Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:31 (GMT +7)
Nỗ lực "giữ lửa” cải cách
Thứ 4, 20/07/2022 | 08:54:55 [GMT +7] A A
Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nội dung CCHC. Đặc biệt, ngay sau khi trung ương và tỉnh công bố bảng xếp hạng các chỉ số, tỉnh và các sở, ngành, địa phương luôn chủ động tổ chức các hội nghị phân tích chuyên sâu, rút kinh nghiệm, tìm phương hướng tiếp tục đi lên trong giai đoạn mới. Đây là cách để Quảng Ninh giữ vững hình ảnh “ngôi sao cải cách” của cả nước.
Hành trình cải cách lâu dài
Những năm qua, Quảng Ninh được trung ương và các bộ, ngành đánh giá là “ngôi sao cải cách”. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công đánh giá: Những mô hình cải cách của Quảng Ninh luôn là lá cờ đầu, minh chứng được hiệu quả trong thực tế và được lan rộng trong cả nước, là hình mẫu cho các địa phương khác học hỏi, tham khảo. Những kết quả Quảng Ninh đạt được không chỉ các bảng xếp hạng cải cách, mà cả thành tựu kinh tế - xã hội những năm qua, chính là minh chứng rõ nhất cho những cố gắng, nỗ lực, đổi mới, sáng tạo Quảng Ninh đã kiên trì thực hiện.
Từ năm 2012, tỉnh triển khai Dự án Xây dựng mô hình chính quyền điện tử. Đây là mô hình duy nhất ở Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm thành lập theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg (ngày 28/10/2015). Với mô hình đột phá này, thời gian giải quyết TTHC cắt giảm từ 40-60% so với thời gian quy định của trung ương; thời gian giải quyết, trả kết quả đúng hạn và trước hạn đạt trên 99%. Đến nay, gần 100% TTHC của tỉnh được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến chiếm 53,5% tổng hồ sơ tiếp nhận, giải quyết.
Tỉnh đang triển khai sử dụng chứng thư số rộng rãi, liên thông quản lý văn bản tới 100% các cơ quan đảng, hành chính, đơn vị sự nghiệp các cấp trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện quy trình kết nối, chia sẻ dữ liệu giải quyết TTHC và luân chuyển văn bản điện tử 4 cấp. Gần 100% TTHC thuộc thẩm quyền của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thực hiện theo nguyên tắc “4 tại chỗ”; 22 sở, ngành, đơn vị trực thuộc sử dụng con dấu thứ 2 tại trung tâm để giải quyết TTHC theo nguyên tắc “5 tại chỗ”; trên 70% số người dân, doanh nghiệp trong tỉnh sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử; 100% TTHC từ cấp tỉnh đến cấp xã được chuẩn hóa theo quy trình ISO và được thiết lập vào Hệ thống phần mềm một cửa liên thông để thực hiện, theo dõi, giám sát quá trình giải quyết TTHC trong phạm vi toàn tỉnh...
Kết quả Chỉ số PAR INDEX tỉnh Quảng Ninh qua các năm từ 2015-2021
Năm |
Điểm đạt được |
Xếp hạng |
Xếp loại |
2015 |
90,23 |
6 |
Xuất sắc |
2016 |
80,66 |
6 |
Tốt |
2017 |
89,45 |
1 |
Tốt |
2018 |
89,06 |
1 |
Tốt |
2019 |
90,09 |
1 |
Xuất sắc |
2020 |
91,04 |
1 |
Xuất sắc |
2021 |
91,14 |
2 |
Xuất sắc |
Cùng với đó, tỉnh đạt được nhiều thành tựu trong cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ, công chức; cải cách tài chính công... Đặc biệt, trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, Quảng Ninh là một trong những địa phương chủ động, tích cực thực hiện những bước chuyển mạnh mẽ. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 59/KH-UBND (ngày 1/3/2022) về thực hiện Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 60/KH-UBND (ngày 1/3/2022) về triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030; Kế hoạch thành lập tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ chuyển đổi số. Đồng thời, ký kết bản ghi nhớ hợp tác với một số tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông có năng lực, uy tín để triển khai chuyển đổi số toàn diện tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đến nay, các hệ thống thông tin trọng yếu của tỉnh được quản lý, vận hành hoạt động ổn định phục vụ đắc lực công tác chỉ đạo, điều hành và làm việc của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Tỉnh cũng nhanh chóng triển khai công tác chuẩn hóa, số hóa hồ sơ TTHC; ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm; xây dựng kho dữ liệu dùng chung toàn tỉnh... để hòa mình vào dòng chảy chuyển đổi số.
