Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 14:54 (GMT +7)
Đi xem Carnaval Hạ Long 2013
Chủ nhật, 05/05/2013 | 09:42:06 [GMT +7] A A
“Ấn tượng Carnaval Hạ Long 2013”, Lung linh Carnaval Hạ Long 2013”, “Carnaval Hạ Long 2013 - Đêm hội của sắc màu văn hoá” v.v.. Đó là những dòng tít đậm mà không khó để tìm nếu bạn lên mạng Internet, vào Google, gõ “Carnaval Hạ Long - 2013” và search…
Mà quả đúng thế thật! Carnaval Hạ Long 2013, dẫu không như mọi năm, phải đi thuê mướn các công ty tổ chức sự kiện ở tận đâu đâu, chỉ là “hàng nội”, từ kịch bản, tổng đạo diễn, đến đạo diễn, các diễn viên v.v.. đều chủ yếu là người Quảng Ninh; nhưng cả về quy mô, cách dàn dựng, thể hiện trên sân khấu chính, cũng như việc bố trí các đoàn diễu diễn trên đường phố v.v.. tất cả đều không kém, nếu không nói là có phần sinh động, đa dạng, hứng khởi hơn so với Carnaval Hạ Long những năm trước. Hay như người ta thường nói, quả là “mãn nhãn” khi được xem một đêm hội đầy màu sắc như Carnaval Hạ Long 2013.
Đó là những cảm xúc đẹp mà Carnaval Hạ Long năm nay đã mang lại cho khán giả! Thế nhưng, dẫu rất hoành tráng, dẫu rất phong phú sắc màu, dẫu rất sinh động, hào hứng… vẫn cảm thấy có cái gì đó thiêu thiếu khi đi xem Carnaval Hạ Long 2013. Phải rồi, chỉ là “đi xem” thôi; có lẽ đây chính là “cái gì đó thiêu thiếu” ấy chăng? Bởi nhìn chung, Carnaval Hạ Long 2013 tuy có nhiều cái mới trong việc tổ chức sự kiện, nhưng vẫn chưa phải là một sự “thay đổi về chất” so với các Carnaval mọi năm. Mặc dù, như tên gọi của nó, đây là một dạng lễ hội đường phố, nhưng khi đến với Carnaval Hạ Long, khán giả vẫn chỉ là… khán giả; đến chỉ để xem, để chiêm ngưỡng những tiết mục, như xem một chương trình biểu diễn nghệ thuật; có khác chăng là quy mô sân khấu rộng lớn hơn mà thôi!
Vậy nên, nếu bảo Carnaval Hạ Long 2013 đã mang lại ấn tượng cho người xem là hoàn toàn có cơ sở. Nhưng bảo rằng trong những năm tới, Carnaval Hạ Long vẫn thu hút khán giả đông như hiện tại, e là có phần chủ quan. Bởi trong thưởng thức nghệ thuật (cứ tạm coi Carnaval Hạ Long như một chương trình biểu diễn nghệ thuật đi!) thì dẫu hay đến mấy vẫn sẽ bị nhàm chán nếu nó cứ diễn đi diễn lại. Ấy là chưa nói, thị hiếu của khán giả bây giờ đang càng ngày càng cao hơn, khắt khe hơn! Và vì thế, việc “đổi món” trong tổ chức chương trình, sự kiện văn hoá càng phải luôn được đặc biệt coi trọng.
Nói điều này lại nhớ, hồi mới tổ chức Carnaval Hạ Long được một hay hai lần gì đó, khi họp bàn rút kinh nghiệm sau sự kiện, cũng đã có nhiều ý kiến nói về việc phải làm sao để du khách, người dân tham gia trực tiếp vào sự kiện; hay nói cách khác, đến với lễ hội không phải chỉ “để xem” mà là để cùng hoà mình vào đêm hội đường phố… Nghĩa là làm sao để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, đồng thời cũng đáp ứng cả nhu cầu sáng tạo văn hoá của mọi người khi tham dự Carnaval. Điều này chẳng có gì đặc biệt với bất cứ lễ hội văn hoá nào, dù là lễ hội truyền thống hay lễ hội du nhập từ bên ngoài. (Chẳng thế mà người ta vẫn nói đi hội, trẩy hội, chứ có mấy ai chỉ đi xem hội đâu!). Thế nhưng, dường như càng ngày Carnaval Hạ Long càng bị “sân khấu hoá” nhiều hơn! Phải chăng là do việc tổ chức một Carnaval thực sự là “lễ hội đường phố” theo đúng nghĩa khó hơn so với tổ chức một chương trình biểu diễn theo kiểu “sân khấu hoành tráng” chăng? Điều này nếu không thay đổi, e “thương hiệu” Carnaval Hạ Long sẽ đến lúc nào đó chẳng còn tính độc đáo nữa!
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()