Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 06:31 (GMT +7)
Nâng sức cạnh tranh cho ngành logistics
Thứ 5, 19/05/2022 | 10:12:16 [GMT +7] A A
Quảng Ninh được ví như một Việt Nam thu nhỏ, có đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển, trở thành một trung tâm logistics mang tầm quốc tế ở phía Bắc của Việt Nam. Để tận dụng lợi thế này, thời gian qua, Quảng Ninh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, phát triển ngành logistics lên tầm cao mới.
So với các địa phương ven biển khác, Quảng Ninh có những lợi thế riêng biệt, nổi trội khi sở hữu 250km đường biển, gần 800km đường thủy nội địa, nhiều cảng nước sâu thuộc nhóm cảng loại I và là cửa ngõ đường biển của khu vực, nằm trên các tuyến vận tải biển quốc tế.
Cảng biển Quảng Ninh đang đảm nhận trên 40% tổng lượng hàng hóa, hành khách khu vực phía Bắc, chủ yếu là than, xăng dầu, hàng rời phục vụ nông nghiệp, vật liệu xây dựng, xuất nhập khẩu hàng hoá, thiết bị, máy móc công nghiệp phụ trợ… Giai đoạn 2019-2021, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt trên 104 triệu tấn/năm; tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua khối cảng biển đạt 22,4 tỷ USD; lưu lượng hành khách vận tải biển đạt gần 112.000 lượt khách; tổng doanh thu dịch vụ cảng biển đạt gần 7.500 tỷ đồng (tăng 16,6%/năm); tổng thu ngân sách nhà nước qua khu vực cảng biển bình quân 10.000 tỷ đồng/năm.
Dù sở hữu nhiều lợi thế, song việc phát triển cảng biển Quảng Ninh vẫn chưa được như kỳ vọng, bởi Quảng Ninh đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ tỉnh công nghiệp - dịch vụ sang tỉnh dịch vụ - công nghiệp, tức là dịch vụ sẽ chiếm tỷ trọng cao nhất, chú trọng phát triển logistics. Đây là một xu thế phù hợp, bởi xu thế hiện nay bên cạnh hoạt động sản xuất, dịch vụ là một lĩnh vực phát triển rất nhanh. Khi xác định được logistics là dịch vụ quan trọng, cần quan tâm đầu tư, hỗ trợ nâng cao hiệu quả, mở rộng các hoạt động để phát huy hiệu quả tối đa tiềm năng logistics. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics đạt từ 18-20% vào ngành dịch vụ của tỉnh, đạt từ 8-10% GRDP của tỉnh.
Hiện thực hoá những mục tiêu đặt ra, hiện Quảng Ninh đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung vào việc đầu tư cải thiện mạnh mẽ cơ sở hạ tầng. Theo đó, tỉnh dự kiến phân bổ nguồn vốn đầu tư công sử dụng ngân sách trong giai đoạn 2021-2025 gần 58.700 tỷ đồng, riêng năm 2021 là gần 11.700 tỷ đồng. Trong đó, sẽ ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông có tính liên kết cao, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển để tạo ra trung tâm kết nối dịch vụ, giao thông quốc tế, nhằm tạo bàn đạp thu hút đầu tư ngoài nhà nước để hoàn thiện hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển tại một số khu vực trọng tâm có nhiều tiềm năng như: Con Ong - Hòn Nét, Hải Hà, Vạn Ninh, Nam Tiền Phong...
Với mục tiêu đưa dịch vụ logistics của tỉnh tiến tới hiện đại hóa, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tỉnh cũng triển khai nhiệm vụ nghiên cứu để kêu gọi doanh nghiệp tham gia phát triển thêm 3-5 dịch vụ cảng biển mới; 2-3 doanh nghiệp cung ứng tàu biển; 1-2 doanh nghiệp lớn đầu tư kinh doanh dịch vụ đại lý hàng hải; 2-3 hãng tàu biển quốc tế tham gia khai thác tuyến vận tải đi và đến Quảng Ninh; phát triển tối thiểu 3-5 doanh nghiệp vận tải, logistics, 1-2 doanh nghiệp lớn đầu tư dịch vụ vận tải hàng hóa đường thủy nội địa… Đồng thời, tỉnh cũng đang xem xét thí điểm, cho phép các tàu biển có trọng tải lớn chở than nhập khẩu về chuyển tải tại khu neo đậu Hòn Miều (TP Hạ Long) để các hãng tàu biển phát triển tuyến, chuyển hàng trực tiếp đến cảng biển Quảng Ninh. Từ đó có thể thu toàn bộ thuế nhập khẩu mặt hàng than và một số mặt hàng khác vào ngân sách tỉnh.
Ngoài các giải pháp trên, Quảng Ninh luôn chú trọng đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN, thực hiện hải quan điện tử, thủ tục và quản lý hải quan tập trung tại cửa khẩu nhằm hỗ trợ hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu.
Đơn cử, tại cảng Cái Lân - cảng biển nước sâu có lợi thế nhất của tỉnh Quảng Ninh, nơi đây đã có 2 công ty chuyên hoạt động kinh doanh cảng là Công ty TNHH Cảng container Quốc tế Cái Lân (CICT) và Công ty CP Cảng Quảng Ninh. Đại diện của CICT cho biết, cảng đã thực hiện đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, cải tiến quy trình, nâng cao năng lực xếp dỡ hàng hóa, hoạt động được quản lý trên phần mềm và được giám sát chặt chẽ qua hệ thống camera. CICT cũng đã đầu tư nhà kho chứa hàng rời rộng 8.000m2 đáp ứng nhu cầu lưu kho, lưu bãi của khách hàng. Hiện tại, năng lực cảng biển của CICT có khả năng đón nhận tàu container lên đến 6.000 TEU, tàu hàng rời lên đến 85.000 DWT giảm tải.
Ông Koen Soenens, Giám đốc Kinh doanh và Marketing Khu Công nghiệp Deep C (TX Quảng Yên), nhận định: Với những lợi thế sẵn có về giao thông đường bộ, sân bay quốc tế và hệ thống cảng biển lớn, Quảng Ninh có rất nhiều cơ hội để phát triển kinh tế cảng biển một cách đột phá. Nếu tỉnh sớm có hạ tầng cảng biển và dịch vụ hậu cần đồng bộ sau cảng, chắc chắn sẽ tác động tích cực lên tốc độ, quy mô vận chuyển hàng hoá. Nhất là trong bối cảnh Quảng Ninh đang thu hút được nhiều nhà đầu tư thứ cấp vào các KCN, KKT.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()