Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 03:17 (GMT +7)
Đề xuất địa phương tự tổ chức gác, đảm bảo ATGT đường ngang
Thứ 7, 09/07/2022 | 09:24:39 [GMT +7] A A
Cục Đường sắt Việt Nam vừa trình Bộ GTVT Đề án “Phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đường sắt”, trong đó đáng chú ý là đề xuất phân cấp cho các địa phương tổ chức đầu tư xây dựng các công trình đảm bảo ATGT trên đường sắt quốc gia.
Giao 34 địa phương đầu tư xóa lối đi tự mở
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, từ năm 2007 đến nay, Bộ GTVT đã đầu tư xây dựng khoảng 86 km đường gom dọc đường sắt bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Tại Quyết định 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở (LĐTM) qua đường sắt (Đề án 358), Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT thực hiện 3 hạng mục công trình đảm bảo ATGT đối với mạng lưới đường sắt quốc gia hiện có trong giai đoạn 2021 - 2025 với tổng kinh phí dự kiến hơn 2.297 tỷ đồng.
Ngoài ra, đến 2025, cần phải xây dựng 675,63 km đường gom trên địa bàn 34 tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt đi qua với tổng kinh phí dự kiến là hơn 4.000 tỷ đồng từ nguồn vốn địa phương hoặc Trung ương bố trí cho địa phương theo dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Mặt khác, theo Nghị định số 65/2018, trách nhiệm của chính quyền địa phương có đường sắt đi qua là thực hiện quản lý, thu hẹp, xóa bỏ LĐTM qua đường sắt bằng nguồn ngân sách của địa phương hoặc từ ngân sách trung ương phân bổ cho địa phương theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cục Đường sắt Việt Nam cho biết thêm, trên mạng lưới đường sắt quốc gia hiện nay tồn tại khoảng 1.500 vị trí tiềm ẩn TNGT đường sắt cần được giải tỏa. Tại các khu vực đông dân cư, khu đô thị lớn đều tồn tại các đường gom nằm trong phạm vi hành lang ATGT đường sắt, không phù hợp với quy định của Luật Đường sắt hiện hành, hình thành trước khi Luật Đường sắt 2017 ban hành.
Một số dự án đầu tư cải tạo kết cấu hạ tầng đường sắt giai đoạn 2009-2020, do bị hạn chế bởi kinh phí đền bù, GPMB, hầu hết các đường gom đều nằm trong phạm vi hành lang ATGT đường sắt kết hợp xây dựng hàng rào ngăn cách để đảm bảo ATGT đường sắt.
Qua theo dõi, thống kê, tai nạn đường sắt chủ yếu xảy ra tại các đường ngang và lối đi tự mở (chiếm khoảng 60% tổng số vụ tai nạn), còn lại xảy ra dọc tuyến đường sắt do chủ quan của con người, vi phạm khổ giới hạn.
Trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã thống nhất chủ trương xây dựng 17,7 km (11 đoạn đường gom) trong phạm vi hành lang ATGT đường sắt trên địa bàn một số tỉnh, thành phố như Lào Cai, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng,… để giải quyết những khó khăn về kinh phí đền bù, GPMB của địa phương khi xây dựng đường gom dọc đường sắt.
“Do đó, để đảm bảo tính đồng bộ khi đầu tư các hạng mục công trình đảm bảo ATGT đường sắt, giảm gánh nặng đầu tư cho ngân sách Trung ương, cần thiết xem xét phân quyền cho UBND cấp tỉnh/thành phố có tuyến đường sắt đi qua để tổ chức quản lý, thực hiện đầu tư đối với xử lý các vị trí vi phạm hành lang ATGT đường sắt, tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt; đường ngang, hầm chui. Sau khi xây dựng xong, địa phương bàn giao tài sản đường ngang này cho Bộ GTVT để tổ chức quản lý, bảo trì”, Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất.
Xem xét phân quyền cho địa phương tổ chức gác, đảm bảo ATGT tại đường ngang
Theo số liệu báo cáo hàng năm của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tính đến nay, trên địa bàn của 34 tỉnh, thành có đường sắt quốc gia đi qua có hơn 600 đường ngang có người gác, với hơn 3.200 nhân viên gác. Chi phí cho công tác gác đường ngang này khoảng 350 tỷ đồng/năm.
Hiện nay chưa có văn bản QPPL nào quy định phân quyền cho chính quyền địa phương tổ chức thực hiện gác và đảm bảo an toàn giao thông tại các đường ngang. Văn bản QPPL hiện nay chỉ quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các lối đi tự mở, các điểm giao nhau giữa đường bộ với đường sắt trên đường sắt quốc gia và đảm bảo kinh phí để thực hiện công tác an toàn giao thông thuộc phạm vi trách nhiệm của địa phương.
Văn bản QPPL hiện nay quy định về công tác gác, chốt gác, cảnh giới tại đường ngang:
Công tác chốt gác, cảnh giới tại các đường ngang là vị trí nguy hiểm thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt (đối với đường ngang trên đường sắt quốc gia) hoặc trách nhiệm của chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng (đối với đường ngang trên đường sắt chuyên dùng). Nhiệm vụ này không được bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước mà do doanh nghiệp, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng có trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật.
Công tác gác đường ngang tại các đường ngang có người gác trên đường sắt quốc gia thuộc nhiệm vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt được Bộ GTVT phê duyệt trong kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi hoạt động kinh tế đường sắt hàng năm. Nhiệm vụ này do doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt thực hiện thông qua hợp đồng đặt hàng với Bộ GTVT hoặc Cục Đường sắt Việt Nam theo ủy quyền.
Do đó, tại báo cáo tổng kết 3 năm thực hiện Luật Đường sắt 2017, Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất, trong điều kiện ngân sách trung ương dành cho quản lý, bảo trì đường sắt quốc gia hạn chế như hiện nay, cần thiết quy định phân quyền cho UBND cấp tỉnh tổ chức quản lý gác và đảm bảo an toàn tại các đường ngang có gác để huy động các nguồn lực của địa phương cho công tác gác, đảm bảo an toàn tại các đường ngang.
Theo Tạp chí Giao thông
Liên kết website
Ý kiến ()