Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:29 (GMT +7)
Đề cao tính nhân văn trong hoạt động báo chí
Thứ 5, 04/01/2024 | 09:20:25 [GMT +7] A A
Nhân văn, chính xác, khách quan là giá trị cốt lõi và là lý do tồn tại của báo chí. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng: “Nhân văn” hiểu một cách trực diện, đơn giản là việc báo chí kể những câu chuyện ý nghĩa, truyền cảm hứng, thổi bùng những giá trị tốt đẹp, hoặc tinh tế hơn, là mang đến cho mỗi câu chuyện buồn, vui trong cuộc sống một góc nhìn nhân văn, đồng cảm, hướng thiện, giúp hoá giải bế tắc để tiếp tục sống tốt hơn. Báo chí ở Vùng mỏ Quảng Ninh từ khi hình thành và trong suốt quá trình phát triển luôn hướng tới các giá trị cốt lõi này.
Khởi đầu từ Báo Than
Từ khi ra đời, báo chí cách mạng Việt Nam đã luôn thể hiện tinh thần nhân văn. Ở Vùng mỏ, Báo Than do những hội viên Chi hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội xuất bản đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, kể những câu chuyện của người cần lao, phát động phong trào đấu tranh trong công nhân để đòi quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc.
Những tờ báo ở Vùng mỏ trong giai đoạn kháng chiến sau này luôn đề cao tính nhân văn thông qua các tin, bài tuyên truyền, vận động quần chúng đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, quyền sống và mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân.
Khi quê hương được giải phóng, đất nước độc lập, báo chí ở Vùng mỏ tiếp tục khẳng định tính nhân văn thông qua việc thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích của mình là phương tiện tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; là phương tiện thông tin thiết yếu trong đời sống xã hội; đồng thời là diễn đàn của nhân dân, nơi để người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận. Báo chí luôn chú trọng phát hiện, biểu dương những điển hình tiên tiến, những gương “người tốt, việc tốt” để nhân rộng trong toàn xã hội. Cùng với phương châm “Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, báo chí cũng thẳng thắn chỉ ra, phê bình, lên án, đấu tranh với những việc làm đi ngược lại chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của quê hương, đất nước.
Dấu ấn những chương trình, chuyên mục
Cùng với thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền theo tôn chỉ, mục đích, các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo của tỉnh cũng phát huy tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân thông qua hoạt động nghiệp vụ và thông qua các hoạt động xã hội, thiện nguyện.
Báo Quảng Ninh trước đây từng duy trì khá đều đặn chuyên mục “Địa chỉ nhân đạo”. Thông qua chuyên mục này, nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhiều mảnh đời éo le đã được các tổ chức, cá nhân hảo tâm biết đến để hỗ trợ kịp thời. Không dừng lại ở đó, năm 2009, Báo Quảng Ninh thành lập Quỹ xã hội - từ thiện nhằm huy động các nguồn lực để hỗ trợ, giúp đỡ các địa chỉ nhân đạo. Và kết quả vận động ủng hộ thông qua Quỹ xã hội - từ thiện đạt được là rất hiệu quả. Từ nguồn Quỹ này, Báo Quảng Ninh tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: Tặng sổ tiết kiệm cho các hoàn cảnh khó khăn; trao học bổng cho học sinh vượt khó; tặng quà cho các hộ nghèo; hỗ trợ thêm vào các bữa cơm của học sinh nghèo bán trú. Đến giờ tôi vẫn rất nhớ niềm vui trong ánh mắt của những học sinh người dân tộc thiểu số học bán trú khi được ăn những “bữa cơm có thịt” do Báo Quảng Ninh hỗ trợ. Tôi cũng rất nhớ niềm hân hoan của những hộ nghèo khi được vào ở trong ngôi nhà mới do Quỹ xã hội - từ thiện của Báo Quảng Ninh vận động các mạnh thường quân xây tặng. Và đặc biệt là trong đợt mưa lũ lịch sử năm 2015, Báo Quảng Ninh đã làm rất tốt vai trò cầu nối các đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Khán giả của Đài PT-TH Quảng Ninh chắc hẳn ai cũng nhớ đến chương trình “101 cách thoát nghèo” của Đài. Số đầu tiên của chương trình ra mắt tháng 2/2010, do Đài PT-TH tỉnh và Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà phối hợp thực hiện. Nhận thấy hiệu quả của “101 cách thoát nghèo”, sau đó đã có thêm nhiều đơn vị vào cuộc cùng tham gia. Trong mỗi chương trình, Đài PT-TH tỉnh và các đơn vị tham gia hỗ trợ từ 10 triệu đến 15 triệu đồng/hộ.
