Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 13:34 (GMT +7)
Để hàng Việt đến được với đông đảo người tiêu dùng
Thứ 4, 03/04/2013 | 05:00:39 [GMT +7] A A
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Bộ Chính trị chỉ đạo triển khai từ giữa năm 2009. Thực hiện sự chỉ đạo này, ngay sau đó Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện cuộc vận động trên địa bàn tỉnh.
Sau hơn 3 năm thực hiện cuộc vận động, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, bước đầu đã tạo được sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã tăng cường năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của mình và khẳng định tiềm năng về sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đơn vị. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, đoàn thể nhân dân, lực lượng vũ trang, phương tiện thông tin đại chúng và các doanh nghiệp trong tỉnh đã quan tâm, tích cực vào cuộc triển khai thực hiện, tuyên truyền, vận động người dân tham gia hưởng ứng cuộc vận động. Bởi vậy, cuộc vận động đã mang lại những hiệu ứng tích cực. Nhiều thương hiệu hàng Việt đã chiếm được thị phần khá lớn trong các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng và ở cả các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Đại bộ phận người dân đã quan tâm, chú ý lựa chọn, mua sắm các mặt hàng sản xuất trong nước. Xu hướng, thói quen mua hàng Việt Nam chất lượng cao trong người tiêu dùng ngày càng tăng. Bản thân các doanh nghiệp cũng ý thức được đây là “cơ hội vàng” để tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, chuyển biến đã đạt được thì công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của một số cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ở địa phương trong việc thực hiện cuộc vận động cũng còn hạn chế, chưa thực sự vào cuộc. Các doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh cũng như trong nước chưa chú trọng đầu tư cho việc nâng cao chất lượng, quảng bá, hạ giá thành sản phẩm. Do đó sức mua của người dân đối với hàng Việt chưa cao; số lượng, chủng loại, doanh thu của nhiều doanh nghiệp còn thấp, chưa tương xứng với thực tế tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, tỷ lệ hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng vẫn còn khá phổ biến trên thị trường. Điều này phần nào làm giảm lòng tin của người tiêu dùng đối với các mặt hàng sản xuất trong nước. Nhiều mặt hàng được nhập lậu vào nội địa có mẫu mã đẹp, giá rẻ cũng khiến người tiêu dùng nghiêng về sử dụng các loại hàng này...
Vì vậy, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải tích cực hơn nữa, vào cuộc thực sự để tuyên truyền, vận động nhân dân và cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên hưởng ứng, ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Các doanh nghiệp cần tăng cường, chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm; xây dựng chiến lược quảng cáo, tiếp thị sản phẩm; phối hợp làm tốt công tác phân phối, lưu thông hàng hoá; nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng, hậu mãi. Đặc biệt phải đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng để tăng cường và củng cố niềm tin đối với người tiêu dùng...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()