Mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá hiện nay ở Việt Nam là 75% tính trên giá xuất xưởng. Theo Bộ Y tế, tỷ lệ này tính theo giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,85%. Mức thuế này còn cách xa khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 70% giá bán lẻ.
Việt Nam là nước có mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thấp gần nhất trong khu vực ASEAN (cao hơn Campuchia, Lào và Myanmar) và rất thấp so với Brunei (81%), Thái Lan (70%), Singapore (69% )và các nước phát triển như Australia (62%), Đức (75%), Pháp (80%)...
Bộ Tài chính cho rằng, mặc dù đã tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng thời gian qua, tỷ lệ hút thuốc lá ở nước ta vẫn giữ mức cao. Năm 2020, hơn 42% nam giới hút thuốc, chưa đạt được mục tiêu đề ra là giảm còn 37%.
"Như vậy, việc sử dụng thuốc lá cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa và lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời gian vừa qua vẫn chưa đạt mục tiêu giảm sử dụng như đã đề ra", Bộ Tài chính đánh giá.
Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết điều chỉnh thuế thuốc lá để giảm tiêu dùng hiệu quả. Đồng thời, nghiên cứu áp dụng bổ sung thuế tuyệt đối để loại trừ, giảm sử dụng thuốc lá chất lượng thấp, giá thấp cũng như có lộ trình đảm bảo tăng thuế tuyệt đối qua các năm tương ứng với tốc độ lạm phát.
Mức điều chỉnh thuế cần nghiên cứu để đảm bảo đạt được các mục tiêu của Kế hoạch hành động phòng chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025 (là giảm tỷ lệ nam giới hút thuốc xuống còn 37% như trên) và đạt được mục tiêu của Chương trình sức khỏe Việt Nam đến năm 2030. Theo chương trình này, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới giảm còn 32,5%.
TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhận định nước ta cần có nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để đạt được mục tiêu giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá. Một trong những cách hiệu quả nhất là tăng giá thuốc lá thông qua tăng thuế thuốc lá.
"Giá thuốc lá ở Việt Nam rẻ đến mức khó tin, đồng nghĩa với việc giá cả không phải là rào cản đối với giới trẻ trong việc hình thành thói quen hút thuốc lá", TS. Angela Pratt nói, thêm rằng "tăng thuế thuốc lá là cách nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất" để đạt được mục tiêu trên.
Ông Đào Thế Sơn, chuyên gia kinh tế, giảng viên Đại học Thương mại, cho biết nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc, nhiều nước có xu hướng chuyển dịch từ áp dụng thuế tỷ lệ sang hệ thống thuế tuyệt đối hoặc thuế hỗn hợp (tính cả thuế tỷ lệ và thuế tuyệt đối).
Thuế tuyệt đối áp dụng một mức thuế đồng nhất trên tất cả bao thuốc lá, qua đó giảm chênh lệch giá giữa các nhãn hiệu cao cấp và thấp cấp, giảm khả năng người hút thuốc chuyển sang các nhãn hiệu rẻ hơn, hỗ trợ tác động của chính sách thuế tới sức khỏe cộng đồng tốt hơn. Cách đánh thuế này cũng làm giảm sản phẩm thuốc lá giá rẻ, từ đó giảm sự tiếp cận và sử dụng của thanh thiếu niên.
Theo báo cáo của WHO, số quốc gia áp dụng thuế theo tỷ lệ đã giảm từ 57 (năm 2008) còn 42 vào năm 2018. Trong khi đó, số quốc gia áp dụng thuế hỗn hợp tăng từ 48 (năm 2008) lên 63 vào năm 2018. Số quốc gia áp dụng thuế tuyệt đối cũng tăng.
Tại Đông Nam Á, đa số quốc gia cũng đang áp thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp. Hiện có 6 nước áp dụng hệ thống thuế tuyệt đối với thuốc lá là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Myanmar; còn Lào, Thái Lan áp dụng thuế hỗn hợp. Hai quốc gia áp dụng thuế theo tỷ lệ là Việt Nam và Campuchia.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, cho hay gánh nặng bệnh tật do thuốc lá tại Việt Nam rất lớn. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân khiến hơn 40.000 người Việt tử vong mỗi năm. 21% ca tử vong ở nam giới Việt Nam là liên quan đến việc sử dụng thuốc lá. 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi, là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.
Cuối năm ngoái, Bộ Y tế đề nghị cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng vì có hại sức khỏe, nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội.
Ý kiến ()