Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 09:19 (GMT +7)
Thu hút FDI: Nỗ lực chinh phục đỉnh cao mới
Thứ 4, 20/12/2023 | 07:00:32 [GMT +7] A A
Với trên 3,13 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được thu hút trong năm 2023, Quảng Ninh đã ghi dấu ấn đậm nét khi thần tốc vươn lên giữ vị trí dẫn đầu toàn quốc về thu hút FDI, vượt qua những “đầu tàu” như: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng. Đây là kết quả xứng đáng, phản ánh đúng sự cố gắng, nỗ lực của của tỉnh trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kêu gọi và xúc tiến đầu tư trong thời gian qua. Không sớm tự thỏa mãn với thành tựu đã đạt được, tỉnh tiếp tục kiên định chiến lược xúc tiến đầu tư FDI có trọng tâm, trọng điểm.
Những con số “biết nói”
Tính đến hết tháng 11/2023, theo số liệu công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn FDI trên địa bàn tỉnh đạt trên 3,13 tỷ USD, bằng 313% chỉ tiêu Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh, bằng 261% kế hoạch năm 2023 UBND tỉnh đặt ra và bằng 127,8% cùng kỳ năm 2022. Quảng Ninh đang là địa phương dẫn đầu trong các tỉnh, thành phố trên cả nước về thu hút FDI năm 2023. Đây cũng là con số kỷ lục về thu hút FDI của Quảng Ninh từ trước tới nay. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thực hiện cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 25 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 3,13 tỷ USD; điều chỉnh tăng vốn 3 dự án với số vốn tăng thêm 28,86 triệu USD. Đáng chú ý, các dự án FDI được thu hút vào địa bàn tỉnh ngày càng có chất lượng cao, tập trung vào những ngành nghề tỉnh hết sức quan tâm, chú trọng. Riêng trong quý IV/2023, tỉnh thu hút được 2 dự án FDI có quy mô vốn đầu tư trên 500 triệu USD là dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam với vốn đăng ký hơn 1,5 tỷ USD và dự án Nhà máy Lite-on Quảng Ninh (690 triệu USD).
Tính từ năm 1990 khi Quảng Ninh chính thức thu hút dự án FDI đầu tiên, đến nay trên địa bàn tỉnh có 169 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt xấp xỉ 11,66 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang đầu tư vào 16 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu cả về số dự án và vốn đầu tư đăng ký (chiếm 42,4% tổng vốn FDI), tiếp theo là ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước (chiếm 36% tổng vốn FDI).
Không chỉ khởi sắc về số vốn đăng ký đầu tư, các dự án FDI cũng dần đi vào hoạt động ổn định, bắt đầu có những đóng góp tích phát triển KT-XH của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Đến hết quý III/2023, các dự án FDI trên địa bàn tỉnh ước giải ngân khoảng gần 700 triệu USD; tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các dự án FDI đạt khoảng gần 3,4 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt gần 4 tỷ USD. Khu vực FDI đã đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 76 triệu USD, tương đương gần 2.000 tỷ đồng và hiện đang góp phần giải quyết việc làm cho khoảng gần 43.000 lao động.
Những con số trên đã phần nào thể hiện sự thành công của một hành trình dài Quảng Ninh không ngừng nỗ lực với những đổi mới, sáng tạo, thay đổi từ tư duy, nhận thức cho tới hành động trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo dựng niềm tin vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, kiến tạo chính quyền phục vụ. Việc thu hút nguồn vốn FDI với các dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, tạo ra giá trị mới không chỉ góp phần vào kết quả tăng trưởng kinh tế của tỉnh, mà còn khẳng định sự đúng đắn trong định hướng chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm phát triển năng động, toàn diện, hiện đại.
Để trở thành "thủ phủ" mới của dòng vốn ngoại
Để có được hành trình vươn lên ngoạn mục, địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI, trước hết do tỉnh nhận định chính xác từ sớm, từ xa tình hình chung, xác định đúng và trúng định hướng công việc trọng tâm của năm 2023 khi lựa chọn một trong hai phần chính của chủ đề công tác năm là “nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư”. Tỉnh đã có hàng loạt các giải pháp sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, tỉnh quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục pháp lý, đầu tư xây dựng và hoạt động sản xuất kinh doanh đặc biệt được quan tâm, chú trọng.
