Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 16:15 (GMT +7)
Đi chợ sắm Tết
Chủ nhật, 14/01/2024 | 16:55:28 [GMT +7] A A
Người Việt thưởng thức hương vị Tết bằng nhiều thú vui khác nhau, rất đa dạng. Thế nên cụm từ “ăn Tết” bao hàm nhiều ý nghĩa: Đón Tết, chơi Tết, chúc Tết, mừng tuổi Tết... Trong không khí náo nức chuẩn bị cho một cái Tết đang đến gần, có lẽ mua sắm, đi chợ là thú vui nhưng cũng đem lại nhiều suy tính, lo lắng nhất khi mọi thứ thường tăng trong dịp Tết...
Khi thưởng Tết... không như mơ
Tôi còn nhớ, ngày xưa khi còn thơ bé, chúng tôi rất thích Tết và đi chợ Tết. Có lẽ, đây cũng là một thú vui nho nhỏ với một số người trẻ và thậm chí người già nhưng cũng là áp lực với không ít bà nội trợ.
Ngày Tết, thông thường, tất cả những người buôn bán hầu như sẽ nghỉ xả hơi nên người mua nảy sinh tâm lý mua dự trữ. Nhà nhà đều đi mua sắm trước những ngày Tết cổ truyền. Giàu hay nghèo, sang trọng hay khốn khó cũng đều cố gắng lo được cái Tết tươm tất nhất trong khả năng của mình.
Cùng với đó, người ta đi chợ Tết còn để chuẩn bị món quà biếu người thân, họ hàng, mối quan hệ xã hội. Nên thường trong tháng Chạp, những khu chợ truyền thống, những siêu thị đã tăng số lượng, chủng loại hàng hóa phục vụ Tết. Cùng với đó, lượng người mua sắm cũng đông đúc, nhộn nhịp hơn ngày thường.
Nói đến chuyện sắm Tết, phải thừa nhận ngày nay đã tiện lợi hơn nhiều. Nào là hàng loạt siêu thị lớn, nhỏ mọc lên như nấm cùng ưu đãi, tích điểm, mua online... Nhưng dù tiện lợi đến mấy thì các hình thức đi chợ Tết trên không thể nào sánh bằng việc trực tiếp đến chợ mua sắm. Đi trong khu chợ san sát những quầy hàng đủ màu sắc, đủ chủng loại, dù khu chợ ấy đã quen lắm rồi, ngày nào cũng đi, thì người ta vẫn cảm thấy những thứ rất mới mẻ mà chỉ riêng ngày Tết mới có được.
Đối với nhiều bà nội trợ trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn thì đại đa số chị em đều chọn phương án sắm dần dần. Nếu như trước kia, có quan điểm cho rằng chỉ cần 3 buổi đi chợ là đủ cho cái Tết tươm tất thì vài năm gần đây, suy nghĩ ấy dần được thay thế. Người ta đi chợ từ đầu tháng Chạp để chuẩn bị Tết theo cách riêng phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mỗi gia đình.
Chỉ còn gần một tháng nữa là Tết Giáp Thìn sẽ đến. Những ngày này, đặc biệt là vào dịp cuối tuần nhiều chợ truyền thống của TP Hạ Long đều nhộn nhịp hơn ngày thường. Khu hàng bán đồ hải sản tươi, hải sản khô, quần áo, giầy dép... nườm nượp khách đến mua sắm.
Chị Nguyễn Thị Tr (phường Hồng Gai, TP. Hạ Long) cho biết: Vài năm nay, kinh tế khó khăn, lương thưởng của vợ chồng tôi cũng giảm so với trước. Nhất là năm nay, chỉ còn gần tháng nữa là đến Tết nhưng chúng tôi cũng chưa nghe thông tin gì về mức thưởng Tết. Chính vì thế, chỉ chờ lương tháng có, mỗi cuối tuần tranh thủ thời gian nghỉ, tôi đi chợ lựa chọn thực phẩm tươi như tôm, cá, mực… để cấp đông phục vụ Tết và quần áo mới cho con cái trong nhà.
Thậm chí, nhiều người còn tính phương án đi chợ sớm hơn. Chị Đỗ Thị H làm cán bộ, công chức ở một ban lớn, có trụ sở ở TP Hạ Long lại khá băn khoăn chưa biết tính toán ra sao khi nghe sơ bộ thưởng Tết chỉ chừng 3-4 triệu đồng. Chị cho biết: Quả thật, với mức thưởng khiêm tốn, tôi đang tính phương án sắm Tết từ ngay bây giờ khi nhiều mặt hàng thiết yếu cho dịp Tết như: đồ khô, bia... mới chỉ tăng giá nhẹ.
