Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:56 (GMT +7)
Đề nghị truy tố ổ nhóm làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức
Thứ 6, 15/03/2024 | 08:22:00 [GMT +7] A A
Để thực hiện trót lọt hồ sơ, phục vụ cho đợt xét tuyển, kiểm định trực tiếp tay nghề người lao động, các đối tượng trong ổ nhóm đã câu kết với một số cán bộ của Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật, Đại học Thái Nguyên và Công ty CP Lilama 18, thực hiện hành vi làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ngày 14/3 cho biết đã hoàn thành bản kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện KSND Tối cao hoàn tất cáo trạng, đề nghị truy tố 6 bị can về 2 hành vi “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Các bị can bị đề nghị truy tố về hành vi “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” gồm: Trần Quang Hanh (SN 1974, nguyên giáo viên Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật, Đại học Thái Nguyên); Lâm Hoàng Linh (SN 1977, nguyên Phó Trưởng phòng hành chính Công ty CP Lilama 18); Chu Đức Dũng (SN 1988, nguyên cán bộ Phòng tổng hợp, Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật, Đại học Thái Nguyên); Lê Văn Huỳnh (SN 1986, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Tùng Lâm) và Bùi Thị Hải Yến (SN 1986, nhân viên Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát).
Bị can Nguyễn Viết Hùng (SN 1984, trú tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) bị đề nghị truy tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an tiếp nhận thông tin từ Cục An ninh chính trị nội bộ về đường dây làm giả giấy xác nhận kinh nghiệm tay nghề… Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Cục trưởng Cục An ninh điều tra, các điều tra viên thuộc Văn phòng Cơ quan An ninh điều tra đã vào cuộc xác minh thông tin. Quá trình thu thập tài liệu, các điều tra viên gặp nhiều khó khăn do người lao động sinh sống và làm việc ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Song với quyết tâm điều tra vụ án, các điều tra viên đã lặn lội đến các địa bàn, thu thập lời khai của người lao động. Từ các căn cứ thu thập được, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã đấu tranh, làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng.
Quá trình điều tra xác định, khoảng tháng 3/2022, Lê Văn Mạnh (SN 1981, nhân viên Công ty CP đầu tư Thuận An DMC) thỏa thuận với Công ty Biz Korea tại Hàn Quốc về việc tuyển lao động Việt Nam có tay nghề thợ hàn sang Hàn Quốc làm việc theo diện Visa E7 (visa cá nhân). Theo yêu cầu của Công ty Biz Korea, lao động cần có giấy xác nhận kinh nghiệm tay nghề từ 2 năm trở lên và phải vượt qua đợt xét tuyển trực tiếp có sự kiểm định của Công ty Biz Korea, Hiệp hội đóng tàu Hàn Quốc tuyển chọn, nếu đạt mới được xét tuyển.
Mạnh đã trao đổi với Huỳnh, khi đó đang là Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Tùng Lâm để cùng tuyển lao động. Quá trình tuyển dụng, một số lao động không có đầy đủ giấy tờ xác nhận theo yêu cầu của Công ty Biz Korea nên các đối tượng đã nghĩ đến việc làm giả giấy tờ để hoàn thiện hồ sơ, phục vụ cho đợt xét tuyển, kiểm định trực tiếp tay nghề người lao động của Công ty Biz Korea.
Tháng 6/2022, Huỳnh đặt vấn đề với Hanh, khi đó đang là Trưởng bộ môn Hàn, Khoa Cơ khí trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật, Đại học Thái Nguyên đề nghị liên kết, giới thiệu học viên là lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc đến trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật, Đại học Thái Nguyên, học tay nghề hàn và cấp chứng chỉ đào tạo nghề ngắn hạn.
Khoảng 2 tháng sau đó, số học viên do Huỳnh gửi học đã được nhà trường tổ chức thi và cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, phía đối tác Hàn Quốc yêu cầu chứng chỉ tay nghề thợ hàn phải là chứng chỉ theo tiêu chuẩn quốc tế và được cấp trước thời điểm đó ít nhất 2 năm để phù hợp với yêu cầu kinh nghiệm làm việc… Vì thế, số chứng chỉ do Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật, Đại học Thái Nguyên cấp là không phù hợp với yêu cầu của phía Hàn Quốc.
Khi ấy, Huỳnh đã trao đổi và đề nghị Hanh tìm đơn vị có thể cấp được giấy chứng nhận năng lực thợ hàn cho lao động. Qua trao đổi, Hanh cho biết có thể làm được giấy chứng nhận năng lực thợ hàn quốc tế do Công ty CP Lilama 18 cấp phù hợp yêu cầu của Huỳnh. Sau đó, Hanh và Huỳnh đã thu của mỗi người lao động số tiền 3 đến 3,5 triệu đồng để làm chứng nhận năng lực giả.
