Ninh, thu hút đông đảo nhân dân, du khách tham gia. Để các lễ hội xuân diễn ra an toàn, văn minh, nhiều biện pháp đã và đang được quan tâm triển khai đồng bộ.
Sau vài năm tạm dừng do tác động của đại dịch Covid-19, bước sang năm Quý Mão 2023, hàng loạt lễ hội truyền thống, sự kiện văn hóa giàu bản sắc đã và đang được tổ chức trong không khí phấn khởi sôi nổi khắp các địa phương trong tỉnh. Dòng người trảy hội, du xuân tăng cao trong dịp cao điểm là điều đã được dự báo từ trước. Tuy nhiên, mặt trái là nguy cơ tiềm ẩn phát sinh những sự cố về ANTT, cháy nổ, vệ sinh môi trường, ATGT, ATTP... Do đó, các phương án đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, văn minh cũng được chuẩn bị trước, triển khai thực hiện quyết liệt, xuyên suốt.
Đáng ghi nhận là các địa phương, trực tiếp là các ban tổ chức, ban quản lý lễ hội đều đã chú trọng nâng cao chất lượng công tác tổ chức, bảo đảm trang trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục. Những tệ nạn, sự cố, biến tướng... có chiều hướng giảm mạnh, góp phần đưa hoạt động lễ hội đầu năm trở về với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp vốn có.
Lễ hội xuân Yên Tử (TP Uông Bí) có quy mô quốc gia cũng đã đón khách trở lại sau 2 năm gián đoạn. Thống kê trung bình mỗi ngày có tới hàng nghìn lượt người đến tưởng nhớ Phật hoàng Trần Nhân Tông, chiêm bái di tích, cảnh quan núi Yên Tử. Do đó, trước lễ hội, UBND TP Uông Bí đã yêu cầu Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, cùng các đơn vị liên quan phải sẵn sàng phương án, lực lượng để chỉnh trang nhiều tuyến đường hành hương, hệ thống biển báo giới thiệu về di tích và chỉ dẫn về hướng đi cho du khách theo tiêu chuẩn quốc tế.
Trong đó, chú trọng tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt việc thực hiện các quy định về an toàn PCCC, VSATTP, niêm yết giá cả, giữ gìn VSMT, ANTT... Người dân, du khách cũng được yêu cầu, hướng dẫn để chấp hành nghiêm các quy định đảm bảo an toàn chung, có ứng xử văn minh, phù hợp; chủ động phòng chống tội phạm trộm cắp, móc túi tại các nơi tập trung đông người, nơi thờ tự.
Với gần 130 di tích và danh thắng, TX Đông Triều là trung tâm văn hóa tâm linh thu hút hàng triệu lượt khách hành hương, chiêm bái dịp đầu xuân. Do đó, trong dịp này Công an thị xã đã tăng cường phối hợp với các địa phương siết chặt quản lý về PCCC tại tất cả các di tích, đền, chùa trên địa bàn.
Cụ thể, cán bộ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an TX Đông Triều) tăng cường đôn đốc, nhắc nhở trực tiếp, hỗ trợ các cơ sở tiến hành kiểm tra, sửa chữa, bổ sung các phương tiện PCCC, thực hiện nghiêm các quy định an toàn trong sử dụng điện, đốt hương. Ban Quản lý các di tích, cơ sở tín ngưỡng cũng được hướng dẫn để xây dựng nội quy, quy định hướng dẫn người dân, du khách có ý thức thực hiện ANTT, PCCC. Mục đích nhằm nâng cao ý thức từ mỗi người dân, tránh để xảy ra sự cố do chủ quan, thiếu hiểu biết.
Khi lượng người dân, du khách tham gia các hoạt động du xuân, lễ hội đầu năm tăng cao, áp lực về đảm bảo ATGT cũng tăng lên. Với vai trò của mình, Ban ATGT tỉnh đã chủ động xây dựng công văn, kế hoạch gửi các địa phương, cơ quan chức năng ngay từ trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Theo đó, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, lực lượng CSGT, TTGT đã và đang bố trí lực lượng ứng trực, nhất là tại các điểm du lịch tâm linh có nhiều người và phương tiện tập trung.
Song song với các biện pháp nghiệp vụ là công tác tuyên truyền được đẩy mạnh liên tục qua các hình thức đa dạng (mạng xã hội, pano, băng rôn trực quan...) để nhắc nhở người dân chủ động tham gia giao thông có văn hóa. Cụ thể bằng việc tự giác thực hiện "Đã uống rượu, bia - không lái xe", không phóng nhanh, vượt ẩu, không chở quá số người quy định, đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; tuân thủ hiệu lệnh và hướng dẫn của lực lượng chức năng; nhường nhịn, giúp đỡ lẫn nhau khi tham gia giao thông...
Lễ hội đầu năm vốn luôn gắn với những giá trị truyền thống văn hóa nhân văn. Những giá trị này chỉ có thể có được một cách trọn vẹn trên cơ sở ý thức của từng cá nhân và của cả cộng đồng xã hội.
Theo thống kê, Quảng Ninh hiện có 638 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, với hơn 100 lễ hội, trong đó có 80 lễ hội truyền thống. Các lễ hội phần lớn diễn ra vào mùa xuân như: Lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên); lễ hội Yên Tử, lễ hội đền, chùa Hang Son, lễ hội đình Đền Công, lễ hội chùa Phổ Am (TP Uông Bí); lễ hội chùa Ngọa Vân, lễ hội chùa Quỳnh Lâm (TX Đông Triều); lễ hội đình Đầm Hà; lễ hội đình Lục Nà (huyện Bình Liêu); lễ hội đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả); lễ hội đình Vạn Ninh (TP Móng Cái). Đặc biệt, Lễ hội Yên Tử có quy mô lớn và thời gian kéo dài trong 3 tháng đầu năm. Một số di tích không có lễ hội đầu năm nhưng vẫn tổ chức lễ khai xuân như: Chùa Ba Vàng, chùa Lôi Âm, chùa Long Tiên, chùa Cái Bầu, đền An Sinh, đền An Biên, đình chùa Nhuệ Hổ, đền Cặp Tiên, đền Cái Lân, đền Trần Quốc Nghiễn… |
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()