Nhiều hình thức mua bán tiết kiệm, hợp lý
Không chỉ giảm chi tiêu, nhiều người còn có phương án rất thú vị. Nhiều chị em công sở, văn phòng cũng tranh thủ giờ nghỉ trưa để sắm tết online qua trang mua hàng trực tuyến như Shopee, Lazada… Đó là chưa kể, các shop thực phẩm online giao hàng tận nơi, đúng giờ, sơ chế sẵn khiến người mua chỉ việc ngồi một chỗ click chuột, gọi một cú điện thoại là xong buổi chợ...
Theo chia sẻ của nhiều người thì mua sắm online vừa tiết kiệm thời gian, lại vừa tiết kiệm chi phí. Bởi đa số những sản phẩm này có giá rẻ hơn khi mua trực tuyến tại của hàng, trung tâm thương mại hay chợ truyền thống. "Tôi tranh thủ thời gian rảnh đi "săn sale", đặc biệt dịp cuối năm hay có chương trình khuyến mại, kích cầu, hàng hóa cũng rất chất lượng. Vì thế, tôi lên danh sách, bỏ sẵn món đồ muốn mua vào giỏ hàng online, rồi chờ những ngày sale đậm như 1-1, 2-2, ngày thứ sáu cuối tháng... để mua" - chị Nguyễn Thị Hải, phường Hoành Bồ (TP Hạ Long), công tác tại một công ty xi măng, chia sẻ.
Theo các tiểu thương thì càng gần về những ngày cuối năm chợ Tết lại càng đông đúc nhộn nhịp “trăm người bán, vạn người mua”. Chợ Tết thực sự tấp nập sau ngày "ông Công, ông Táo" (23 Tết). Chợ ngày Tết chẳng những đầy ắp đồ mà còn có rất nhiều hàng hóa, thực phẩm tươi ngon, chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều mặt hàng, loại thực phẩm mà các bà nội trợ phải chấp nhận mua cận Tết và chỉ Tết mới có nhiều dù giá cũng sẽ tăng nhiều.
Để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân, nhiều tiểu thương đã trữ lượng hàng chất lượng trước vài tháng để bung ra vào dịp này. Thậm chí cả đặc sản vùng miền như miến dong, măng lưỡi lợn cho đến thịt trâu gác bếp, lạp xưởng đều có mặt.
Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Xuân, một chủ cơ sở kinh doanh hải sản có tiếng, mang thương hiệu Hasabay (Chợ Hạ Long I), cho biết: Để phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán, tôi đã chuẩn bị số lượng hàng lớn để bán. Không chỉ tăng số lượng những mặt hàng truyền thống bán lâu năm ở cửa hàng, tôi còn lựa chọn thêm nhiều sản phẩm đặc trưng phục vụ nhu cầu biếu tặng của khách hàng.
Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, nhiều tiểu thương như tôi cũng phải cân nhắc về khối lượng hàng tồn kho. Nếu như những năm trước, chúng tôi thường dự trữ lượng hải sản tươi, khô với số lượng lớn nhưng năm nay tôi cũng như nhiều bạn bè kinh doanh tại chợ không dám để lượng hàng tồn lớn vì lo ngại sức mua giảm.
Có lẽ nỗi lo của chị Xuân cũng là nỗi lo chung của nhiều tiểu thương kinh doanh tại những khu chợ truyền thống. Dưới tác động của sự suy thoái kinh tế, thu nhập chung giảm dẫn tới sức mua nhìn chung sẽ giảm so với những năm về trước.
Cùng với đó, nhiều tiểu thương cũng bắt “trend” nhanh khi sử dụng thành thạo công nghệ, bán hàng online, livestream giới thiệu sản phẩm trên nhiều trang mạng xã hội, từ đó mở rộng thị trường. Nhiều tiểu thương còn cho biết có nhiều thời điểm số lượng đặt hàng online còn lớn hơn số lượng hàng được mua tại cửa hàng.
Quả thật, Tết đến là vui vẻ, là nghỉ ngơi, nhưng trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, đây quả là bài toán khó với nhiều bà nội trợ, nhiều gia đình. Mỗi cá nhân lại lựa chọn hình thức khác nhau để cân đối thu - chi, nhiều cách thức khác nhau để mua sắm nhưng đích cuối cùng vẫn là mang cái Tết ấm no, sung túc, đầy đủ nhất về với gia đình của mình.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()