Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 07:25 (GMT +7)
Đề phòng bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn
Thứ 5, 10/10/2024 | 06:36:55 [GMT +7] A A
Vi khuẩn là tác nhân gây bệnh phổ biến, có thể lây lan nhanh chóng từ người sang người, từ động vật sang người và thông qua thực phẩm, nước uống, môi trường sống. Những tác động của thời điểm giao mùa cùng với ảnh hưởng của bão lũ đã khiến bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn trở thành một mối lo ngại cho sức khỏe cộng đồng.
Thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm nguồn nước sau bão lũ, cộng với thời điểm giao mùa đã gia tăng nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm phổ biến do vi khuẩn gây ra, như tiêu chảy, tả, thương hàn, nhiễm trùng da, vết thương, nhiễm trùng đường hô hấp, đau mắt…
Theo số liệu tổng hợp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ ngày 1 đến hết 30/9/2024, tại Khoa Bệnh nhiệt đới đã ghi nhận sự gia tăng số ca mắc các bệnh do vi khuẩn. Cụ thể, nhiễm khuẩn tiết niệu 10 ca, nhiễm khuẩn huyết 33 ca, Whitmore 1 ca, ngoài ra còn có viêm mô bào các vị trí, nhiễm trùng đường ruột trên 10 ca.
Trong đó, tiêu chảy cấp là một trong những bệnh phổ biến được gây ra bởi vi khuẩn như Escherichia coli (E.coli), Salmonella và Shigella. Nước uống, thực phẩm bị nhiễm khuẩn là nguyên nhân chính gây ra các đợt bùng phát tiêu chảy trong cộng đồng.
Ngoài ra, việc tiếp xúc với nước bẩn, hoặc các mảnh vỡ, vật liệu ô nhiễm có thể dẫn đến nhiễm trùng da và vết thương hở. Vi khuẩn Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa thường gây ra các nhiễm trùng da, làm vết thương chậm lành và thậm chí dẫn đến hoại tử.
Bác sĩ CKII Lương Xuân Kiên, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), cho biết: Trong môi trường có vô số vi sinh vật, rác bẩn, chất thải… theo dòng nước và không khí, vi khuẩn có thể tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm nguồn nước, nguồn thực phẩm, làm gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh, nhiễm trong cộng đồng. Vi khuẩn có thể gây bệnh qua đường hô hấp, hoặc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, đặc biệt là những loại vi khuẩn tồn tại trong môi trường bùn đất bẩn, nguy cơ lây nhiễm càng cao với những người có vết trầy xước trên da. Khi nhiễm vi khuẩn, người bệnh có diễn biến cấp tính với các biểu hiện sốt cao, nhiễm trùng mô, tiết niệu, tiêu hóa, nhiễm trùng huyết… Đối với những người có bệnh lý nền, mạn tính, nếu không điều trị kịp thời, tích cực, sẽ dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Để chủ động phòng, chống bệnh truyền nhiễm, đặc biệt những tác động xấu của môi trường, các bác sĩ khuyến cáo, mọi người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế; thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống, sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế; sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt.
Lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và uống nước đun sôi; thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; vệ sinh cá nhân hằng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn; diệt loăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô, các hốc nước tự nhiên... để không cho muỗi đẻ trứng; mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị, không tự ý mua thuốc về uống.
Mỗi người dân cần có ý thức cao về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và tuân thủ các biện pháp phòng bệnh do cơ quan y tế khuyến cáo. Đồng thời, tiêm chủng và sử dụng thuốc kháng sinh hợp lý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và kiểm soát sự lây lan của các bệnh do vi khuẩn.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()