Trong quá trình này, để tránh bị phát hiện, các bị can không cho người lao động biết cụ thể việc làm giả chứng nhận của Công ty CP Lilama 18. Đến nay, hợp đồng giữa Công ty Thuận An DMC và Công ty Biz Korea không được Cục Quản lý lao động ngoài nước Bộ Lao động thương binh và xã hội xét duyệt nên Công ty Thuận An DMC không đưa được người đi lao động.
Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an xác định, để làm giả giấy chứng nhận trình độ năng lực thợ hàn, Hanh đã nhờ Linh, khi đó đang là Phó Trưởng phòng hành chính Công ty CP Lilama 18 “giúp” đóng dấu của Công ty CP Lilama 18 vào giấy chứng nhận trình độ năng lực thợ hàn với chi phí từ 500 đến 700 nghìn đồng/chứng nhận. Linh đồng ý gửi lo go của Công ty CP Lilama 18 cho Hanh để ghép vào phôi giấy chứng nhận. Đối tượng Hanh sau đó lại nhờ Dũng hoàn thiện phôi, mẫu giấy chứng nhận thợ hàn dựa trên thông tin của người lao động do Hanh cung cấp… Hoàn thiện xong, Dũng chuyển lại cho Hanh. Hanh gửi cho Linh dùng dấu của Công ty CP Lilama 18 đóng khống vào phần giám đốc…
Bằng thủ đoạn trên các đối tượng đã làm giả 67 giấy chứng nhận năng lực thợ hàn của Công ty CP Lilama 18; số giấy chứng nhận năng lực thợ hàn này đều được các đối tượng điền lùi ngày cấp vào các năm 2017, 2018, 2019 và 2020.
Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an xác định, Hanh đã hưởng lợi bất chính hơn 80 triệu đồng; Linh là 35 triệu đồng; Dũng được nhận 6,7 triệu đồng; đối tượng Huỳnh hưởng lợi bất chính hơn 60 triệu đồng và Yến là 25 triệu đồng.
Quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an xác định, các đối tượng có hành vi làm giả sổ bảo hiểm xã hội. Cụ thể, sau khi Mạnh trao đổi về chương trình tuyển người đi lao động tay nghề thợ hàn cho Công ty Biz Korea, để đáp ứng yêu cầu phía Công ty Hàn Quốc là cần lao động có chứng chỉ tay nghề xác nhận kinh nghiệm, Huỳnh đã yêu cầu người lao động cung cấp sổ bảo hiểm xã hội, trong đó sẽ thể hiện xác nhận kinh nghiệm của người lao động làm việc tại các công ty điện, hàn, ... qua việc đóng bảo hiểm xã hội.
Người lao động không có sổ bảo hiểm xã hội, Huỳnh thoả thuận làm giả cho họ với chi phí là 12,5 triệu đồng và được người lao động đồng ý. Sau đó, Huỳnh nhờ Yến làm giúp sổ bảo hiểm xã hội để xác nhận kinh nghiệm 5 năm làm việc cho người lao động. Yến đã liên hệ với người phụ nữ tên “Linh” (Yến quen từ năm 2019 qua chuyến đi Hàn Quốc, không xác định được nhân thân, lai lịch) để đặt vấn đề làm 5 sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động…
Huỳnh đã làm khống cho 5 lao động, xác nhận thời gian lao động tại Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Tùng Lâm và Công ty TNHH xây dựng và thương mại Tân Nam Hà Nội…
Mở rộng đấu tranh, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an còn điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Hùng. Cụ thể, vào khoảng cuối tháng 5/2023, sau khi bị triệu tập làm việc, Yến vô cùng lo lắng. “Có bệnh thì vái tứ phương”, đối tượng đã kể lại sự việc với Nguyễn Văn Thái (trú tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương). Qua Thái, Hùng biết sự việc trên. Vào thời điểm này, Hùng không có việc làm, lại nợ nần chồng chất nên đối tượng đã nhanh chóng nắm bắt ngay cơ hội này. Hùng “nổ” rằng anh ta có quan hệ với nhiều cán bộ ở Bộ Công an, sẽ đứng ra “xử lý” việc cho Yến. Yến sau đó đã chủ động liên lạc với Hùng… Đánh vào tâm lý của người bị hại, đối tượng yêu cầu Yến phải chuyển qua tài khoản nhiều lần với số tiền 535 triệu đồng để “chạy án” giúp Yến để không bị xử lý hình sự.
Từ vụ án trên, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị người dân khi có nhu cầu đi xuất khẩu lao động phải tìm hiểu kỹ thông tin; các công ty hoạt động có uy tín và kinh nghiệm để tránh việc “tiền mất, tật mang”.
Theo Cand
Liên kết website
Ý kiến ()