Cùng với đó, tận dụng lợi thế là địa phương đầu tiên thuộc vùng đồng bằng sông Hồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt triển khai các giải pháp để thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn đầu tư FDI, trong đó trước hết là việc khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng KCN, KKT hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất sạch để sẵn sàng thu hút các dự án FDI chất lượng. Tuy nhiên, để sức hút này chuyển thành “đẳng cấp” thực sự mang tính bền vững, Quảng Ninh vẫn còn nhiều việc phải làm.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đang có 169 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh. Xét về đối tác đầu tư, các đối tác truyền thống của thị trường Việt Nam vẫn đang chiếm phần lớn số dự án và số vốn. Trong đó, các nhà đầu tư tới từ Hồng Kông vẫn là đối tác dẫn đầu với hơn 1,5 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng vốn FDI thu hút; tiếp theo là Đài Loan với 925 triệu USD, chiếm gần 30%, Singapore với hơn 286 triệu USD, chiếm 9,2%. Cùng với đó là một số nhà đầu tư tới từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, UAE, Indonesia, Thái Lan... Năm 2023 là năm đầu tiên Quảng Ninh đón nhận dòng vốn đầu tư tới từ châu Âu với dự án của Công ty TNHH Autoliv Việt Nam (nhà đầu tư Thụy Điển) có tổng mức đầu tư 154 triệu USD đầu tư vào KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên). Phần lớn các dự án đầu tư mới có tổng vốn lớn trong năm nay đều là từ các doanh nghiệp đã có dự án đầu tư sản xuất - kinh doanh trên địa bàn. Tuy nhiên, số dự án đến từ các thị trường mới chưa nhiều như kỳ vọng, chứng tỏ tỉnh vẫn chưa đạt được hiệu quả tối đa trong công tác xúc tiến đầu tư. Trong thời gian tới, bên cạnh việc theo sát các nhà đầu tư truyền thống, việc Quảng Ninh chú trọng hơn nữa là tiếp cận các thị trường mới, mở rộng, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư.
Định hướng hiện tại, Quảng Ninh ưu tiên thu hút đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, có tiềm năng khác biệt, tạo giá trị gia tăng lớn. Trong đó, ưu tiên cho khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghệ cao, công nghệ thông minh và du lịch, dịch vụ tổng hợp hiện đại... Tuy nhiên, trong năm 2023, chỉ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chứng kiến sự khởi sắc với 22 dự án, chiếm 99,2% tổng vốn đầu tư.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long (chủ đầu tư KCN Sông Khoai), cho rằng: Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng và nhà đầu tư trong khâu xúc tiến và thực hiện nghiên cứu đầu tư, Quảng Ninh cần nhanh chóng ban hành danh mục ngành nghề, dự án ưu tiên, hạn chế thu hút đầu tư cụ thể hơn. Cùng với đó, tỉnh cần ban hành bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư của dự án để nhà đầu tư hạ tầng có định hướng rõ từ đầu khi tiếp cận đối tác, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư. Tỉnh cũng cần có những chính sách ưu đãi cụ thể, đi cùng với những điều kiện để được hưởng ưu đãi. Những điều này sẽ giúp công tác xúc tiến đầu tư của Quảng Ninh cũng như các doanh nghiệp hạ tầng có được hiệu quả cao nhất.
Vấn đề thứ hai mà nhiều nhà đầu tư quan tâm là việc đảm bảo nguồn nhân lực nhất là lao động chất lượng cao tại Quảng Ninh. Theo dự báo, giai đoạn tiếp theo từ 2024-2025, nhu cầu nhân lực của Quảng Ninh tiếp tục tăng mạnh, dự báo trên 28.000 người; giai đoạn 2026-2030 cần tuyển thêm khoảng 76.000 lao động (tương ứng mỗi năm cần thêm gần 14.900 lao động để đáp ứng nhu cầu nhân lực). Trong đó, dự kiến trình độ đại học trở lên là 6.200 người, cao đẳng là 4.600 người, trung cấp là 3.700 người, sơ cấp là 3.000 người, đào tạo nghề nghiệp thường xuyên là 3.900 người và lao động phổ thông là 82.600 người. Cùng với sự tăng nhanh của nguồn vốn đầu tư vào tỉnh cho thấy thách thức rất lớn trong việc cung cấp lực lượng lao động cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã, đang và sẽ lựa chọn Quảng Ninh là địa điểm xây dựng và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chia sẻ và gợi mở cho Quảng Ninh về vấn đề này, ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc Tổ hợp khu công nghiệp DEEP C, cho rằng: Quảng Ninh không nên coi nguồn lao động giá rẻ là lợi thế thu hút đầu tư mà phải chú trọng đến nguồn lao động chất lượng cao, được đào tạo bài bản, đáp ứng các tiêu chuẩn cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu. Để làm được điều đó, cần có sự chung tay của ba “nhà” (nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp) để gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng lao động. Nhà trường cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục phổ thông, đào tạo nghề và ngoại ngữ. Doanh nghiệp cần chung tay bằng các chính sách đãi ngộ, đào tạo và phát triển kỹ năng nhằm thu hút lao động cho các KCN, KKT. Nhà nước chú trọng an sinh như xây dựng nhà ở, bệnh viện, nhà trẻ để thu hút và giữ chân công nhân sinh sống, làm việc lâu dài...
Trong giai đoạn mới, tín hiệu về “làn sóng” FDI đổ vào Quảng Ninh vẫn rất mạnh mẽ. Theo các chuyên gia kinh tế, tiềm năng thu hút FDI của Quảng Ninh còn rất lớn khi địa phương được quy hoạch nhiều KCN, KKT nhất miền Bắc. Tỉnh cũng còn dư địa lớn về nguồn đất, điển hình là KKT ven biển Quảng Yên, một điểm sáng thu hút đầu tư của tỉnh, hiện vẫn còn trên 9.700ha quỹ đất sạch. Đón nhận tín hiệu này, tỉnh đang nỗ lực tận dụng lợi thế, phát huy tiềm năng và đặc biệt là sẽ quyết tâm giải quyết tận gốc những vấn đề còn tồn tại để có thể thực sự trở thành một “thủ phủ” mới của dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Song Hà
Liên kết website
Ý kiến ()