Theo nhịp sinh học, nhiệt độ cơ thể người bắt đầu giảm khi đến giờ ngủ. Dựa vào đó, nhóm nhà khoa học tại Đại học Texas Austin phát triển một mẫu đệm thông minh giúp con người chìm sâu vào giấc ngủ với những kết quả hứa hẹn từ cuộc thử nghiệm sơ bộ. Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Sleep Research hôm 19/7.
Chiếc đệm có thể kích hoạt cảm giác buồn ngủ ở người dùng thông qua các bộ phận làm mát và sưởi ấm được bố trí cẩn thận. Nhóm nghiên cứu cho biết, việc hạ nhiệt độ bên trong cơ thể vào ban đêm có thể báo hiệu cho cơ thể biết rằng đã đến giờ ngủ, nhưng việc này cần được thực hiện một cách thận trọng và có tổ chức.
Đệm hai vùng nhiệt và gối làm ấm được thiết kế để làm mát các vùng trung tâm của cơ thể, đồng thời làm ấm bàn tay, bàn chân và cổ - những "bộ điều chỉnh" nhiệt quan trọng ở người. Điều này giúp thúc đẩy lưu thông máu và cải thiện quá trình phân tán nhiệt của cơ thể, nhờ đó điều chỉnh thân nhiệt hiệu quả hơn.
"Đáng chú ý là việc làm ấm nhẹ nhàng dọc theo các đốt sống cổ rất hiệu quả trong việc gửi tín hiệu đến cơ thể nhằm tăng lưu thông máu tới bàn tay và bàn chân, từ đó giảm nhiệt độ cốt lõi và thúc đẩy giấc ngủ kéo đến. Điều này còn khiến huyết áp giảm nhẹ qua đêm, giúp hệ tim mạch phục hồi sau khi làm việc căng thẳng để duy trì lưu thông máu trong các hoạt động hàng ngày. Tác dụng này rất quan trọng với sức khỏe về lâu dài", tác giả nghiên cứu Kenneth Diller cho biết.
Nhóm chuyên gia đã tiến hành một thử nghiệm nhỏ cho hai phiên bản đệm với 11 tình nguyện viên, một phiên bản sử dụng nước và phiên bản còn lại dùng không khí để kiểm soát nhiệt độ cơ thể. Các tình nguyện viên được yêu cầu đi ngủ sớm hơn bình thường hai tiếng. Nhóm nghiên cứu kích hoạt chức năng làm mát và sưởi ấm trong một số đêm. Kết quả, chức năng làm mát và sưởi ấm giúp tình nguyện viên đi vào giấc ngủ nhanh hơn khoảng 58% so với những đêm không kích hoạt, dẫn đến chất lượng giấc ngủ được cải thiện.
Nhóm nghiên cứu mong muốn tiếp tục phát triển đệm thông minh bằng cách hợp tác với các công ty đệm để sản xuất phiên bản thương mại. Họ cũng đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho công nghệ mới.
Ý kiến ()