Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:59 (GMT +7)
Điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác
Thứ 5, 23/06/2022 | 11:13:45 [GMT +7] A A
Vừa qua, ông Ngô Duy Thố, trú tại thôn Cái Tăn, xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả có đơn gửi Trung tâm Truyền thông tỉnh đề nghị được hướng dẫn liên quan thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lâm nghiệp. Nội dung đơn của công dân được Trung tâm Truyền thông tỉnh chuyển UBND TP Cẩm Phả xem xét, giải quyết.
Theo UBND TP Cẩm Phả, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chưa ban hành chính sách thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lâm nghiệp (chưa có chính sách chuyển đổi cây lâm nghiệp sang trồng cây ăn quả). Do vậy, chưa có cơ quan nào thực hiện nội dung hỗ trợ kinh phí để chuyển đổi và hỗ trợ giống cây ăn quả để trồng trên đất lâm nghiệp.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, địa bàn TP Cẩm Phả nói riêng đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh đã định hướng thực hiện phát triển lâm nghiệp bền vững nhằm nâng cao giá trị kinh tế, môi trường, tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân trồng rừng bằng các loài cây gỗ lớn, cây bản địa. Do vậy, đề nghị ông Ngô Duy Thố nghiên cứu thực hiện chuyển đổi trồng cây lâm nghiệp có chu kỳ khai thác ngắn (keo, bạch đàn) sang các loài cây lâm nghiệp gỗ lớn, bản địa (lim, lát, giổi).
Đối với đề nghị liên quan trình tự, thủ tục chuyển đổi diện tích trồng rừng sản xuất sang trồng cây ăn quả, căn cứ Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, UBND TP Cẩm Phả có ý kiến hướng dẫn gia đình ông như sau: Về thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, căn cứ quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 20 Luật Lâm nghiệp. Theo đó, Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000ha trở lên.
Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50ha; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 20ha đến dưới 50ha; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 20ha đến dưới 500ha; rừng sản xuất từ 50ha đến dưới 1.000ha.
HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển dưới 20ha; rừng sản xuất dưới 50ha; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư.
Về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, căn cứ quy định tại Điều 1, Nghị định số 83/NĐ-CP ngày 15/7/2020, trường hợp thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh (chủ trương chuyển mục đích rừng sản xuất dưới 50ha) thì tổ chức, cá nhân đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính 1 bộ hồ sơ đến Sở NN&PTNT, nơi có diện tích rừng đề nghị chuyển mục đích sử dụng. Hồ sơ gồm: Văn bản đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng của tổ chức, cá nhân đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng; báo cáo đề xuất dự án đầu tư hoặc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi kèm theo văn bản thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tài liệu về đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư, đầu tư công; báo cáo thuyết minh, bản đồ hiện trạng rừng.
Sau khi được HĐND tỉnh thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thì tổ chức/cá nhân phải thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sủ dụng rừng sang mục đích khác theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 21 của Luật Lâm nghiệp. Sau khi chủ rừng thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế; chủ rừng thực hiện trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo khoản 1, 2, 3, 4 Điều 42 Nghị định 156/NĐ-CP.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()