Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:05 (GMT +7)
Đa dạng các hoạt động truyền thông dân số
Thứ 6, 24/11/2023 | 14:06:31 [GMT +7] A A
Xác định công tác truyền thông có vai trò quan trọng, Chi cục DS-KHHGĐ (Sở Y tế) chú trọng đổi mới công tác truyền thông phù hợp với từng vùng, miền, nhóm đối tượng, bằng nhiều hình thức.
Công tác truyền thông được Chi cục DS-KHHGĐ tiếp tục thực hiện theo phương châm “Mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con”, nhưng tùy theo địa bàn, đối tượng mà có sự thay đổi trong vận động (vận động sinh ít con ở vùng có mức sinh cao; vận động sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh).
Chi cục đổi mới nội dung công tác truyền thông; nhân rộng các mô hình truyền thông hiệu quả, phù hợp với tình hình mới; tập trung tuyên truyền về quy mô, cơ cấu phân bố và chất lượng dân số; duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh... Các hoạt động tuyên truyền hướng vào từng nhóm đối tượng: Đối tượng truyền thông chuyển đổi hành vi gồm phụ nữ, nam giới và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, bà mẹ mang thai, bà mẹ mới sinh, vị thành niên và thanh niên, người cao tuổi; đối tượng huy động từ cộng đồng là những người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ, gia đình...; ưu tiên truyền thông tại vùng có mức sinh cao, vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao, vùng có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao.
Để nâng cao chất lượng dân số, đội ngũ cộng tác viên tập trung tuyên truyền những nội dung về sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên, thanh niên; giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh... Hình thức tuyên truyền được thực hiện phong phú, dễ hiểu, phù hợp với nhiều nhóm đối tượng; đẩy mạnh tư vấn đối thoại trực tiếp, giúp người dân được giải đáp trực tiếp những thắc mắc của mình về những chính sách dân số trong tình hình mới…
Chị Chìu Kim Kiều, cán bộ dân số xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà), cho biết: Chúng tôi phối hợp với hội phụ nữ, đoàn thanh niên đến tuyên truyền cho bà con, nhất là đồng bào DTTS; tuyên truyền phải dễ hiểu, dễ nghe để bà con thay đổi nhận thức. Từ đó người dân chủ động thực hiện các biện pháp KHHGĐ, giáo dục con cái tốt, xây dựng gia đình ngày càng tiến bộ, hạnh phúc, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Những năm gần đây, Hội KHHGĐ tỉnh thực hiện tốt hoạt động truyền thông, tư vấn, chăm sóc SKSS tại các xã vùng cao trên địa bàn tỉnh. Trưởng phòng Truyền thông (Hội KHHGĐ tỉnh) Phạm Thị Thu cho biết: Tại các buổi truyền thông, người dân được nghe bác sĩ truyền đạt các nội dung về chăm sóc SKSS, KHHGĐ. Các thông tin về dân số, những hệ lụy về mất cân bằng giới tính, lợi ích sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn SKSS, cách phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản; hướng dẫn sử dụng các biện pháp tránh thai đều được Hội tư vấn đến người dân một cách dễ hiểu. Bên cạnh đó, Hội triển khai khám phát hiện các bệnh lý về SKSS, cấp thuốc điều trị tại chỗ miễn phí, cung cấp các phương tiện tránh thai hiện đại. Nhờ hiệu quả công tác truyền thông, tỷ lệ sinh con thứ 3 của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS đã giảm đáng kể, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã biết sử dụng các phương tiện tránh thai phù hợp.
Với nhiều giải pháp hiệu quả, tỷ số giới tính khi sinh đạt 111,12 bé trai/100 bé gái. Quảng Ninh thuộc vùng mức sinh thay thế. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh đạt 49,6%; tỷ lệ trẻ em được tầm soát ít nhất 5 loại bệnh tật bẩm sinh đạt 53,1%...
Thời gian tới Chi cục DS-KHHGĐ tiếp tục đổi mới, nâng cao nội dung, hình thức các hoạt động tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân số và phát triển, nhằm đạt mục tiêu giảm sinh, nâng cao chất lượng dân số, hạn chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh. Qua đó đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc SKSS, duy trì mức sinh hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về quy mô, cơ cấu dân số trên địa bàn tỉnh.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()