Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:03 (GMT +7)
Đi bộ hơn 6.000 bước mỗi ngày giảm nguy cơ mắc bệnh tim
Thứ 2, 09/01/2023 | 14:08:10 [GMT +7] A A
Nghiên cứu gần đây cho thấy việc đảm bảo từ 6.000 đến 9.000 bước chân mỗi ngày có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở người lớn tuổi.
Cụ thể, nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí AHA Circulation mới đây đã tập trung vào nguy cơ mắc các bệnh tim mạch trên 20.152 người ở Mỹ cùng 42 quốc gia khác. Độ tuổi trung bình của những người này là 63,2 tuổi và có 52% là phụ nữ.
Theo đó, kết quả nghiên cứu cho thấy so với những người chỉ đi khoảng 2.000 bước/ngày, nhóm đi bộ từ 6.000 đến 9.000 bước có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch gồm đau tim, đột quỵ… khoảng 40-50%.
Động lực đi bộ nhiều hơn
Theo TS Amanda Paluch, nhà dịch tễ học về hoạt động thể chất và vận động học của Đại học Massachusetts Amherst, người đứng đầu Tổ chức Hợp tác Bước đi vì sức khỏe, những người đang chỉ đi khoảng 2.000-3.000 bước/ngày có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch chỉ bằng việc đi bộ nhiều hơn.
Trong khi đó, với những người đang thực hiện khoảng 7.000 bước/ngày, tác động tích cực vẫn rất lớn dù không chênh lệch về nguy cơ như nhóm trên.
Kết quả nghiên cứu mới cũng cho thấy mỗi 1.000 bước chân tăng lên, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch sẽ giảm dần.
“Nghiên cứu chưa cho thấy giới hạn về các mốc bước chân. Theo đó, mỗi mức tăng về tần suất đi bộ trong ngày đều giúp những người lớn tuổi giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch”, vị chuyên gia khẳng định.
Thậm chí các phân tích cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim vẫn giảm dần với những người đi bộ 15.000 bước/ngày.
Từ nghiên cứu này, những người muốn tăng sức khỏe tim mạch cũng như thể lực có thể cân nhắc đặt ra các mục tiêu khả thi hơn con số 10.000 bước vốn thường được khuyến cáo nhưng không dựa trên cơ sở khoa học. Trên thực tế, đây chỉ là một phần của chiến dịch marketing năm 1964.
Tác động với người trẻ
Nghiên cứu trên không cho thấy mối liên hệ nào giữa việc tăng số bước chân và giảm nguy cơ mắc bệnh tim ở người trẻ. TS Paluch cho rằng đây là điều hiển nhiên bởi phần lớn trường hợp mắc bệnh tim là người lớn tuổi. Báo cáo cũng thống kê chỉ 4,2% người trẻ gặp các vấn đề về tim mạch. Con số này ở người cao tuổi là 9,5%.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa người trẻ không cần tập thể dục hay các phương pháp cardio (luyện tập tim mạch) để bảo vệ sức khỏe tim.
“Với người trẻ, hoạt động thể chất mang lại nhiều lợi ích cho vấn đề phòng bệnh như huyết áp cao, béo phì, tiểu đường loại 2… Những vấn đề này hoàn toàn có thể phát triển ở người trẻ và đóng vai trò quan trọng trong việc phòng bệnh tim”, TS Paluch nói.
Liên quan vấn đề này này, TS Yu Ming Ni, khoa Tim mạch Không xâm lấn, Viện Tim mạch Memorial Care, Trung tâm Y tế Orange Coast ở Fountain Valley, cho hay không nên chỉ sử dụng bước chân để đánh giá mức độ vận động đủ hay chưa.
“Lý tưởng nhất là chúng ta nên chủ động sắp xếp một buổi tập riêng hàng ngày với cường độ tối thiểu ở mức trung bình. Song song với đó, nhóm người trẻ nên tập trung vào việc kết hợp vận động trong các hoạt động hàng ngày như đi cầu thang bộ, giải trí bằng các hoạt động ngoài trời…”, vị chuyên gia khuyến cáo.
Theo dõi số bước chân như thế nào?
TS Ni khuyến khích những người lớn tuổi nên mua các thiết bị theo dõi bước chân. Trên thực tế, những thiết bị này hiện khá dễ tìm cùng chi phí không quá đắt. Thậm chí, đa phần điện thoại thông minh ngày nay đều đã tích hợp khả năng đếm bước chân.
Đồng quan điểm, TS Paluch nhận định các thiết bị đếm bước chân là một phương pháp tốt để theo dõi, đồng thời tạo động lực để người dân hoàn thành mục tiêu đề ra.
Ngoài ra, chúng ta cũng có nhiều phương pháp khác để ước lượng số bước chân của mình. Ví dụ, gần một km sẽ tương ứng với khoảng 1.000 bước chân.
Thậm chí, chúng ta hoàn toàn có thể ước lượng số bước chân thông qua thời gian đi bộ. Trong đó, đi bộ nhanh cũng là một hoạt động thể chất cường độ trung bình. Với phương pháp này, chúng ta có thể đi khoảng 100 bước mỗi phút.
Theo zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()