Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 11/01/2025 23:02 (GMT +7)
Để “về đích” thành công
Thứ 3, 03/07/2012 | 05:54:58 [GMT +7] A A
Hiện nay, việc nắm bắt thông tin, kiến thức qua mạng Internet, sách báo để nâng cao tri thức, vận dụng phát triển kinh tế gia đình, giáo dục con cái… ngày càng trở thành nhu cầu bức thiết đối với người dân. Bởi vậy có thể nói dự án trang bị, lắp đặt hệ thống Internet và tủ sách cho các nhà văn hoá (NVH) hiện đang được Ban Xây dựng Nông thôn mới tỉnh xây dựng và triển khai đã đáp ứng trúng, kịp thời nhu cầu và xu hướng phát triển này. Dự án này còn có ý nghĩa quan trọng hơn trong điều kiện việc tiếp cận những phương tiện thông tin trên tại nhiều thôn bản vùng sâu, xa của tỉnh còn nhiều hạn chế.
Theo một khảo sát mới đây, hiện toàn tỉnh có 125 xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, song các máy tính được kết nối Internet phần nhiều đặt ở vùng trung tâm xã (chủ yếu đặt tại trụ sở xã); chỉ có 51 xã có Internet đến thôn, bản song cũng là tự phát (do hộ gia đình tự lắp đặt). Cũng do tính khả thi và ý nghĩa, tác động tích cực như vậy nên hiện nay dự án trang bị, lắp đặt hệ thống Internet và tủ sách cho NVH thôn đang được tích cực đẩy nhanh tiến độ. Hiện nay UBND tỉnh đã phê duyệt dự án. Theo đó sẽ trích ngân sách trên 10 tỷ đồng mua sắm 934 bộ máy vi tính và 330 thiết bị kết nối 3G với tổng trị giá trên 10 tỷ đồng. Viễn thông Quảng Ninh cũng đã cam kết cung cấp thiết bị và khả năng kết nối cho toàn bộ hệ thống máy vi tính kết nối băng thông rộng. Việc đầu tư các tủ sách, đầu sách cũng được đẩy mạnh theo hướng lồng ghép với một số chương trình đang triển khai và huy động xã hội hoá.
Có thể nói tính đến thời điểm này, dự án trang bị, lắp đặt hệ thống Internet và tủ sách cho các NVH thôn đang được triển khai thuận lợi, đúng tiến độ. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn và một số địa phương, trong quá trình triển khai thực tế tại các thôn bản không hẳn không có những khó khăn, bất cập.
Bổ túc môn học tiếng Anh tại phòng học của khu vui chơi giải trí Vũ Oai (Hoành Bồ). Ảnh: Đỗ Giang |
Khó khăn đầu tiên phải kể đến số NVH thôn bản hiện chưa có điện lưới và cũng chưa được phủ sóng điện thoại. Theo thống kê con số này là 34 NVH, chủ yếu nằm ở các huyện khó khăn của miền Đông như Ba Chẽ (25 NVH), Bình Liêu (5 NVH), Tiên Yên (4 NVH). Với các vùng này việc kết nối Internet là không thể thực hiện được bởi không kéo được đường truyền và cũng không có sóng để lắp đặt 3G. Như vậy trong 994 NVH thôn thuộc 125 xã nằm trong Chương trình nông thôn mới được tham gia dự án thì sẽ chỉ có 960 NVH được hưởng lợi. Anh Vi Văn Dũng, Phó Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Ba Chẽ cho biết: “Hiện rất nhiều thôn bản của Ba Chẽ nằm trong vùng lõm, không có sóng điện thoại. Bởi vậy mà trong dự án này những nơi đó sẽ bị thiệt thòi, có xã có tới quá nửa số thôn bản không được lắp đặt Internet như Thanh Lâm, Đồn Đạc, Lam Sơn, Thanh Sơn, Lương Mông… Như vậy cũng có nghĩa những vùng mà người dân thật sự rất cần Internet thì lại không thể đáp ứng được”.
