Dị ứng vaccine có thể là dị ứng type nhanh xảy ra trong vòng vài phút hoặc vài giờ với các biểu hiện như mày đay, phù quincke (sưng nề đột ngột), khó thở, phản vệ..., theo PGS.TS Hoàng Thị Lâm, Trưởng khoa Dị ứng Miễn dịch và Da liễu, Bệnh viện E. Những phản ứng dị ứng vaccine như mày đay, phù mạch, viêm da dị ứng... nếu chỉ xảy ra thoáng qua, thì có thể khám chuyên khoa dị ứng, để điều trị và tư vấn về tiêm vaccine mũi tiếp theo.
Theo TS Lâm, sau tiêm vaccine, một số người có thể sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi... Đây là phản ứng bình thường của cơ thể để tạo miễn dịch chống lại virus. Trường hợp này, bạn nên nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, nước và điện giải, có thể sử dụng các thuốc hạ sốt giảm đau để giảm triệu chứng, nếu cần thiết. Các triệu chứng này sẽ hết trong 1-2 ngày. Những biểu hiện tại chỗ tiêm như sưng, nóng, đỏ đau... có thể giải quyết bằng chườm lạnh, giảm đau.
"Chỉ có một phần nhỏ dị ứng vaccine, là không dự đoán được", bà Lâm nói.
Dị ứng hoặc dị ứng type chậm (qua trung gian IgE hoặc không) xảy ra sau vài giờ đến vài ngày, thậm chí là vài tuần sau khi dùng vaccine. Trong đó cấp tính và nguy hiểm là phản vệ.
Phản vệ rất hiếm gặp, là "một phản ứng dị ứng nặng", theo bà Lâm. Khoảng 80% trường hợp phản vệ do vaccine xảy ra trong vòng 30 phút đầu sau tiêm. Các triệu chứng có thể là mày đay mẩn ngứa, ban đỏ, hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi, xuất hiện nhanh sau tiêm vaccine. Sau đó, các triệu chứng tiếp tục tiến triển như khó thở, choáng váng, ngất suy hô hấp, trụy tim mạch... Những trường hợp này phải được cấp cứu kịp thời.
Tuy nhiên, "rất nhiều trường hợp có các triệu chứng giống phản vệ, nhưng không qua cơ chế miễn dịch, có nghĩa không phải do dị ứng vaccine", bác sĩ giải thích. Ví dụ, các phản ứng do yếu tố hoạt hóa tiểu cầu, hormone giới tính... Đặc biệt, cần phân biệt được ngất do phản xạ thần kinh phế vị và phản vệ do vaccine.
Ngất do thần kinh phế vị xảy ra khi hệ thống thần kinh tự chủ chi phối nhịp tim và huyết áp rối loạn do các kích thích bên ngoài. Khi đó, nhịp tim chậm lại, giãn mạch dẫn đến giảm huyết áp, làm giảm lưu lượng máu đến não một cách đột ngột.
Tình trạng này xảy ra nhanh sau khi tiêm, nhiều trường hợp xảy ra trước khi tiêm, các triệu chứng cũng khá cấp tính và có nhiều triệu chứng gần giống phản vệ. Nhiều người có các triệu chứng tụt huyết áp (thoáng qua) hoặc đột ngột mất ý thức, nên khó tránh khỏi chẩn đoán nhầm với phản vệ.
Ngất do phản xạ thần kinh phế vị xảy ra ở người lớn, thanh thiếu niên khi sử dụng vaccine, ít xảy ra ở trẻ em, trẻ sơ sinh.
Ngất do phản xạ thần kinh phế vị sau tiêm vaccine, không phải là chống chỉ định cho lần tiêm vaccine kế tiếp. Bác sĩ sẽ có các biện pháp an toàn cho người bệnh khi tiêm vaccine lần sau.
Chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 toàn dân tại Việt Nam bắt đầu hôm 10/7, kéo dài đến tháng 4/2022. Mục tiêu là tiêm miễn phí hàng năm để đạt được miễn dịch cộng đồng trên toàn quốc. Chiến lược tiêm chủng là "tiêm đến đâu an toàn đến đấy", đảm bảo an toàn cho người được tiêm, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp phản vệ. Thủ tướng yêu cầu có kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em, kể cả trẻ dưới 12 tuổi.
Hiện, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 29 triệu liều vaccine phòng Covid-19 các loại, từ các nguồn: Cơ chế Covax; hợp đồng VNVC mua, Bộ Y tế mua, và viện trợ của các chính phủ. Trong đó, khoảng 19,1 triệu liều AstraZeneca (chiếm khoảng 62% nguồn cung vaccine trên cả nước), hơn ba triệu liều Pfizer, hơn 5 triệu liều Moderna, 2,5 triệu liều Sinopharm, 12.000 liều Sputnik V. Mục tiêu của Chính phủ là tiếp nhận 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021 để tiêm chủng khoảng 70% dân số, nhằm đạt miễn dịch cộng đồng.
Tất cả loại vaccine trên đã được sử dụng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia. Tính đến ngày 4/9, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 21.046.279, trong đó tiêm 1 mũi là 17.998.754 liều, tiêm mũi 2 là 3.047.525 liều.
Ý kiến ()