Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 21:06 (GMT +7)
Để mỗi người dân là một chiến sĩ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19
Thứ 2, 16/08/2021 | 08:12:58 [GMT +7] A A
Trước diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, “Chống dịch như chống giặc” cho đến nay vẫn luôn là tư tưởng chỉ đạo và phương châm hành động cả nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng. Trên mặt trận này, mỗi người dân phải là một chiến sĩ, cùng đồng lòng, chung sức để những chủ trương, chỉ đạo về phòng, chống dịch được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả.
Những hạt nhân trong cộng đồng
Từ khi các tổ tự quản phòng, chống Covid-19 ở khu dân cư của TP Uông Bí được thành lập vào cuối tháng 3/2020 đến nay, bà Hà Thị Bích Thạo, Tổ trưởng tổ 3, khu 6, phường Thanh Sơn, luôn là thành viên tham gia rất trách nhiệm trong mọi nhiệm vụ, công việc được giao.
Vốn không quen sử dụng thiết bị công nghệ, nay bà Thạo bắt đầu dành thời gian học cách sử dụng điện thoại thông minh, để thuận tiện cho việc cập nhật các thông báo từ Bí thư chi bộ khu phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của phường... qua nhóm chat zalo. Mỗi buổi chiều, bà Thạo lại tranh thủ đi đến một số hộ dân để nắm tình hình phản ánh của người dân, nhằm phát hiện sớm những biến động bất thường, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Cũng là để vận động, nhắc nhở mọi người thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại gia đình.
Bà Thạo bảo: Các thành viên trong tổ tự quản chúng tôi đều hoạt động với tinh thần tự nguyện, trách nhiệm và nêu gương vì cộng đồng. Qua đó đã hỗ trợ chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ tình hình dân cư, giám sát việc thực hiện quy định 5K và một số quy định khác. Quan trọng nhất, chúng tôi đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức phòng, chống dịch cho nhân dân trong tổ dân, khu phố. Ngược lại, bà con rất ủng hộ hoạt động của tổ tự quản, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh.
Còn tại địa bàn vùng cao, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh, đội ngũ cán bộ các thôn, bản cũng đang hằng ngày tham gia công tác phòng, chống dịch với sự nỗ lực hết mình vì sự an toàn của cộng đồng.
Tại xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu), việc thành lập các tổ tự quản phòng, chống Covid-19 đã phát huy được hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao ý thức của người dân về thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn theo khuyến cáo của ngành y tế. Đồng thời còn siết chặt hơn công tác phối hợp với lực lượng biên phòng để ngăn chặn tình trạng XNC trái phép qua biên giới, quyết tâm chặn đứng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.
Ông Bùi Xuân Chiều, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Nà Sa, xã Hoành Mô, cho biết: Chúng tôi xác định, công tác tuyên truyền luôn được đặt lên hàng đầu mới có thể giúp người dân hiểu được sự nguy hiểm của dịch bệnh và tin tưởng vào các chủ trương, chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian qua, chúng tôi tập trung tuyên truyền về quy định 5K, yêu cầu các hộ cam kết thực hiện để giữ an toàn cho chính bản thân và gia đình. Đồng thời, vận động người dân tuyệt đối không vi phạm, cũng không tiếp tay cho những hành vi vi phạm như vượt biên, trao đổi hàng hóa trái phép, tiếp xúc với người bên kia biên giới... Cả bản thống nhất, nếu có cá nhân nào vi phạm, nhẹ thì nhắc nhở trước dòng họ và toàn bản, nặng thì sẵn sàng báo chính quyền để có hình thức xử lý nghiêm khắc.
Có thể nói, nhờ mô hình tổ tự quản với những thành viên đầy trách nhiệm, đã góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch ngay từ địa bàn dân cư. Sớm xác định hiệu quả của mô hình này nên ngay từ các đợt chống dịch năm 2020, toàn tỉnh đã phát động phong trào toàn dân cùng tham gia chống dịch và thành lập ngay các tổ tự quản. Tại điện khẩn số 04/ĐK-UBND ngày 26/3/2020, UBND tỉnh yêu cầu toàn bộ các thôn, khu phố thành lập tổ công tác tự quản, nhằm triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Mỗi tổ gồm cán bộ thôn, khu phố, các chi hội đoàn thể, tình nguyện viên, làm nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” giúp tuyên truyền những quy định phòng, chống dịch nhanh chóng, liên tục tới người dân.
Hiện toàn tỉnh đang có hơn 1.500 tổ tự quản phòng, chống dịch Covid-19 ở khu dân cư. Nhờ nắm vững địa bàn dân cư, nên họ chính là những “cánh tay nối dài” của chính quyền và cơ quan y tế, đảm bảo nắm chắc tình hình dư luận tại địa bàn phụ trách; kịp thời phát hiện, thông báo cho chính quyền về những biến động nhân khẩu, khi có người từ địa phương khác trở về địa phương hoặc đến tạm trú. Việc giám sát y tế, cập nhật thông tin khai báo sức khỏe, lập danh sách tiêm vắc xin phòng Covid-19 toàn dân... được triển khai nhanh chóng, đầy đủ cũng có vai trò phối hợp của đội ngũ này.
