Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Trần Thanh Nam, nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển mình theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngành nông nghiệp đang tập trung phát triển các chuỗi giá trị nông sản, các chủ thể trong sản xuất để kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu. Với sự nỗ lực của toàn hệ thống, ngành nông nghiệp liên tục tăng trưởng và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản liên tục tăng cao từ 4,2 tỉ USD năm 2000 tăng lên 48,6 tỉ USD vào năm 2021.
Việt Nam hiện có 6 nhóm mặt hàng đạt trên 3 tỉ USD gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, hạt điều, caosu, rau quả, gạo và 10 mặt hàng nông lâm thủy sản có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD. Hàng hoá nông lâm thuỷ sản của Việt Nam đã xuất khẩu đi trên 180 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản luôn đạt xuất siêu và ngày càng tăng kể cả trong những giai đoạn khó khăn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và cân đối cán cân thương mại của Việt Nam.
Năm 2021 là năm vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, có những thời điểm, chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản tại nhiều tỉnh, thành phía Nam đã bị gián đoạn do giãn cách. Tuy nhiên, toàn ngành vẫn vượt khó, đảm bảo cung ứng thực phẩm trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đạt thặng dư thương mại lên đến 6,44 tỉ USD.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã chuyển sang một giai đoạn mới nhưng vẫn còn nhiều bất cập cần được cơ cấu lại một cách mạnh mẽ và quyết liệt. Ông Diệp Văn Tỷ - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty XNK Thực phẩm East Asian Food tại Thụy Điển - cho biết, ông đầu tư về sản phẩm nông nghiệp vào Việt Nam trong nhiều năm qua, và nhận thấy việc làm nông nghiệp khá khó khăn do quy chế và quy trình qua quá nhiều trung gian và khi đến được tay người mua cuối thì giá quá cao.
Làm gì để kêu gọi được đầu tư vào nông nghiệp?
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đánh giá rất cao vai trò của các doanh nhân Việt Kiều khi đầu tư vốn về Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Thực tế trong nhiều năm qua, các doanh nhân Việt kiều cũng đã quan tâm đến tiềm năng khi đầu tư tại quê nhà, nhưng rất cần gỡ vướng mắc từ phía địa phương và Chính phủ.
“Việc quản lý và tổ chức khâu sản xuất và tiêu thụ đầu ra chưa hiệu quả để thu hút các nhà đầu tư. Ví dụ, ở Thụy Điển, họ sắp xếp việc sản xuất theo thế mạnh của vùng miền và đảm bảo tính độc quyền. Ở Việt Nam thì khác, cùng một sản phẩm có quá nhiều nhà sản xuất. Một sản phẩm nếu ước thấy việc khả thi thì ai ai cũng đổ xô làm, việc này dẫn đến cung nhiều hơn cầu. Vì thế các nhà đầu tư trên thực tế họ không nhìn thấy tính khả thi về kinh tế” - ông Tỷ nói.
Ông Hồ Văn Lâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Thái-Việt Nam - nhấn mạnh, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung thúc đẩy đàm phán thương mại song phương và đa phương với các thị trường tiềm năng để phá bỏ hàng rào kỹ thuật, chính sách bảo hộ, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam theo đường chính ngạch.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại nông sản Việt Nam để người sở tại biết về nông sản Việt Nam từ đó nâng cao nhu cầu tiêu thụ sản phẩm. Quan tâm đầu tư vào việc bảo quản và chế biến nông sản đáp ứng thị hiếu, nhu cầu và tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nông sản của từng thị trường. Thúc đẩy việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý đối với nông sản Việt.
"Rất cần chú trọng giới thiệu các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn, uy tín về các mặt hàng thế mạnh của nông sản Việt để thuận lợi cho hoạt động kết nối thương mại giữa doanh nghiệp Việt kiều với trong nước. Cung cấp thông tin về các chính sách ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp Việt kiều, doanh nghiệp nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam" - ông Hồ Văn Lâm nhấn mạnh.
Ý kiến ()