Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 00:33 (GMT +7)
Để PCI thực sự bền vững
Thứ 4, 25/05/2022 | 16:16:59 [GMT +7] A A
Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 được công bố ngày 27/4 đã khẳng định vị thế của Quảng Ninh khi tiếp tục xếp thứ nhất toàn quốc. Việc Quảng Ninh duy trì vị trí dẫn đầu chỉ số PCI 5 năm liên tiếp đã phản ánh được niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp dành cho tỉnh trong công tác chỉ đạo điều hành, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và chính sách thuận lợi hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế điểm số và xếp hạng cũng cho thấy vẫn còn nhiều “dư địa” để cải cách, còn “điểm nghẽn” cần tháo gỡ để PCI thực sự bền vững.
PCI là chỉ số đo lường chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trên 10 lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Qua 17 năm thực hiện, PCI không chỉ là “tiếng nói” quan trọng của các doanh nghiệp tư nhân về môi trường kinh doanh tại địa phương, mà còn là biểu tượng về sự cầu thị, lắng nghe, đổi mới của hệ thống chính quyền; động lực đẩy nhanh quá trình cải cách, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh của nhiều tỉnh, thành phố.
Ý thức được tầm quan trọng đó, tỉnh Quảng Ninh luôn nỗ lực để nâng cao chỉ số PCI thông qua việc chủ động, quyết liệt và đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, tạo sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị trong nỗ lực xây dựng chính quyền kiến tạo; gắn công tác cải cách hành chính với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, xây dựng văn hóa đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp thông qua việc chủ động lắng nghe, tạo không gian mở và thân thiện, gần gũi giữa chính quyền các cấp, các sở, ngành với nhà đầu tư, doanh nghiệp... Với nhiều giải pháp, cùng sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp của tỉnh, Quảng Ninh đã gặt hái được thành công.
Theo kết quả xếp hạng chỉ số PCI năm 2021, điểm tổng hợp PCI của Quảng Ninh là 73,02 điểm, giữ vững xếp hạng ở vị trí thứ nhất trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Quảng Ninh duy trì 5 năm liên tiếp xếp thứ nhất và 9 năm liên tiếp trong tốp 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước; là tỉnh duy nhất được VCCI xếp hạng có chất lượng điều hành kinh tế “rất tốt” năm 2021.
Phân tích kết quả đạt được cho thấy, năm 2021 dù phải đối mặt với tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI. Trong 10 chỉ số thành phần PCI 2021 của tỉnh, có 5/10 chỉ số tăng điểm so với năm 2020, gồm: Chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, tính năng động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; 6/10 chỉ số tăng hạng, gồm: Chỉ số chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
So sánh với mục tiêu đã đặt ra năm 2021, tỉnh Quảng Ninh có 4/10 chỉ số đạt mục tiêu về điểm số, gồm: Tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, tính năng động, thiết chế pháp lý, an ninh trật tự và 5/10 chỉ số đạt mục tiêu về thứ hạng, gồm: Chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Còn so sánh trong 5 năm liên tiếp (2017-2021), tỉnh Quảng Ninh có 5 chỉ số: Chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự duy trì trong top 10 PCI của 3 năm liên tiếp (2019-2021). Trong đó, riêng chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự có sự cải thiện mạnh mẽ từ vị trí gần cuối bảng xếp hạng (giai đoạn 2015-2018) đã tiến lên top 5 (năm 2021).
Dù tiếp tục duy trì thứ hạng số 1, song tổng điểm PCI giảm so với năm 2020 (giảm 2,7 điểm). Điểm số và thứ hạng các chỉ số thành phần PCI của tỉnh vẫn chưa thực sự bền vững. Năm 2021, Quảng Ninh có 5/10 chỉ số giảm điểm là: Tính minh bạch, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động. Về xếp hạng, có 4/10 chỉ số giảm hạng: Tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động.
Theo các chuyên gia, từ số liệu PCI 2021 cho thấy, việc giảm điểm tuy có tác động khách quan của đại dịch Covid-19, nhưng cũng cho thấy nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ; nhiều dư địa trên các lĩnh vực vẫn còn khá lớn và cần được khai thác để cải cách thực sự triệt để. Bên cạnh đó, sự quyết liệt vươn lên của các địa phương trên “đường đua” PCI đặt ra yêu cầu lớn cho các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần có những nỗ lực mới và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn để giữ vững thứ hạng và cải thiện, nâng cao điểm số PCI của tỉnh.
Với quan điểm “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc”, Quảng Ninh xác định nhiệm vụ tiếp tục giữ vững vị trí nhóm dẫn đầu đối với các chỉ số cải cách, nhất là chỉ số PCI. Mục tiêu cao nhất không chỉ là giành điểm số, vị trí cao, mà quan trọng nhất là hướng đến xây dựng hình ảnh địa phương đi đầu đổi mới sáng tạo, xây dựng văn hóa cam kết, văn hóa đồng hành, văn hóa thực thi của chính quyền địa phương. Từ đó, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư - kinh doanh, xây dựng và phát triển doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, bền vững.
Tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu này, ngày 25/5, Quảng Ninh tổ chức hội nghị phân tích, đánh giá PCI năm 2021 với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong nước. Tại hội nghị, Quảng Ninh sẽ nhìn thẳng vào những hạn chế, tập trung “mổ xẻ” nguyên nhân khiến điểm số và thứ hạng các chỉ số thành phần PCI của tỉnh giảm điểm để đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, góp phần nâng điểm các chỉ số thành phần và giữ vững thứ hạng PCI.
Với nỗ lực lớn, quyết tâm cao, không ngủ quên trên chiến thắng, tin tưởng rằng Quảng Ninh sẽ tiếp tục là “ngôi sao cải cách”, “ngôi sao sáng” về môi trường đầu tư, giữ vững một tinh thần đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()