Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:26 (GMT +7)
Điều hành ngân sách công khai, linh hoạt, tạo động lực tăng trưởng
Thứ 3, 11/07/2023 | 06:51:01 [GMT +7] A A
Bằng sự quyết tâm, chủ động, linh hoạt trong điều hành ngân sách, 6 tháng đầu năm, tổng thu NSNN của tỉnh vượt tốc độ thu bình quân đạt 28.920 tỷ đồng (bằng 53% dự toán tỉnh giao, bằng 106% kịch bản, bằng 103% cùng kỳ năm 2022); tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đạt 10.200 tỷ đồng (bằng 35% dự toán, bằng 100% cùng kỳ). Kết quả quan trọng này đã góp phần đưa kinh tế Quảng Ninh tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng với con số ấn tượng là 9,46%, đứng thứ 4 trong cả nước.
Năm 2023 cũng là năm thứ hai của thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025, song lại có điều chỉnh thay đổi tỷ lệ (%) điều tiết 5 sắc thuế giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, do đó đã tác động ảnh hưởng không nhỏ đến thu, chi ngân sách của tỉnh và số thu địa phương.
Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh đã tiếp tục cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện thu có trách nhiệm tăng thu phần thuế, phí ở mức cao nhất theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Đối với địa phương có nhiệm vụ đầu tư, nâng cấp đô thị là TX Quảng Yên và TX Đông Triều thì được ngân sách tỉnh cấp bổ sung có mục tiêu để các địa phương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Theo đó, để đảm bảo năm 2023 thu ngân sách đạt 54.000 tỷ đồng, ngay từ đầu năm, tỉnh đã triển khai một loạt các giải pháp, như: Thành lập Tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh thu NSNN năm 2023; ban hành quy chế làm việc của Ban chỉ đạo tăng cường điều hành ngân sách nhà nước tỉnh và tổ chức họp Ban chỉ đạo điều hành thu, chi ngân sách hàng quý để đánh giá kết quả hoạt động, đề xuất những giải pháp để tổ chức, triển khai thực hiện; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các doanh nghiệp trọng điểm (than, điện, xi măng, xăng, dầu, vận tải...). Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức họp đánh giá tiến độ thực hiện, đôn đốc các địa phương về đẩy nhanh tiến độ xây dựng giá đất và tổ chức đấu giá đất, chấn chỉnh hoạt động của Hội đồng thẩm định giá đất, nhằm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu pháp lệnh của Trung ương giao là 7.500 tỷ đồng.
Ông Cao Ngọc Tuấn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho biết: Nhờ những giải pháp toàn diện, cùng với sự quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, tổng thu NSNN vượt tốc độ thu bình quân, đạt 28.920 tỷ đồng (bằng 53% dự toán tỉnh giao, bằng 106% kịch bản, bằng 103% cùng kỳ). Cụ thể: Thu nội địa từ các khoản thuế, phí đạt 18.785 tỷ đồng (bằng 54% dự toán, tăng 9% cùng kỳ); tỷ lệ khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đạt trên 99% (vượt chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao 4%); 100% hồ sơ hoàn thuế GTGT và dự án đầu tư được thực hiện qua hình thức điện tử. Trong đó, các khoản thu đóng góp vào tăng trưởng kinh tế ước đạt 13.246 tỷ đồng (bằng 59% dự toán, tăng 8% so với cùng kỳ). Việc thu ngân sách vượt dự toán sẽ tạo thêm nguồn lực thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng an ninh, thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các đề án, chính sách của tỉnh.
Trong năm 2023, tổng chi ngân sách địa phương là 31.961 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển là 13.200 tỷ đồng; chi thường xuyên là 16.470 tỷ đồng. Theo Nghị quyết số 136/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh, nguồn vốn chi đầu tư phát triển ngân sách tỉnh sẽ được phân bổ kế hoạch vốn cho 14 dự án hoàn thành, 50 dự án chuyển tiếp, 9 dự án khởi công mới, hỗ trợ các địa phương theo tiêu chí chấm điểm, hỗ trợ các địa phương thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư.