“Chống giặc” từ mỗi cá nhân, gia đình
Tinh thần “Chống dịch như chống giặc” trước tiên là để nói về việc toàn dân đồng lòng, chung sức thực hiện nghiêm ngặt các quy định của ngành y tế, bắt đầu ngay từ nội dung của quy định 5K.
Tuy nhiên không chỉ có vậy, trong trận chiến phức tạp, kéo dài, mỗi người dân còn phải chống lại những “kẻ thù” nguy hiểm khác đã phát sinh từ bối cảnh đại dịch. Như việc có những người cố tình giấu bệnh, khai báo y tế không trung thực, chống đối quy định kiểm soát y tế và trốn cách ly, không chấp hành nghiêm quy định hạn chế tụ tập đông người. Ngoài ra, còn có một số đối tượng hám lợi, tranh thủ tình hình khó khăn chung để đầu cơ, nâng giá hàng hóa, kinh doanh hàng giả, buôn lậu hàng kém chất lượng vào thị trường.
Đặc biệt, còn có cả những kẻ lợi dụng dịch bệnh để phao tin đồn nhảm, gây hoang mang trong cộng đồng, thậm chí lan truyền những thông tin bịa đặt từ các thế lực thù địch và bọn cơ hội chính trị để chống phá Nhà nước, chống phá chính quyền và công cuộc phòng chống dịch bệnh đầy cam go, thử thách của cả đất nước...
Do đó, để giữ vững địa bàn an toàn trước đại dịch, mỗi người dân phải là một chiến sĩ, có kiến thức đầy đủ, lập trường vững vàng để bảo vệ an toàn cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng. Sức mạnh đoàn kết đó được tạo dựng từ việc mọi người đều được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về mức độ nguy hiểm, cũng như cách phòng, chống dịch Covid-19.
Công tác tuyên truyền theo đó cũng được quan tâm chỉ đạo từ tỉnh tới cơ sở, giúp cho thông tin chính thống được lan tỏa sâu rộng, nhanh chóng, kịp thời. Nội dung tập trung vào việc truyền tải cụ thể, dễ hiểu, đầy đủ các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, những khuyến cáo, khuyến nghị theo diễn biến tình hình dịch bệnh; về trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp trong việc triển khai quyết liệt những giải pháp phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân gặp khó khăn...
Công tác tuyên truyền cũng giúp phổ biến kiến thức pháp luật, các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống Covid-19. Đồng thời, hướng dẫn người dân chủ động nâng cao ý thức tự phòng bệnh, không hoang mang, nhưng cũng không chủ quan; không chia sẻ, lan truyền những thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng; biểu dương, cổ vũ những tấm gương điển hình, những hành động đẹp, vì cộng đồng.
Nhiều hình thức tuyên truyền sinh động, linh hoạt được vận dụng hiệu quả, như: Pano, áp phích, tờ rơi, loa truyền thanh, xe lưu động, truyền hình, mạng xã hội zalo, facebook, báo chí... Điển hình như tại Trung tâm Truyền thông tỉnh, công tác tuyên truyền được thực hiện liên tục trên toàn bộ các nền tảng: Truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử và mạng xã hội. Các chuyên mục, chuyên trang, chương trình truyền hình, phát thanh phản ánh về tình hình, diễn biến của dịch bệnh, các biện pháp, chính sách phòng, chống dịch của tỉnh được tăng số lượng, thời lượng phát sóng vào nhiều khung giờ hằng ngày.
Đã có không ít những thước phim, những bức ảnh truyền cảm hứng, khắc họa hình ảnh các chiến sĩ áo trắng xung phong vào tâm dịch, hay các hoạt động thiện nguyện hướng về nhân dân vùng khó khăn, giãn cách... đã làm lay động hàng triệu trái tim. Những tin bài về chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cũng được chú trọng thực hiện, góp phần vào mục tiêu mà tỉnh đề ra: Cơ bản đạt miễn dịch cộng đồng trong năm 2021.
MTTQ các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên cũng đã có sự phối hợp, thống nhất hành động hiệu quả để góp phần vào công tác tuyên truyền phòng, chống dịch tới 100% cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Cụ thể là thông qua loạt các phong trào “Toàn dân đoàn kết phòng, chống dịch Covid-19; phát hiện, tố giác tội phạm, người nhập cảnh trái phép, người trốn, người không chấp hành nghiêm cách ly” trên địa bàn tỉnh; thành lập nhóm Zalo “MTTQ THAM GIA P.C COVID-19” là kênh thông tin mở 24/24h để MTTQ từ tỉnh đến các địa phương, các ngành trong tỉnh phản ánh thường xuyên việc triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch tại cơ sở, đơn vị, nhằm tạo sự thống nhất chung.
