Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:22 (GMT +7)
“Điều hành kinh tế như đang trên dây”
Thứ 6, 31/05/2013 | 12:08:38 [GMT +7] A A
“Nền kinh tế đang rất khó khăn nên việc điều hành kinh tế lúc này như đang “trên dây”, làm sao phải giữ được sự thăng bằng giữa tăng trưởng và lạm phát thì mới có thể đi hết chặng đường năm 2013”, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nêu quan điểm.
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu đều thể hiện sự “sốt ruột” về sự trì trệ của nền kinh tế và theo họ, đã đến lúc không cần phải quá lo cho lạm phát để tập trung cho tăng trưởng. Xin cho biết quan điểm của ông?
Tôi cho rằng lúc này chúng ta đừng nghiêng về một phía nào cả.
Nền kinh tế đang rất khó khăn, nên việc điều hành kinh tế lúc này như đang “trên dây”, làm sao phải giữ được sự thăng bằng giữa tăng trưởng và lạm phát thì mới có thể đi hết chặng đường năm 2013.
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. |
Nếu chúng ta sốt ruột nên nghiêng về tăng trưởng kinh tế mà không quan tâm đúng mức đến lạm phát hoặc ngược lại, chỉ tập trung vào kiềm chế lạm phát mà không nghĩ đến tăng trưởng kinh tế thì đều không ổn. Quan trọng là phải giữ được cân bằng.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải chấp nhận một mức lạm phát có thể tương đương như năm 2012 để có thể đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012.
Tôi cho rằng trong điều kiện hiện nay, chúng ta khó có thể kỳ vọng đạt được mục tiêu Quốc hội đã thông qua là GDP tăng 5,5%, một mức khả thi có thể đạt được là tăng khoảng 5,2%.
Đại biểu Quốc hội cũng còn cho rằng việc điều hành lạm phát như năm 2012 và 5 tháng đầu năm nay không còn là thành tích vì thực chất, chỉ vì người dân quá thắt lưng buộc bụng nên CPI không thể nhích lên?
Vấn đề này cũng nên được xem xét một cách công bằng hơn, nếu nói hoàn toàn lạm phát thời gian qua không có công sức điều hành của Chính phủ thì cũng không hẳn, nhưng cũng không hoàn toàn do điều hành tốt nên lạm phát giảm.
Những tháng gần đây, CPI của cả nước cũng như tại những thành phố lớn đều có xu hướng giảm. Trong trường hợp này, CPI giảm một mặt phản ánh rằng chúng ta đã kiềm chế tốt lạm phát, nhưng mặt khác cũng cho thấy sự suy giảm về sức mua của nền kinh tế.
Về mục tiêu kiềm chế lạm phát của năm ngoái và năm nay, Quốc hội đặt ra mục tiêu lạm phát dưới một con số trên cơ sở phân tích rằng, nền kinh tế của nước ta do lạm phát luôn ở mức cao, có nhiều bong bóng trong các lĩnh vực như tài chính, chứng khoán, bất động sản... làm kinh tế vĩ mô bất ổn.
Vì vậy, cần phải đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu, phải chặn lại tốc độ lạm phát. Tuy nhiên, đây là câu chuyện phải làm từ từ, chứ cũng không nên quá đột ngột như thời gian qua. Năm 2012, CPI chỉ tăng 6,81%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 18,13% của năm 2011. Nền kinh tế đang lạm phát cao mà chặn lại xuống còn 6,81% cũng không phải là một sự thành công.
Chính phủ hiện cũng đang tỏ ra hết sức nỗ lực và tích cực để thúc đẩy tăng trưởng, thông qua việc đưa ra hàng loạt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng gần như giải pháp nào, cũng đều bị “chê”. Vậy theo ông, việc cứu doanh nghiệp cần làm thế nào cho thực sự hiệu quả?
Theo tôi, muốn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thực sự hiệu quả, thì phải hiểu đúng được đâu là thứ doanh nghiệp cần. Hiện, có ba thứ doanh nghiệp đang rất cần. Đó là vốn - được coi như “máu” của doanh nghiệp. Nguồn vốn của doanh nghiệp hiện nay chủ yếu dựa vào tín dụng của ngân hàng, Nhưng nguồn vốn tín dụng đang bị một điểm nghẽn là nợ xấu, được ví như cục máu đông.
Vậy thì Chính phủ phải làm sao định hướng ngân hàng “giải phẫu” cục máu đông này: có phân loại, có những khoản phải khoanh nợ, giãn nợ, thậm chí có những khoản phải chấp nhận gạt sang một bên để tiếp tục cho doanh nghiệp có khả năng phát triển vay vốn.
Ngân hàng cần đặt mục tiêu: cứu doanh nghiệp cũng như cứu mình thì mới giải quyết được tình trạng này, chứ không như vừa qua, nhiều ngân hàng chỉ tập trung thu nợ mà không tính toán đầy đủ đến chuyện phải để vốn để doanh nghiệp sống.
Cùng đó, chúng ta cũng cần phân tích rõ, nợ xấu hình thành từ đâu? Rõ ràng, nợ xấu có sự góp phần từ đầu tư cho bất động sản, từ nợ xây dựng cơ bản. Đây là một cái nút cần tháo gỡ.
Vừa qua, chính sách của chúng ta đã và đang tập trung hỗ trợ cho bất động sản có thể bán được – cũng là cách để xử lý nợ xấu. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tạo vốn. Các chính sách về giảm thuế vừa qua chính là hình thức để tạo vốn cho doanh nghiệp.
Cái cần thứ hai là về thị trường. Thị trường cũng là một trong những điều kiện đảm bảo sự sống còn của doanh nghiệp.
Chính phủ phải làm thế nào để thúc đẩy được sức mua, nếu cứ bỏ mặc cho việc hàng hóa doanh nghiệp làm ra để bán trên thị trường mà thị trường bị chậm, sức mua giảm và chỉ coi đó như là việc của doanh nghiệp thì rất khó cải thiện tình hình. Phải có bàn tay của Nhà nước để kích hoạt tất cả các thị trường thông qua các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa.
Chẳng hạn, Chính phủ có các động thái kích hoạt cho thị trường bất động sản là rất nên làm. Hay kích hoạt thị trường bằng cách thực hiện tuyên truyền, vận động mạnh mẽ hơn để người Việt Nam dùng hàng Việt Nam...
Cái cần thứ ba của doanh nghiệp là các cơ quan nhà nước cần bảo đảm một khuôn khổ pháp lý ổn định. Nhiều doanh nghiệp nói rằng không cần Nhà nước hỗ trợ gì cả nhưng Nhà nước phải minh bạch về cơ chế, chính sách, phải đảm bảo chính sách, hàng rào kỹ thuật ổn định. Nếu không ổn định thì doanh nghiệp cũng không thể nào tính toán hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Theo Thời báo kinh tế Việt Nam
Liên kết website
Ý kiến ()