Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:14 (GMT +7)
Điều chỉnh, rút kinh nghiệm từ những tồn tại trong thu - chi ngân sách của năm 2016
Thứ 2, 11/12/2017 | 15:23:50 [GMT +7] A A
Tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIII sẽ thông qua thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc phê chuẩn tổng quyết toán thu NSNN trên địa bàn và quyết toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2016. Đây là năm thu - chi ngân sách của tỉnh đạt kết quả tốt, giúp đảm bảo thực hiện được các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong năm của địa phương. Tuy nhiên, quá trình điều hành thu - chi ngân sách năm 2016 vẫn còn những hạn chế cần điều chỉnh, rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo.
[links()]
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng các địa phương thực hiện tốt công tác thu - chi ngân sách năm 2016. |
Về tổng thu NSNN trên địa bàn năm 2016 thực hiện 37.702 tỷ đồng, tăng 10% dự toán HĐND tỉnh giao, trong đó: Thu nội địa đạt 24.948 tỷ đồng, tăng 13% dự toán; tỷ trọng thu nội địa trên tổng thu ngân sách tăng từ 47,6% năm 2015 lên 66,1% năm 2016. Quy mô thu nội địa ngày một lớn thể hiện sự ổn định và phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế trong tỉnh. Trong đó, một số lĩnh vực có số thu tăng cao như thu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 63%; thuế bảo vệ môi trường tăng 31%; thu tiền sử dụng đất tăng 109%; thu tiền thuê mặt đất, mặt nước tăng 143%; thu phí, lệ phí tăng 31%…
Về tổng chi ngân sách địa phương năm 2016 đạt 20.167 tỷ đồng, tăng 14% dự toán. Chi đầu tư phát triển tăng 58% so với dự toán, tăng 38,6% so với năm 2015.
Kết quả thu - chi ngân sách này đã được đánh giá cao. Bởi đây là năm có số thu cao nhất từ trước tới nay với cơ cấu ngân sách dịch chuyển đúng hướng là giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển. Lần đầu tiên trong điều hành ngân sách tỉnh có số chi đầu tư phát triển vượt so với chi thường xuyên (chi thường xuyên 8.755 tỷ đồng, chi đầu tư 10.235 tỷ đồng). Đây là những kết quả hết sức phấn khởi thể hiện sự quyết tâm và linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành thu - chi ngân sách của UBND tỉnh, nhằm tiến đến một nền tài chính ngân sách lành mạnh, bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình điều hành thu - chi ngân sách cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Một số chỉ tiêu quan trọng không đạt dự toán như: Thu từ khối doanh nghiệp nhà nước trung ương đạt 99%; chi sự nghiệp giáo dục đào tạo dạy nghề, sự nghiệp y tế, chi đảm bảo xã hội… Việc lập, chấp hành và thực hiện dự toán thu - chi ngân sách ở một số đơn vị, một số lĩnh vực chưa nghiêm. Đáng chú ý, công tác quản lý nợ thuế chưa được quan tâm, tập trung giải quyết. Tổng số nợ thuế tăng 15% so với năm 2015 (nợ 1.328 tỷ đồng), trong đó nợ khó thu chiếm 20% tổng nợ, tăng 24% so với năm 2015, chỉ tiêu thu nợ Tổng cục Thuế và Cục Thuế Quảng Ninh giao đều không đạt.
Công tác kiểm tra, thanh tra, chống thất thu NSNN chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, việc vi phạm luật và chế độ thu của người nộp thuế diễn ra phổ biến và trên diện rộng chưa được kiểm soát và xử lý. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, 100% doanh nghiệp được chọn mẫu để thực hiện kiểm tra, đối chiếu đều kê khai và quyết toán thiếu số thuế phải nộp. Qua kết quả giám sát của HĐND tỉnh về chấp hành pháp luật thu NSNN cho thấy hầu hết các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh đều kê khai lỗ hoặc hòa vốn.
Năm 2016 thu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 63%. (Trong ảnh: Sản xuất sợi tại Công ty TNHH Vinanewtarp Việt Nam, KCN Cái Lân - doanh nghiệp FDI) |
Theo đánh giá của ngành Tài chính địa phương, năm 2016, công tác quản lý tiền thuê đất chưa triệt để, bỏ sót đối tượng và còn sai sót trong xác định đơn giá thuê đất. Về công tác phân bổ ngân sách cũng chưa sát thực tế và khả năng thực hiện, nên trong năm phải điều hòa nhiều trên cả hai lĩnh vực chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, cuối năm vẫn phải chuyển nguồn ngân sách với một con số khá lớn 8.692 tỷ đồng (chiếm 30,4% tổng chi). Nợ đầu tư XDCB cũng chưa được kiểm soát tốt.
Công tác thẩm tra, quyết toán vốn đầu tư đối với dự án hoàn thành còn chậm, theo Kiểm toán Nhà nước, có 108 hồ sơ gửi Sở Tài chính chậm phê duyệt quyết toán trên 6 tháng, 100 dự án hoàn thành nhưng chậm nộp báo cáo trên 6 tháng.
Đối với chi thường xuyên thì công tác kiểm tra, kiểm soát chi chưa chặt chẽ, còn hiện tượng sử dụng nguồn kinh phí ngân sách cấp để thanh toán cho những sản phẩm không đảm bảo theo đúng các hợp đồng ký kết. Theo Kiểm toán Nhà nước: Có 4 địa phương (Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hoành Bồ) ký hợp đồng xử lý chất thải với đơn giá theo công nghệ đốt nhưng toàn bộ rác trong khoảng thời gian này vẫn xử lý theo phương pháp chôn lấp, trong khi đó ngân sách đã chi trả 37 tỷ đồng (thanh toán 70% giá trị hợp đồng); nếu tính theo phương pháp chôn lấp chỉ phải chi trả khoảng 7,3 tỷ đồng cho lượng rác cần xử lý của 4 địa phương…
Trước những hạn chế, bất cập trên, UBND tỉnh đã có các giải pháp khắc phục, rút kinh nghiệm, điều chỉnh trong quá trình điều hành thu - chi ngân sách. Cụ thể như: Quyết liệt chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp cùng cơ quan Thuế có giải pháp quyết liệt để thu nợ thuế về ngân sách, nhất là khu vực ngoài quốc doanh; thực hiện công bố công khai danh sách chủ đầu tư, đơn vị còn dự án vi phạm quy định thời gian lập, thẩm tra, phê duyệt và gửi hồ sơ quyết toán; đồng thời làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện công tác quyết toán dự án hoàn thành theo Chỉ thị số 27/2013/CT-TTg…
Nhờ đó, những tồn tại nêu trên đã dần được khắc phục, tháo gỡ ngay trong năm tài chính 2016 và năm 2017.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()