Khác với chi đầu tư phát triển có số lượng giảm, năm nay, chi thường xuyên ngân sách tỉnh, huyện, xã tăng 3.221 tỷ đồng so với dự toán được HĐND tỉnh giao đầu năm 2022. Trong đó, kinh phí tự chủ tăng 145 tỷ đồng, kinh phí không tự chủ tăng 6 tỷ đồng, kinh phí thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội và các nhiệm vụ trọng tâm khác của tỉnh là 2.846 tỷ đồng...
Để đáp ứng được nhiệm vụ phát triển, công tác chi điều hành ngân sách địa phương được tỉnh triển khai theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm” ngay từ khâu xác định nhiệm vụ chi. Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương cắt giảm các khoản chi không thật sự cần thiết, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên, giảm tối đa kinh phí hội thảo, hội nghị, đi nghiên cứu trong nước và nước ngoài.
Đồng thời, yêu cầu Sở Tài chính và các địa phương thực hiện giao dự toán chi tiết cho từng đơn vị, địa phương ngay từ đầu năm để triển khai, thực hiện giải ngân, phấn đấu đến 30/9/2023 giải ngân được 80%, đến 31/12/2023 giải ngân 100% dự toán được giao. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các thành viên Tổ công tác tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn, thường xuyên đi kiểm tra thực tế tiến độ giải ngân, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của đơn vị, địa phương được giao phụ trách, báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết.
Công tác giải ngân cũng đã gắn trách nhiệm của người đứng đầu. Theo đó, tỉnh yêu cầu lãnh đạo các chủ đầu tư, đơn vị dự toán giải trình nguyên nhân việc giải ngân chậm trong các cuộc họp thường kỳ của UBND tỉnh và các cuộc họp chuyên đề về giải ngân. Tỉnh cũng thực hiện kiểm soát chặt chẽ các khoản chi theo dự toán, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Thường xuyên rà soát các khoản chi thường xuyên chưa phân khai, đã phân khai nhưng giải ngân chậm hoặc hết nhiệm vụ chi để tham mưu cắt giảm, điều chỉnh, bổ sung nguồn vốn chi đầu tư phát triển cho các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh.
UBND tỉnh cũng đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 145/NQ-HĐND ngày 30/3/2023 điều chuyển 756/2.846 tỷ đồng khoản chi tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách tỉnh để bổ sung vốn đầu tư công cho 12 dự án trường học và hỗ trợ xây dựng doanh trại Ban Chỉ huy Quân sự TX Đông Triều; trình HĐND tỉnh phân bổ 826 tỷ đồng kinh phí chưa phân bổ chi tiết trong dự toán đầu năm chưa đủ điều kiện phân bổ tại kỳ họp giữa năm. Đặc biệt tỉnh cũng đã giao Sở Tài chính tổ chức kiểm tra công tác quản lý điều hành ngân sách năm 2022 và phân bổ, giao dự toán ngân sách năm 2023 tại 13/13 địa phương. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã yêu cầu các địa phương, đơn vị chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về tài chính, ngân sách, kế toán và tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công. Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đạt 10.200 tỷ đồng (bằng 35% dự toán, bằng 100% cùng kỳ).
Ông Trần Văn Lâm, Giám đốc Sở Tài chính, khẳng định: Công tác điều hành NSNN 6 tháng đầu năm 2023 của UBND tỉnh được đổi mới, hoạt động hiệu lực hiệu quả, có những giải pháp phù hợp quyết liệt trong điều kiện giảm thu gần 1.500 tỷ đồng khi thực hiện các chính sách miễn, giảm, thuế phí của Trung ương. Nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi NSNN, trong 6 tháng đầu năm cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Qua đó, góp phần đảm bảo nguồn lực để duy trì tăng trưởng theo đúng các kế hoạch đề ra và đảm bảo các chính sách an sinh trên địa bàn tỉnh.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()