Lan tỏa "ngọn lửa" cải cách
Trong giai đoạn phát triển mới, Quảng Ninh tiếp tục xác định nâng cao chất lượng CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật là một trong 3 đột phá chiến lược của tỉnh. Tỉnh quyết tâm phải định vị được thương hiệu và giữ vững vị trí nhóm đầu về các Chỉ số: PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI; xây dựng Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, sớm trở thành phố trực thuộc trung ương, một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc.
Quảng Ninh luôn xác định mục tiêu "lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hiệu quả công việc và để người dân, doanh nghiệp thực sự là chủ thể trong công tác cải cách, đổi mới". Vì vậy, tỉnh luôn coi trọng việc định lượng, đo lường đánh giá một cách thực chất, khách quan các kết quả đạt được trong công tác cải cách. Đến nay, tỉnh đã có 9 năm thực hiện đánh giá PAR Index và 5 năm đánh giá SIPAS. Từ năm 2018, tỉnh tích hợp điểm số SIPAS vào kết quả đánh giá PAR Index. Điều này thể hiện sự dám nhìn thẳng sự thật, tập trung cải cách toàn diện, thực chất.
Tỉnh xác định đổi mới, cải cách là việc làm lâu dài và dư địa cải cách của tỉnh còn lớn, không gian cải cách còn rộng mở. Sau mỗi kỳ trung ương công bố kết quả đánh giá các chỉ số cải cách, tỉnh tổ chức ngay các cuộc họp bàn, hội nghị để phân tích, đánh giá từng chỉ số thành phần và đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả cho những năm tiếp theo. Từ kết quả các bảng xếp hạng cấp tỉnh, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh chủ động tổ chức các hội nghị phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm để phát huy thế mạnh, khắc phục hạn chế. Đó chính là cách để Quảng Ninh lan tỏa "ngọn lửa" cải cách từ cấp tỉnh đến các sở, ban, ngành, địa phương suốt thời gian qua.
Ngày 20/7/2022, tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị phân tích chuyên sâu về các chỉ số PAR Index và SIPAS năm 2021. Hội nghị nhằm nhìn nhận những hạn chế và xác định nguyên nhân khiến một số điểm thành phần của các chỉ số cải cách chưa đạt thứ hạng như kỳ vọng. Từ đó, rút ra các bài học kinh nghiệm, phương hướng để khắc phục những hạn chế, khai thác những dư địa còn chưa chinh phục được. Giám đốc Sở Nội vụ Bùi Thúy Phượng chia sẻ: Việc tỉnh nhanh chóng tổ chức hội nghị phân tích chuyên sâu, rút kinh nghiệm các chỉ số cải cách thể hiện rõ sự cầu thị và khát vọng của tỉnh không chỉ trong việc chinh phục các bảng xếp hạng, mà còn là xây dựng một chính quyền kiến tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch... thực sự phục vụ người dân, doanh nghiệp bằng văn hóa cam kết, văn hóa đồng hành và văn hóa thực thi...
Minh Hà
- Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái: Đẩy mạnh CCHC, hiện đại hóa hải quan
- Đột phá về cải cách hành chính
- Đoàn công tác tỉnh Lâm Đồng trao đổi kinh nghiệm cải cách hành chính, thu hút đầu tư tại Quảng Ninh
- Tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong cải cách hành chính
- Móng Cái: Tập trung cải cách hành chính
- TP Hạ Long: Hướng đến chuyển đổi số toàn diện
Liên kết website
Ý kiến ()