Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 03:00 (GMT +7)
Điểm đến Bình Liêu cho du lịch Quảng Ninh thêm trọn vẹn
Thứ 4, 13/04/2022 | 08:28:03 [GMT +7] A A
Sau 2 năm “ngủ đông” do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bước sang năm 2022, thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả, Bình Liêu đang đón đầu thời cơ, cơ hội để phục hồi du lịch, tiếp tục xây dựng và khẳng định thương hiệu của điểm đến mới, hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Điểm đến không giới hạn
Được thiên nhiên ưu đãi cho cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và có trên 96% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với bản sắc văn hóa truyền thống phong phú, cùng những định hướng phát triển du lịch đúng đắn, mạnh mẽ, thời gian qua, Bình Liêu đã chứng minh vị trí của một điểm đến hấp dẫn, không thể chối từ trong hành trình của du khách khi đến với “thiên đường du lịch” Quảng Ninh.
“Bình Liêu - nơi tình yêu không giới hạn”, câu slogan đã thay lời khẳng định đến với Bình Liêu có lẽ không ai lại không muốn chinh phục và khám phá hết vẻ đẹp vùng đất, văn hóa và con người nơi đây với những điểm đến thú vị như cột mốc 1305 - "sống lưng khủng long", cột mốc 1327, đường tuần tra biên giới, thác Khe Vằn, núi Cao Ly, Cao Xiêm, bản Sông Moóc, rừng sở, vườn hoa Cao Ly... đã làm nên thương hiệu, nét riêng có của mảnh đất miền biên viễn tươi đẹp này. Xuân sang, hè đến, thu tới, đông về, mùa nào Bình Liêu cũng đậm đà chất thơ, chất tình quyện trong sắc hoa, sắc trời, sắc núi bình dị mà quyến rũ vô cùng.
Ghé thăm Bình Liêu, du khách còn được hòa mình trong không gian văn hóa đặc sắc, rực rỡ sắc màu của đồng bào dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ…, đặc biệt trong các lễ hội, ngày hội truyền thống như lễ hội đình Lục Nà, ngày hội Kiêng Gió, hội Soóng Cọ hay hội hoa Sở, hội Mùa vàng…
Và nếu có dịp đến với những lễ hội, bạn đừng quên lắng nghe những làn điệu Then, Soóng Cọ say đắm, mang vẻ đẹp, bản sắc, cốt cách của người đồng bào dân tộc cứ du dương, ngọt ngào như muốn níu chân người ở lại; tham gia vào một vài trò chơi dân gian như ném còn, giã gạo, đẩy gậy, đánh quay; thưởng thức hương vị các món ăn độc đáo vào đúng dịp cơm mới, làm bánh cốc mò, xôi ngũ sắc; trải nghiệm những phiên chợ vùng cao của đồng bào...
Với những thế mạnh sẵn có, huyện Bình Liêu đã và đang có những định hướng đúng đắn, kịp thời, huy động các nguồn lực và thu hút đầu tư mạnh mẽ để khai thác, phát triển du lịch xứng tầm với tiềm năng. Huyện đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị thực hiện xây dựng Đề án du lịch bền vững gắn với phát triển KT-XH huyện Bình Liêu đến năm 2030, đã trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án vào tháng 10/2021.
Sở Du lịch cũng đang nghiên cứu, đề xuất tham mưu cho UBND tỉnh trong việc xem xét đề xuất HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng gắn với giảm nghèo và phát triển KT-XH huyện Bình Liêu giai đoạn 2021-2025. Nếu các chính sách, đề án được xem xét phê duyệt sẽ tạo động lực quan trọng để du lịch Bình Liêu có thêm cơ hội bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, cho biết: Cùng với Đề án Du lịch bền vững gắn với phát triển KT-XH huyện Bình Liêu đến năm 2030, huyện cũng đang tích cực triển khai hoàn thành các đề án, dự án du lịch trọng tâm như: Đề án bản văn hóa người Tày gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại Lục Hồn; Dự án tôn tạo, tu bổ, phát huy giá trị di tích - danh lam thắng cảnh thác Khe Vằn; xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển di tích, danh thắng ruộng bậc thang xã Lục Hồn… Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch đảm bảo gắn kết chặt chẽ với định hướng phát triển của huyện; bố trí ngân sách, xã hội hóa đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng du lịch, giao thông kết nối thông suốt các tuyến, điểm du lịch.
Nhiều giải pháp phục hồi mạnh mẽ
Bước sang năm 2022, Bình Liêu cũng sẵn sàng tâm thế để tái khởi động, với quyết tâm phục hồi du lịch mạnh mẽ, tạo đà quan trọng cho phát triển du lịch địa phương những năm tiếp theo. Ngay trong đầu tháng 4 vừa qua, Bình Liêu đã tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2022, diễn ra từ ngày 31/3-3/4 tại TP Hà Nội nhằm thúc đẩy xúc tiến, quảng bá hình ảnh, văn hoá và các sản phẩm du lịch tiêu biểu của huyện. Đồng thời, tham gia các chương trình hội thảo về phát triển du lịch bền vững, du lịch MICE, du lịch cộng đồng, chuyển đổi số trong quản lý, vận hành du lịch; tìm kiếm nhà đầu tư vào du lịch Bình Liêu...
Với mục tiêu từng bước đưa hoạt động du lịch vào chiều sâu, có chất lượng, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn riêng có, Bình Liêu đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch phục hồi, kích cầu du lịch triển khai trong năm 2022. Theo đó, huyện tiếp tục tổ chức các hoạt động kích cầu gắn với các lễ hội, ngày hội trong năm của huyện như: Lễ hội đình Lục Nà (ngày 16, 17 tháng Giêng), hội Soóng Cọ (ngày 16/3 âm lịch), hội Kiêng gió (ngày 4/4 âm lịch), hoạt động Tuần Văn hoá - Du lịch năm 2022 (hội Mùa vàng, hội Hoa sở...), khai thác, phát huy tối đa thế mạnh du lịch vào mùa thu đông.
Trong đó, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch theo hướng gia tăng sự trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú của du khách như trải nghiệm đời sống sinh hoạt, văn hóa, lao động sản xuất trên địa bàn. Cụ thể: Tham gia giao lưu, thi đấu bóng đá nữ với đội bóng địa phương tại Húc Động; các trò chơi, môn thể thao dân tộc; hoạt động lao động sản xuất trên ruộng bậc thang; các nghi lễ truyền thống của người dân bản địa...
Cùng với đó, tiếp tục khảo sát mở rộng thu hút đầu tư đồng bộ vào các điểm đến. Đồng thời, thúc đẩy liên kết phát triển du lịch, tăng cường công tác tuyền thông về du lịch Bình Liêu qua các kênh truyền hình lớn, các trang mạng xã hội uy tín, kênh của doanh nghiệp du lịch…
Với quyết tâm mạnh mẽ cùng sự năng động, đón đầu thời cơ phục hồi và phát triển, du lịch Bình Liêu kỳ vọng sẽ hoàn thành mục tiêu đón 70.000 lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt trên 36 tỷ đồng trong năm 2022.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()