Theo sử liệu, đền thờ Nguyễn Văn Nghi được xây dựng năm 1617, được con cháu đời sau nhiều lần tu sửa, mở rộng hoàn chỉnh. Di tích này còn được mệnh danh là "thành nhà Hồ thu nhỏ" ở xứ Thanh.
Tất cả chuyên mục
Đền thờ Nguyễn Văn Nghi xây dựng từ đầu thế kỷ 17, được thiết kế như một kinh đô thu nhỏ, bao quanh bởi hai vòng thành khép kín, thành ngoài bằng đất, thành trong bằng đá tương tự thành nhà Hồ.
Theo sử liệu, đền thờ Nguyễn Văn Nghi được xây dựng năm 1617, được con cháu đời sau nhiều lần tu sửa, mở rộng hoàn chỉnh. Di tích này còn được mệnh danh là "thành nhà Hồ thu nhỏ" ở xứ Thanh.
Trải qua hơn 400 năm tồn tại và không được trùng tu tôn tạo, di tích không còn nguyên vẹn, cây cối mọc um tùm quanh khuôn viên ngôi đền càng làm tăng thêm vẻ cổ kính, rêu phong.
Nguyễn Văn Nghi, sinh năm 1515, trong một gia đình danh gia vọng tộc ở làng Ngọc Bội cũ, nay là xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn. Năm 39 tuổi, tại khoa thi Giáp Dần (1554, đời Vua Lê Trung Tông), ông đỗ Nhất giáp Chế khoa.
Là người đoan chính, trọng khuôn phép nên ông được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới ba triều vua Lê Trung Tông, Lê Anh Tông và Lê Thế Tông, như Hiệu lý Hàn lâm viện, Đông các hiệu thư, Tham chính Nghệ An, Tả thị lang Bộ Lại, nhập thị Kinh diễn kiêm Đông các học sĩ. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn được quần thần quý trọng bởi cả đức độ và tài năng.
Nguyễn Văn Nghi còn là thầy dạy hai vua Lê Anh Tông và Lê Thế Tông lúc còn trẻ. Sau khi mất, ông được truy tôn là Thượng thư bộ Công, gia thăng Thái bảo và được nhân dân lập đền thờ ở quê nhà.
Bên trong tường thành là hệ thống hạng mục kiến trúc bề thế. Theo sử liệu, trung tâm khu đền thờ trước đây có 24 dãy nhà lớn bé, tuy nhiên hiện chỉ còn lại gian nhà nhỏ rộng chưa đầy trăm mét vuông dùng làm nơi thờ tự. Đây là gian nhà nằm giữa, nối gian tiền đường, trung đường với nhà chánh tổng phía sau. Căn nhà dạng mái vẩy, lợp ngói mũi hài nung thủ công. Do hệ thống cột kèo, xà ngang... đã quá cũ khiến phần mái võng xuống, có nguy cơ đổ sập.
Các công trình quy mô như bái đường, sân lễ, tiền điện, hậu điện và phần phụ trợ khác nay chỉ còn lại nền móng hoặc đã hoàn toàn mất dấu vết.
Do có giá trị văn hóa lịch sử, nghệ thuật kiến trúc độc đáo, năm 1990 đền thờ Nguyễn Văn Nghi được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Tháng 9/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đền thờ Nguyễn Văn Nghi với tổng mức đầu gần 53 tỷ đồng. Gần 10 năm qua, dự án chưa thể triển khai hoàn thiện do thiếu kinh phí và một số vấn đề liên quan công tác khai quật khảo cổ.
Bà Hoàng Thị Thu Huyền, Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện Đông Sơn cho hay, đền thờ Nguyễn Văn Nghi là công trình mang ý nghĩa văn hoá lịch sử độc đáo trên địa bàn huyện. Hàng năm điểm di tích quốc gia này thu hút rất đông du khách, đặc biệt là các nhà nghiên cứu lịch sử đến tham quan, tìm hiểu.
Hiện UBND huyện Đông Sơn đang đề suất UBND tỉnh Thanh Hoá và các ngành liên quan nhanh chóng triển khai dự án trùng tu tôn tạo đền thờ Nguyễn Văn Nghi để khai thác thế mạnh của cụm di tích lịch sử độc đáo này.
Ý kiến ()