Hay như LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở tăng cường quản lý chặt chẽ đoàn viên, người lao động; vận động không đi ra khỏi tỉnh khi không thật sự cần thiết; tham gia giám sát thực hiện những quy định về phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị. Các cấp Hội phụ nữ và Đoàn thanh niên cũng phổ biến tới đội ngũ ở cơ sở về việc tích cực tham gia các tổ tự quản phòng, chống Covid-19 tại khu dân cư; phối hợp thực hiện công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng trong bối cảnh khó khăn chung...
Phát huy truyền thống đại đoàn kết
Đất nước đang bước vào giai đoạn đầy thách thức khi liên tiếp các đợt dịch bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố với biến thể virus mới ngày càng nguy hiểm. Trong bối cảnh này, truyền thống nhân ái của dân tộc, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng được vận dụng, phát triển sáng tạo.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ngày 28/5 vừa qua, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức lễ phát động và tiếp nhận đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, MTTQ tỉnh kêu gọi CBCCVC-NLĐ thuộc các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trong tỉnh, CBCS các đơn vị LLVT đóng quân trên địa bàn tỉnh mỗi người ủng hộ ít nhất 1 ngày lương. Đồng thời, kêu gọi các cơ quan, tổ chức, LLVT, doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh tiếp tục ủng hộ vật chất và tinh thần để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Văn Hồi, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho biết: Đến nay, trên 400 tập thể và cá nhân trong toàn tỉnh đã đăng ký ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh với tổng số tiền gần 164 tỷ đồng. Việc quản lý, phân phối tiền, hiện vật được thống nhất với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng. Toàn bộ kinh phí được sử dụng cho việc mua vắc xin cho nhân dân tỉnh Quảng Ninh, trang thiết bị y tế; hỗ trợ cho các khu cách ly, điều trị bệnh nhân nặng; động viên lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh. Đây là tấm lòng, trách nhiệm của mỗi người dân Quảng Ninh, thông qua Mặt trận để cùng cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Tinh thần tương thân, tương ái của mỗi người dân Quảng Ninh còn thể hiện qua việc tham gia đóng góp vào Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 (được ra mắt vào ngày 5/6/2021 tại TP Hà Nội), để chia sẻ với NSNN, phấn đấu vì mục tiêu sớm tiêm vắc xin miễn phí cho toàn dân. Ngoài ra, còn có những hoạt động thiện nguyện đã được triển khai, như giải cứu nông sản cho nông dân các vùng dịch; thực hiện các chuyến xe nghĩa tình hỗ trợ nhu yếu phẩm tới đồng bào các tỉnh thành miền Nam đang thực hiện giãn cách.
Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh hiện nay tuy được kiềm chế, nhưng nguy cơ bùng phát vẫn luôn tiềm ẩn, khó lường. Theo dự báo, khả năng cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn trường kỳ, ngay cả khi đã tiêm vắc xin phòng dịch. Do vậy, rất cần sức mạnh đoàn kết toàn xã hội, bắt đầu từ việc mỗi người dân là một chiến sĩ, tích cực tham gia với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”.
Ngày 30/7/2021, Bộ Y tế có Quyết định số 3638/QĐ-BYT về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống Covid-19”. Trong đó có nội dung: Phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống dịch và thành lập ngay các “Tổ COVID cộng đồng” ở tất cả các khu dân cư.
Mỗi Tổ COVID cộng đồng gồm 2 - 3 người nên là cán bộ tổ, thôn, khu phố, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, tình nguyện viên tại khu dân cư. Nhiệm vụ là hàng ngày “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để thực hiện:
+ Tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân các biện pháp phòng, chống dịch tại từng hộ gia đình. Yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe. Cung cấp số điện thoại và yêu cầu người dân chủ động khai báo y tế ngay khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.
+ Hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay bằng điện thoại cho chính quyền địa phương và y tế tuyến xã những trường hợp nghi mắc Covid-19 phát hiện được tại các hộ gia đình để tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời. Nắm bắt tình hình dịch bệnh cũng như các yếu tố nguy cơ tại từng hộ gia đình.
+ Phát hiện, báo cáo các cấp có thẩm quyền những trường hợp không tự giác khai báo y tế; không chấp hành thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; người nhập cảnh trái phép; người đi từ vùng dịch về...
+ Trợ giúp chính quyền và cơ quan y tế truy vết F1, F2 khi có ca bệnh liên quan ở địa bàn phụ trách.
+ Thực hiện các nhiệm vụ khác phù hợp với khả năng do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp xã/phường phân công.
|
Hoàng Giang
- Cố gắng cấp phép có điều kiện vaccine phòng COVID-19 sớm nhất
- Nhất định chúng ta sẽ sớm chiến thắng đại dịch COVID-19*
- Tạo tuyến phòng thủ vững chắc trên biển
- TP Hạ Long tiếp nhận trên 30.000 bộ xét nghiệm nhanh Covid-19
- Quảng Ninh: Nhiều cơ quan, đơn vị chủ động đăng ký mua bộ test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2
- Con trẻ trong vòng xoáy đại dịch COVID-19
- Chung tay phòng, chống dịch Covid-19
Liên kết website
Ý kiến ()