Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 04/11/2024 19:05 (GMT +7)
Hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư nước ngoài
Thứ 5, 24/10/2024 | 13:33:30 [GMT +7] A A
Thời gian qua Quảng Ninh có nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó tỉnh quan tâm hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư. Đến nay, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn có công nghệ hiện đại đầu tư vào tỉnh với quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Triển khai Nghị quyết số 50-NQ/TW (ngày 20/8/2019) của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch thực hiện với những mục tiêu cụ thể: Vốn đăng ký giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 2,5-3 tỷ USD, giai đoạn 2026-2030 đạt khoảng 3-4,5 tỷ USD; vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 1,5-2 tỷ USD, giai đoạn 2026-2030 khoảng 2-3 tỷ USD. Đến năm 2025, tỷ lệ các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng trên 50% và đạt 100% vào năm 2030; tỷ trọng lao động qua đào tạo năm 2025 đạt trên 87,5%, đến năm 2030 đạt trên 90%.
Để hoàn thiện mục tiêu này, việc xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn trong tỉnh được quan tâm triển khai. Trong đó, tỉnh xác định quy hoạch và định hướng phát triển KT-XH có vai trò nền tảng trong việc định hướng thu hút đầu tư.
Yếu tố thuận lợi là Quảng Ninh trở thành địa phương đầu tiên trong Vùng đồng bằng sông Hồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh tại Quyết định số 1279/QĐ-TTg (ngày 1/11/2023). Quy hoạch tỉnh được phê duyệt đã đảm bảo phù hợp với thực tế của địa phương trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, hạ tầng, nguồn nhân lực và các điều kiện thực tế là nền tảng quan trọng thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài vào địa bàn tỉnh.
Trong chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài, tỉnh quan tâm thu hút đầu tư theo hướng có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tập trung vào các lĩnh vực: Du lịch, dịch vụ, bảo vệ môi trường; các ngành công nghiệp sản xuất có giá trị gia tăng cao (cơ khí chế tạo ô tô, xe máy, máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp, đóng tàu...), công nghiệp điện, điện tử, vật liệu mới; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng nông nghiệp hữu cơ, bền vững, nhằm tận dụng cơ hội ứng dụng, chuyển giao KHCN vào địa bàn. Đặc biệt, tỉnh cương quyết không thu hút đầu tư các dự án có nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu, đồng thời phải gắn chặt với đảm bảo QP-AN, an ninh kinh tế, bảo vệ và tiết kiệm tài nguyên, môi trường.
Hiện nay việc đánh giá, sàng lọc các dự án FDI, lựa chọn nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh chủ yếu được thực hiện dựa trên khuôn khổ pháp lý như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và những quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật đối với từng ngành, lĩnh vực, quy hoạch tỉnh, định hướng phát triển KT-XH của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng nghiên cứu, tham khảo Bộ tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc đã được Bộ KH&ĐT xây dựng, gồm 7 tiêu chí: Lao động, công nghệ, chuyển giao công nghệ, tính liên kết và tác động lan tỏa, môi trường, QP-AN và suất đầu tư. Đây cũng là cơ sở để các cơ quan đăng ký đầu tư đối chiếu, áp dụng trong quá trình thẩm định những dự án FDI đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và định hướng phát triển KT-XH của quốc gia, của tỉnh.
Cùng với đó, Quảng Ninh quan tâm hoàn thiện thể chế, chính sách cho các KCN, KKT có vai trò quan trọng để đạt được mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh. Đến nay, trên địa bàn Quảng Ninh có 5 KKT với tổng diện tích 375.171ha, bao gồm 3 KKT cửa khẩu và 2 KKT ven biển. Với việc quy hoạch mới 8 KCN, đến năm 2030 toàn tỉnh sẽ có 23 KCN với tổng diện tích khoảng 18.842ha. Trong đó, quy hoạch tỉnh xác định cụ thể định hướng ngành, nghề ưu tiên phát triển, thu hút đầu tư đối với từng KCN, nhằm thu hút đầu tư thông qua tạo điều kiện thuận lợi về vận tải, lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistics.
Các KCN của Quảng Ninh được quy hoạch tập trung chủ yếu tại các địa phương: Quảng Yên, Hải Hà, Hạ Long, Móng Cái. Đây là những khu vực tập trung nhiều đầu mối giao thông, hạ tầng sẵn có như cao tốc Hạ Long - Hà Nội, các cảng Cái Lân, Tiền Phong, Hải Hà, cửa khẩu Móng Cái. Đặc biệt, với vị trí nằm sát tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, kết nối với Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á, gắn với Cảng container quốc tế Tân Cảng (HICT) của Hải Phòng, KKT ven biển Quảng Yên được xác định là địa bàn thu hút các dự án FDI chế biến, chế tạo công nghệ cao, có quy mô vốn đầu tư lớn.
Hiện tỉnh đang triển khai xây dựng một số đề án về cơ chế, chính sách cho KCN, KKT. Theo định hướng phát triển KCN mới của địa phương, Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” (KCN - khu đô thị - khu dịch vụ) với kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng hiện đại để đáp ứng yêu cầu của dòng vốn FDI thế hệ mới...
Với sự quan tâm cải cách thể chế thu hút đầu tư nước ngoài, từ năm 2019 tới nay, Quảng Ninh làm việc với khoảng 130 lượt đoàn tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư tại tỉnh, trong đó có các tập đoàn kinh tế đa quốc gia, doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, như: Poxconn, Lite-on, Coremax, Boltun (Đài Loan), linko Solar (Hồng Kông), TCL, Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương, Xiamen Sunrise (Trung Quốc), Mitsubishi, Sojitz (Nhật Bản), Daewoo E&c, Samsung Engineering (Hàn Quốc), Autoliv (Thụy Điển), Maersk (Đan Mạch)...
Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu về vốn FDI đăng ký và vốn FDI thực hiện giai đoạn 2021-2025 đề ra. Từ năm 2021 đến hết tháng 6/2024, vốn FDI đăng ký đạt 8,43 tỷ USD, bằng 281% kế hoạch toàn giai đoạn; vốn FDI thực hiện đạt 2,69 tỷ USD, bằng 134,5% kế hoạch. Dự kiến đến hết năm 2025, vốn FDI đăng ký đạt khoảng 10 tỷ USD, bằng 333,3% kế hoạch; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 4,1 tỷ USD, bằng 205% kế hoạch.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()