Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 09:24 (GMT +7)
Quảng Ninh: Vượt khó, đảm bảo thu ngân sách
Thứ 3, 27/06/2023 | 06:41:34 [GMT +7] A A
Bằng những giải pháp thiết thực, Quảng Ninh thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong 6 tháng đầu năm đạt 28.000 tỷ đồng, bằng 53% dự toán Trung ương giao, bằng 52% dự toán tỉnh giao, bằng 101% so với cùng kỳ 2022.
Tỉnh Quảng Ninh bước vào thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, bất ổn, như thị trường bất động sản, chứng khoán kém sôi động; hoạt động biên mậu gặp khó khăn do chính sách phía Trung Quốc không ổn định, tắc nghẽn hàng hóa thông quan; giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; các chính sách miễn, giảm thuế, phí của Trung ương có hiệu lực..., ảnh hưởng tới số thu ngân sách của địa phương.
Trước tình hình đó, bám sát tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh tại Nghị quyết số 12-NQ/TU (ngày 28/11/2022) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 136/NQ-HĐND (ngày 9/12/2022) của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3638/QĐ-UBND (ngày 12/12/2022) về giao dự toán thu NSNN, chi ngân sách địa phương năm 2023; Quyết định số 266/QĐ-UBND (ngày 30/1/2023) về một số cơ chế và biện pháp điều hành NSNN năm 2023; Kế hoạch số 25/KH-UBND (ngày 10/2/2023) về việc triển khai công tác thu NSNN năm 2023..., giao nhiệm vụ cho từng sở, ban, ngành, địa phương.
Qua 6 tháng triển khai thực hiện, tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 28.000 tỷ đồng, bằng 53% dự toán Trung ương giao, bằng 52% dự toán tỉnh giao, bằng 106% kịch bản tăng trưởng, bằng 101% so với cùng kỳ 2022. Các khoản thu tính vào GRDP là 12.449 tỷ đồng, bằng 56% dự toán, bằng 106% kịch bản tăng trưởng, bằng 101% so với cùng kỳ 2022.
Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện 6 tháng ước đạt 7.000 tỷ đồng, bằng 61% dự toán Trung ương giao, bằng 58% dự toán tỉnh giao, bằng 107% kịch bản tăng trưởng, bằng 95% so cùng kỳ; thu nội địa ước thực hiện 6 tháng đạt 21.000 tỷ đồng, bằng 51% dự toán Trung ương giao, bằng 50% dự toán tỉnh giao, bằng 101% kịch bản tăng trưởng, bằng 104% so cùng kỳ.
Nguyên nhân đạt tốc độ thu bình quân, đó là ngay từ đầu năm, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã tăng lượng nhập khẩu; TKV và Tổng Công ty Đông Bắc tăng lượng than nhập khẩu để pha trộn phục vụ nhu cầu sản xuất; phía Trung Quốc nới lỏng kiểm soát dịch bệnh Covid-19, đã tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đường bộ; Cục Hải quan tỉnh và sở, ban, ngành, địa phương đã chủ động tiếp xúc, gặp gỡ các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình thông tin hoạt động sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Đánh giá theo sắc thuế, khoản thu nội địa cho thấy, 6 tháng đầu năm có 8/17 khoản thu đạt tốc độ bình quân 50% (thu từ DNNN Trung ương quản lý; thu từ khu vực DNNN do địa phương quản lý; thuế thu nhập cá nhân; thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, vùng trời, vùng biển; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết; thu khác ngân sách), còn lại 9/17 khoản thu không đạt tốc độ thu bình quân (thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu từ khu vực ngoài quốc doanh; lệ phí trước bạ; tiền sử dụng đất; tiền thuê đất; thuế bảo vệ môi trường; thu phí và lệ phí; các khoản thu tại xã; thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế).
Đánh giá theo cơ quan thu, phần thu nội địa Cục Thuế thu 6 tháng đạt 15.352 tỷ đồng, bằng 58% dự toán tỉnh giao, bằng 110% cùng kỳ. Về cơ bản các khoản thu đạt tiến độ thu bình quân, tuy nhiên số thu vẫn phụ thuộc nhiều từ ngành Than, với số thu 9.369 tỷ đồng (các khoản thuế 7.789 tỷ đồng; các khoản thuế, phí lệ phí khác 1.581 tỷ đồng), đạt 60% dự toán, bằng 140% cùng kỳ.
Phần địa phương thu ước đạt 6 tháng 5.648 tỷ đồng, bằng 37% dự toán tỉnh giao, bằng 89% so cùng kỳ, trong đó thu từ thuế, phí thực hiện 6 tháng đạt 3.059 tỷ đồng, bằng 39% dự toán tỉnh giao, bằng 93% so cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất ước thực hiện 6 tháng đạt 2.589 tỷ đồng, bằng 35% dự toán tỉnh giao, bằng 85% so cùng kỳ. Có 5/13 địa phương đạt tốc độ thu bình quân thuế, phí (50%), bao gồm: Móng Cái (63%); Đông Triều (50%); Tiên Yên (55%); Hải Hà (55%); Cô Tô (50%). Còn lại 8/13 địa phương không đạt tốc độ thu bình quân thuế, phí, bao gồm: Hạ Long (35%); Cẩm Phả (35%); Uông Bí (40%); Quảng Yên (28%); Vân Đồn (39%); Đầm Hà (40%); Bình Liêu (31%); Ba Chẽ (37%).
Một số sắc thuế có tiến độ thu còn chậm, như thuế bảo vệ môi trường, lệ phí trước bạ, tiền thuê đất, thu phí, lệ phí. Nguyên nhân được các địa phương xác định là do Trung ương thực hiện chính sách miễn thuế, gia hạn thuế; hoạt động du lịch, dịch vụ chưa hồi phục theo kỳ vọng; thị trường bất động sản khó khăn, ít giao dịch.
Nhiệm vụ những tháng cuối năm được ngành thuế xác định, đó là tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; đánh giá những tác động của các chính sách miễn giảm thuế để có phương án cân đối, bù đắp; kiểm tra chặt chẽ các dự án đang nợ đọng thuế, hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh để kịp thời quản lý thu các khoản thuế đầy đủ vào NSNN, qua đó phấn đấu thu NSNN 6 tháng cuối năm đạt 26.000 tỷ đồng, góp phần hoàn thành số thu NSNN cả năm đạt 54.000 tỷ đồng.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()