Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 08/11/2024 12:30 (GMT +7)
Điện Kremlin: Anh đã 'tham gia trực tiếp' vào xung đột ở Ukraine
Thứ 6, 01/03/2024 | 13:38:00 [GMT +7] A A
Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov cho rằng London đã “thực sự trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột” ở Ukraine.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov, ngày 29/2 nói rằng, sự can dự quân sự trực tiếp của Anh vào Ukraine chưa bao giờ là bí mật, nhưng một trong những cơ quan truyền thông có uy tín của nước này, tờ The Times, hiện đã thừa nhận điều đó một cách thẳng thắn.
Kênh truyền hình Nga RTVI đã yêu cầu ông Peskov bình luận thông tin từ tờ The Times trong đó tuyên bố rằng Đô đốc Tony Radakin, người đứng đầu lực lượng vũ trang Vương quốc Anh, đã giúp lập “kế hoạch tác chiến” cho Ukraine.
“Nói chung, không có gì bí mật về việc người Anh thực sự cung cấp các hình thức hỗ trợ khác nhau (cho Ukraine). Cả người trên thực địa và tình báo...”, ông Peskov nói và nhấn mạnh: “Có nghĩa là, họ thực sự trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột này.”
Tờ báo Anh dẫn nguồn tin quân sự Ukraine, cho biết ông Radakin “được hiểu là đã giúp Ukraine thực hiện chiến lược tiêu diệt tàu Nga và mở cửa Biển Đen”, đồng thời được coi là “đóng vai trò trong việc phối hợp sự hỗ trợ từ các lãnh đạo cấp cao khác trong NATO”.
Vị Đô đốc này cũng được cho là đã đến thăm Kiev và gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky để thảo luận về chiến lược của Ukraine và những cách mà phương Tây có thể giúp đỡ.
Điện Kremlin không có thông tin cụ thể liên quan đến ông Radakin, nhưng “có lẽ quân đội của chúng tôi biết về điều này”, ông Peskov nói.
Trước đó, tờ The Times đưa tin Đô đốc Radakin, 58 tuổi, dự kiến sẽ nghỉ hưu vào tháng 11 năm nay sau ba năm giữ chức vụ Tham mưu trưởng quân đội, nhưng sẽ tiếp tục giữ chức vụ này thêm một năm nữa theo yêu cầu của Thủ tướng Rishi Sunak. Một nguồn tin nói với tờ báo rằng chính phủ Anh coi điều quan trọng là phải duy trì “sự liên tục” trước cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
Không chỉ tờ The Times, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuần này cũng đã vô tình xác nhận sự hiện diện của quân đội Anh trên thực địa ở Ukraine, nói rằng các sĩ quan điều khiển hỏa lực của Anh đang điều khiển tên lửa hành trình Storm Shadow. Một nhà lập pháp Anh sau đó đã tố cáo bình luận của ông Scholz là "sự lạm dụng thông tin tình báo trắng trợn" khiến các nhân sự Anh gặp nguy hiểm và tạo cớ cho Nga leo thang căng thẳng.
Theo tờ Daily Mail, Thủ tướng Scholz hôm 26/2 cho biết ông sẽ không cung cấp cho Ukraine các tên lửa tầm xa do Đức sản xuất vì một khi như vậy, quân đội Đức sẽ cần phải hỗ trợ lực lượng của Kiev trên bộ. Nhà lãnh đạo Đức nói rằng, việc làm như vậy theo Anh sẽ khiến đất nước ông trở thành "bên tham chiến". Theo ông Scholz, việc cung cấp hệ thống vũ khí Taurus cho Kiev sẽ đẩy quân đội Đức đến quá gần chiến tuyến trong xung đột giữa Ukraine và Nga. Ông cũng nhấn mạnh Berlin không thể hành động như Pháp và Anh trong việc hỗ trợ quân đội Ukraine.
Phát ngôn của Thủ tướng Đức đã gây ra phản ứng giận dữ ở Anh. "Đây là hành động lạm dụng trắng trợn thông tin tình báo mà họ cố ý thực hiện để đánh lạc hướng chú ý trước sự do dự của Đức trong việc trang bị cho Ukraine hệ thống tên lửa tầm xa của chính họ. Nga chắc chắn sẽ lợi dụng chuyện này để leo thang", ông Tobias Ellwood, cựu Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Hạ viện Anh, nói với tờ Telegraph.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()