Nội dung này nêu tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.
Quy định hiện nay, mức doanh thu chịu thuế VAT với cơ sở kinh doanh (cá nhân, hộ kinh doanh) hàng hóa, dịch vụ là 100 triệu đồng một năm. Nhưng Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo dự Luật Thuế VAT sửa đổi - cho rằng gần 10 năm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng nhiều, nên việc nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT với cơ sở kinh doanh lên 150 triệu đồng một năm, để phù hợp biến động giá cả.
Việc tăng mức chịu thuế của các cá nhân, hộ kinh doanh, theo Bộ Tài chính, không làm phát sinh chi phí tuân thủ, thủ tục hành chính với người nộp thuế và minh bạch trong quản lý thuế.
Hiện cả nước có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh, mỗi năm đóng góp 30% GDP, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Ở lần sửa đổi này, Bộ Tài chính dự kiến đưa nhóm hàng hóa trao đổi cư dân biên giới được miễn thuế nhập khẩu, vào diện không phải đóng thuế VAT. Quy định này nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế vùng biên và đồng bộ với quy định thuế xuất - nhập khẩu.
Dự thảo luật cũng bổ sung danh mục hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, như hàng bán tại cửa hàng miễn thuế, được miễn thuế VAT (tức thuế suất 0%). Thủ tục, điều kiện hàng để được miễn thuế VAT diện này sẽ do Bộ trưởng Tài chính đề xuất cấp có thẩm quyền.
Ngoài ra, ba nhóm hàng hóa dự kiến không được miễn thuế VAT, gồm thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu; xăng, dầu, ôtô bán trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan.
Khác với các loại thuế khác, VAT có đặc điểm quan trọng là gánh nặng thuế được chia sẻ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, nên điều chỉnh thuế suất, nhất là giảm, cả hai đối tượng này sẽ cùng được hưởng lợi.
Theo Bộ Tài chính, nhiều năm qua thuế VAT chiếm tỷ trọng trên 20% trong thu ngân sách Nhà nước. Chẳng hạn, số thu thuế này năm 2014 chiếm gần 27% tổng thu ngân sách. Giai đoạn kinh tế chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 (2020-2022), thuế này vẫn góp 23-24,5% tổng thu ngân sách.
Ý kiến ()