Từ tháng 5/2012, Đài PT-TH tỉnh tăng thời lượng phát sóng từ 1 lên 2 số/tháng, có giai đoạn lên tới 4 số/tháng. Nhà báo Thu Phương, người dẫn chương trình sau này chia sẻ rằng: Với phương châm “Giúp người nghèo cái cần câu chứ không phải là xâu cá”, Chương trình “101 cách thoát nghèo” đã giúp hàng trăm hộ nghèo tại các địa phương trong tỉnh; trong đó khoảng 40% số hộ đã thoát nghèo, nhiều hộ nghèo đã vươn lên làm giàu. Tiêu biểu như hộ chị Nguyễn Thị Oanh (xã Nam Hoà, TX Quảng Yên) với mô hình nuôi gà, vịt, cá, lợn; hộ anh Thằng Văn Thống (xã Đông Hải, huyện Tiên Yên) đã xây được nhà ở 2 tầng khang trang từ chăn nuôi gia súc, gia cầm… Đặc biệt, nhiều hộ nghèo sau khi xem Chương trình đã tự học hỏi, áp dụng theo các mô hình để tự xoá nghèo cho mình.
QMG và đích đến “chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.
Năm 2019, Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh (tên tiếng Anh là Quang Ninh Media Group, viết tắt là QMG) được thành lập trên cơ sở hợp nhất các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh. Đây là cơ quan báo chí địa phương đầu tiên vận hành theo mô hình “toà soạn hội tụ, đa phương tiện”. Trải qua 5 năm hoạt động, QMG đã ghi nhiều dấu ấn quan trọng. Đó là đã sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả; đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào các khâu sản xuất chương trình; đổi mới căn bản phương thức hoạt động theo mô “toà soạn hội tụ”. Nói khái quát là vậy, nhưng để độc giả dễ hiểu thì xin dẫn chứng một vài ví dụ như thế này: Trước đây, 4 cơ quan báo chí, truyền thông tiền thân của QMG có tới 22 đầu mối cấp phòng, sau khi QMG được thành lập thì giảm còn 14 phòng, được bố trí và vận hành rất khoa học. “Tòa soạn hội tụ” của QMG gồm có 3 cấp (lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo cấp phòng và người lao động), không có cấp trung gian. Năng lực, sở trường của mỗi phóng viên, biên tập viên được nâng cao và phát huy khi có tới 70% cán bộ, phóng viên có thể sản xuất tác phẩm đa phương tiện.
Như vậy, QMG đã khẳng định rõ tính chuyên nghiệp, hiện đại. Tính nhân văn trong hoạt động báo chí tiếp tục được QMG phát huy thông qua việc thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng.
Đầu năm 2023, QMG phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh phát động hưởng ứng phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”. Theo đó, QMG đề ra và quyết tâm thực hiện 6 tiêu chí của cơ quan báo chí văn hoá, trong đó nhấn mạnh yêu cầu nhận thức đầy đủ sứ mệnh, vai trò của báo chí trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; nỗ lực góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí; nêu cao tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hướng đến các giá trị “chân, thiện, mỹ”, lan tỏa những điều tốt đẹp, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội.
Nhà báo Bùi Thị Thu Hương, Phó Giám đốc QMG, Thư ký Liên chi hội nhà báo của cơ quan, cho rằng: Để đạt được mục tiêu “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”, lãnh đạo Cơ quan và tổ chức Hội Nhà báo của QMG đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp để mỗi cán bộ, phóng viên, nhân viên thực hiện tốt 6 tiêu chí xây dựng văn hoá của người làm báo QMG. Đó là: Xây dựng đội ngũ vững về chính trị, trong sáng về đạo đức, lối sống, giỏi về nghiệp vụ; Tận tụy và trách nhiệm với công việc, hành nghề trung thực, công tâm; Tôn trọng quyền con người, quyền riêng tư; Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nêu cao tính nhân văn trong tác phẩm báo chí; Ứng xử chân thành, sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp; khiêm tốn và văn minh trong quan hệ công tác, chuẩn mực và thân thiện với công chúng.
Đỗ Ngọc Hà (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh)
Liên kết website
Ý kiến ()