Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 02:33 (GMT +7)
Diễn viên phim giờ vàng nói gì khi đóng vai ác bị khán giả "ném đá", nhắn tin dọa đánh
Thứ 4, 24/04/2024 | 22:29:55 [GMT +7] A A
Khi mạng xã hội bùng nổ, tính tương tác giữa khán giả, phim ảnh và nghệ sĩ bỗng trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Từ đó đã tạo ra thế đối nghịch giữa diễn viên đóng vai chính diện và phản diện.
Kể từ khi lên sóng, bộ phim “Trạm cứu hộ trái tim” với dàn phản diện được xây dựng tàn nhẫn, mất nhân tính đã khiến diễn viên Quang Sự (vai Nghĩa) và Lương Thu Trang (vai An Nhiên) bị chỉ trích, ghét bỏ.
Trước đó, nhiều diễn viên giờ vàng đảm nhận vai phản diện đã bị “ném đá” khắp mạng xã hội khi đóng vai quá đểu giả. Diễn viên Ngọc Quỳnh đóng vai người chồng tệ bạc ở “Hoa hồng trên ngực trái” thậm chí còn bị khán giả nhắn tin dọa đánh nếu vô tình gặp ngoài đường.
Diễn viên Trọng Lân trở thành gương mặt điển hình cho tuyến phản diện trên sóng giờ vàng. Có giai thoại hài hước, Trọng Lân đóng 9 phim, có đến 8 phim bị ăn tát vì đểu.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, Trọng Lân chia sẻ hậu trường những cảnh bị các nhân vật đánh, đấm, tát: “Tất cả những cảnh bị tát, bị đánh, ngã xuống ao... tôi đều muốn làm chân thực nhất có thể. Trước đây, khi quay phim chỉ có 1-2 máy, diễn viên có thể dùng kỹ thuật để đánh giả, nhưng bây giờ, với rất nhiều máy xung quanh, việc đóng phim đã trở nên chuyên nghiệp hơn bao giờ hết.
Trước mỗi cảnh quay, tôi đều trao đổi kỹ với bạn diễn, “cảnh này chị/anh phải tát em, đánh em, cứ ra tay thật để cả 2 bên đều có cảm xúc thật”, tuy nhiên cũng có những bạn diễn quá nhập tâm, không kiềm chế được cảm xúc, tát rất đau (cười). Nhưng với tôi, điều đó không sao cả, quan trọng nhất là khán giả cảm thấy cảnh quay chân thực, diễn xuất chân thực”.
Trọng Lân nói, anh hiểu phản ứng của khán giả khi xem phim, thấy nhân vật ác quá sẽ ghét lây sang cả diễn viên. “Tôi nghĩ, khi đóng phản diện được khán giả ghét, tức là thành công. Tuy nhiên, tôi cũng mong khán giả có thể phân biệt được, nhân vật và diễn viên rất khác nhau. Chúng tôi ở ngoài đời không giống trên phim”.
Kịch bản khi càng bám sát đời sống, tuyến nhân vật phản diện sẽ càng được xây dựng chỉnh chu, nhiều lớp lang. Nhiều bộ phim được khen ngợi khi xây dựng tuyến phản diện đểu giả nhưng luôn mang gương mặt chính diện, tử tế. Sự giả dối ẩn sau cho thấy sự đa dạng, phức tạp, muôn mặt của đời sống.
Diễn viên B Trần được giao vai người chồng lăng nhăng, ngoại tình trong phim “Chúng ta của 8 năm sau”. Nam diễn viên từng bị chỉ trích khắp mạng xã hội.
“Tuyến phản diện là sự phản ánh đa dạng, đầy đủ mọi góc tối, ngõ ngách trong mỗi con người và ở ngoài đời sống. Tuyến phản diện càng đặc sắc, sẽ càng góp phần tôn lên tuyến chính diện. Vai chính diện được khán giả yêu thương là điều tất nhiên, còn nếu vai phản diện mà không nhận được lời chỉ trích, sự ghét bỏ từ khán giả - mới là không thành công” – B Trần nói.
Theo B Trần, điều đáng sợ nhất của diễn viên là bị khán giả nhận xét "đóng chưa tới, chưa ra nhân vật" chứ không phải là những lời chỉ trích dữ dội, bởi khán giả càng phản ứng gay gắt càng chứng tỏ vai diễn đó đã thành công.
Vai ác trong mỗi tác phẩm giống như lời cảnh tỉnh. Bài học cho cái ác là sự thua cuộc trong trận chiến với cái thiện. Bởi vậy, vai ác có sứ mệnh riêng, thông điệp riêng ở mỗi tác phẩm.
Khi nhận vai phản diện ở phim “Ma làng”, NSND Bùi Bài Bình cũng nhận phản ứng bất ngờ từ khán giả, khi trước đó anh đều đảm nhận vai chính diện, hiền lành, khắc khổ.
Bùi Bài Bình kể, “Tôi thấy nhiều khán giả bình luận, sao đóng vai phản diện nhìn lão ấy mặt đểu thế, hay đây mới là bản chất của lão?”. Theo NSND Bùi Bài Bình, anh đón nhận mọi khen chê từ khán giả.
Để đóng vai phản diện, Bùi Bài Bình dẫn lại câu nói mà anh rất tâm đắc, “Muốn đóng con ma phải sống cho ra con người”.
Khi nghệ sĩ nhập vai vào nhân vật xấu xa, tàn ác, trước nhất – họ phải biết thế nào là tốt, để diễn cho ra cái ác.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()