TRANG BỊ HÊ THỐNG INTERNET VÀ THƯ VIÊN DÙNG CHUNG |
Bên cạnh khó khăn trên thì công tác quản lý, khai thác sử dụng hệ thống Internet tại các NVH thôn sau khi đầu tư cũng đang đặt ra những thách thức. Theo đề án, các hệ thống Internet tại NVH thôn sẽ được chuyển giao lại cho các đoàn thể địa phương, trong đó chủ yếu là đoàn thanh niên, lực lượng trẻ, năng động, sáng tạo, nắm bắt thông tin nhanh. Tuy nhiên, không phải lực lượng thanh niên ở đâu cũng có những điểm mạnh đó. Thực tế các tổ chức đoàn thanh niên các thôn vùng miền sâu, xa khá thiếu và yếu. Tại đó lực lượng cán bộ đoàn đã mỏng, trình độ dân trí lại chưa cao, thậm chí không ít người chưa học qua bậc THCS. Bởi vậy việc tiếp cận khoa học công nghệ, trong đó có Internet đối với riêng bản thân họ còn hạn chế thì nhiệm vụ phổ biến, hướng dẫn người khác sử dụng khó đạt kết quả tốt được; việc quản lý, khai thác hiệu quả khối tài sản chung này lại càng khó khăn hơn… Đấy là chưa nói lực lượng thanh niên thôn thường xuyên biến động, do đi học, đi làm xa nhà để đáp ứng nhu cầu cuộc sống, bởi vậy sẽ khó tạo được sự ổn định về nhân lực quản lý hệ thống Internet NVH thôn.
Ngoài ra thì thực tế hệ thống NVH chưa được đầu tư đồng bộ, không đảm bảo cơ sở vật chất cũng dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý. Hiện nay việc đầu tư xây dựng các NVH thôn theo đúng quy chuẩn trên toàn tỉnh mới đạt được trên 50%; tại các xã vùng sâu, xa, tỷ lệ này thấp hơn, trên 30%. Như vậy sẽ có một phần không nhỏ các NVH do đã xây dựng từ lâu nên xuống cấp, không đảm bảo về diện tích, cửa, hàng rào bảo vệ.... Đây cũng là những NVH thường không có người bảo vệ hoặc công tác bảo vệ có nhưng không chặt chẽ. Bởi vậy khi lắp đặt các thiết bị máy móc Internet, trang bị các tủ sách, đầu sách tại đây không tránh khỏi khả năng bị hư hỏng hoặc thất thoát. Chị Nguyễn Thị Thanh, Phó Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Hoành Bồ cho biết: “Đến thời điểm này Hoành Bồ đã có 27 NVH thôn đạt quy chuẩn, sẽ là nơi đáp ứng rất tốt nhu cầu sử dụng Internet, đọc sách báo của bà con nhân dân. Thế nhưng toàn huyện vẫn còn đến 50 NVH cũ, không thể đảm bảo cho việc quản lý, sử dụng những thiết bị này. Bởi các công trình này đều có diện tích rất nhỏ, chỉ khoảng 30-50m2/công trình, hơn nữa một số hạng mục đã xuống cấp như nền, ngói… và không có hệ thống cửa, cổng, hàng rào…”.
Phải khẳng định việc trang bị, lắp đặt Internet, tủ sách cho các NVH thôn sẽ góp phần phổ cập tin học, tăng cường năng lực khai thác thông tin, nâng cao dân trí cho người dân, nhất là người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng vẫn còn đó không ít những khó khăn, bất cập mà trong quá trình triển khai các đơn vị chức năng cần phải tính đến và xử lý phù hợp. Có như vậy thì dự án nhiều ý nghĩa này mới mang lại kết quả trọn vẹn như mong muốn.
Thanh Bình
Quảng Ninh, hiện có 125 xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông. Các máy tính được kết nối Internet chủ yếu ở trụ sở các xã; có 51 xã có Internet đến thôn (chủ yếu là các hộ gia đình tự lắp đặt, khoảng 3% số hộ). Theo kết quả khảo sát hiện trên địa bàn tỉnh có 994 thôn của 125 xã thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới; là nơi sinh hoạt của 140.691 hộ dân khu vực nông thôn. Các nhà văn hoá thường tập trung ở trung tâm thôn, là cầu nối giữa UBND xã với người dân. Hiện các nhà văn hoá có điện lưới là 888/994 nhà văn hoá (chiếm tỷ lệ 89,34%); số nhà văn hoá nằm trong vùng sử dụng chưa có điện là 106 (chiếm tỷ lệ 10,66%). Đây là một trong những thuận lợi để việc lắp đặt hệ thống Internet thành công và hiệu quả. Về hình thức kết nối Internet: Có 630 nhà văn hoá có thể lắp đặt đường truyền băng rộng (chiếm 63,38%); 330 nhà văn hoá lắp đặt USB 3G (chiếm 33,20%) và 34 nhà văn hoá không thể triển khai do không kéo được đường truyền và không có sóng để lắp USB 3G (chiếm 3,42%). Trang bị mỗi nhà văn hoá thôn (làng, bản) trên địa bàn tỉnh 1 bộ máy tính, bàn ghế máy tính, thiết bị kết nối Internet phù hợp để khai thác thông tin khoa học kỹ thuật và tài liệu pháp luật trên Internet. |
Liên kết website
Ý kiến ()